Luật Đất đai 2024: Bị thu hồi đất nông nghiệp, nông dân được bồi thường, hỗ trợ thế nào?
Luật đất đai 2024 quy định rõ việc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp. Ngoài ra, luật cũng quy định các biện pháp hỗ trợ các trường hợp bị thu hồi đất.
Hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp sẽ được bồi thường và nhận nhiều hỗ trợ từ Nhà nước.
Bạn đọc Nguyễn Minh Phương (Hà Nội) thắc mắc: Gia đình tôi được Nhà nước giao đất nông nghiệp để trồng lúa. Tuy nhiên, sắp tới, diện tích đất này nằm trong quy hoạch Nhà nước sẽ thu hồi để làm đường liên xã. Vậy, gia đình tôi sẽ được bồi thường như thế nào? Gia đình có nhận được hỗ trợ gì từ Nhà nước khi không còn đất để sản xuất nông nghiệp?
Giải đáp thắc mắc trên, luật sư Lê Văn Kiên (Trưởng văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý) cho biết: Luật Đất đai 2024 quy định về “Bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân” tại Điều 96.
Cụ thể, theo luật quy định, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất, nếu có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 95 (quy định về “Điều kiện được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”) của Luật này thì được bồi thường bằng đất nông nghiệp hoặc bằng tiền hoặc bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi hoặc bằng nhà ở.
Đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất thì việc bồi thường về đất nông nghiệp được quy định như sau: Diện tích đất nông nghiệp được bồi thường bao gồm diện tích trong hạn mức quy định tại Điều 176 (quy định về “Hạn mức giao đất nông nghiệp”) và Điều 177 (quy định về “Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân”) của Luật này và diện tích đất do được nhận thừa kế; Đối với diện tích đất nông nghiệp do nhận chuyển quyền sử dụng đất vượt hạn mức trước ngày 1 tháng 7 năm 2014 thì việc bồi thường, hỗ trợ được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Ngoài ra, đối với đất nông nghiệp đã sử dụng trước ngày 1 tháng 7 năm 2004 mà người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhưng không đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của Luật này thì việc bồi thường được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
“Như vậy, nếu diện tích đất của gia đình chị Phương đủ điều kiện được bồi thường theo Luật Đất đai quy định thì gia đình chị sẽ được Nhà nước bồi thường bằng các hình thức như: Bồi thường bằng đất nông nghiệp khác hoặc bằng tiền, bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi hoặc cũng có thể là nhà ở.” Luật sư Kiên cho biết.
Về thắc mắc trong trường hợp bị thu hồi đất nông nghiệp, hộ nông dân như gia đình chị Phương có được hỗ trợ gì không? Luật sư Lê Văn Kiên cho biết: Căn cứ theo Điều 108, Luật Đất đai 2024, trong trường hợp bị thu hồi đất, gia đình chị Phương sẽ nhận được các biện pháp hỗ trợ gồm: Hỗ trợ ổn định đời sống; Hỗ trợ ổn định sản xuất, kinh doanh; Hỗ trợ di dời vật nuôi; Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm;
Hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp quy định tại khoản 8 Điều 111 (quy định về “Bố trí tái định cư”) của Luật này; Hỗ trợ để tháo dỡ, phá dỡ, di dời theo quy định tại khoản 3 Điều 105 (quy định về “Trường hợp không được bồi thường tài sản gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất”) của Luật này.
“Điều 108, Luật Đất đai cũng nêu rõ, căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định biện pháp, mức hỗ trợ khác để bảo đảm có chỗ ở, ổn định đời sống, sản xuất đối với người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản cho từng dự án cụ thể.
Việc hỗ trợ cho các trường hợp bị Nhà nước thu hồi đất sẽ được Chính phủ quy định chi tiết.
Ngoài ra, Luật Đất đai mới cũng quy định chi tiết các trường hợp được “Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất” tại điều 109”, luật sư Kiên nói.
Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất (Điều 109, Luật Đất đai 2024) 1. Hỗ trợ bằng tiền không quá 05 lần giá đất nông nghiệp cùng loại trong bảng giá đất của địa phương đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp thu hồi nhưng không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp tại địa phương theo quy định tại Điều 176 của Luật này đối với các đối tượng sau đây: a) Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp đang sử dụng đất nông nghiệp do được Nhà nước giao, nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế, nhận tặng cho, được công nhận quyền sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất không có đất để bồi thường và đã được bồi thường bằng tiền; b) Cá nhân thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp xã hội hằng tháng theo quy định của pháp luật, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp mà không có đất để bồi thường và đã được bồi thường bằng tiền; c) Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất do nhận giao khoán đất để sử dụng vào mục đích nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản từ các nông, lâm trường quốc doanh hoặc công ty nông, lâm nghiệp được chuyển đổi từ các nông, lâm trường quốc doanh đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp trên đất đó, trừ trường hợp cá nhân là cán bộ, công nhân viên của nông, lâm trường quốc doanh, của công ty nông, lâm nghiệp được chuyển đổi từ các nông, lâm trường quốc doanh đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp; d) Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất do nhận giao khoán đất của tập đoàn sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp trên đất đó. 2. Người được hỗ trợ theo quy định tại khoản 1 Điều này thì còn được hỗ trợ bằng hình thức đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm theo quy định tại khoản 4 Điều này. 3. Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ở kết hợp kinh doanh dịch vụ có nguồn thu nhập ổn định từ hoạt động kinh doanh dịch vụ, khi Nhà nước thu hồi đất mà phải di chuyển chỗ ở thì được vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh và được hỗ trợ theo quy định tại khoản 4 Điều này. 4. Việc tổ chức thực hiện hỗ trợ bằng hình thức đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho người có đất thu hồi là đất nông nghiệp, đất ở kết hợp kinh doanh dịch vụ được quy định như sau: a) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cơ chế, chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất thu hồi quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này; b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ cơ chế, chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định và điều kiện thực tế tại địa phương quy định mức hỗ trợ cụ thể phù hợp với từng đối tượng được hỗ trợ quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này; chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện quy định tại điểm c khoản này; c) Căn cứ kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm lập và tổ chức thực hiện phương án đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm tại địa phương. Phương án đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm được lập và phê duyệt đồng thời với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Trong quá trình lập phương án đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm, Ủy ban nhân dân cấp huyện phải tổ chức lấy ý kiến và có trách nhiệm tiếp thu, giải trình ý kiến của người có đất thu hồi. 5. Mức hỗ trợ cụ thể tại khoản 1 Điều này do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định căn cứ điều kiện thực tế của địa phương. 6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này. |
Nguồn: [Link nguồn]
Theo dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Điều 252 Luật Đất đai thì luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2024, tức có hiệu lực sớm hơn sáu tháng so với dự kiến.