Luật Căn cước: Công dân dưới 6 tuổi không cần cung cấp mống mắt

Theo Luật Căn cước, trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước sẽ có một số điểm khác so với CCCD vì cần phải thu thập thêm mống mắt với công dân từ đủ sáu tuổi trở lên…

Mới đây, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Căn cước gồm 7 chương, 46 điều. Luật Căn cước sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-7-2024.

Theo đó, CCCD được đổi thành thẻ căn cước, tuy nhiên CCCD đã được cấp trước đó vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được ghi trong thẻ. CMND còn thời hạn sử dụng vẫn được sử dụng đến hết ngày 31-12-2024…

Dù không cần thiết phải đổi sang thẻ căn cước nhưng với một số thay đổi của Luật Căn cước, một số bạn đọc có thắc mắc về trình tự, thủ tục làm thẻ căn cước và bao lâu thì được cấp thẻ?...

Lo ngại đông người khi đi đổi thẻ

Chị Huỳnh Thị Hiền (ngụ Vĩnh Long) cho biết theo Luật Căn cước mới, dù không cần thiết phải đổi từ CCCD sang thẻ căn cước nhưng nếu không đổi, chị lo rằng sẽ gặp một số bất cập trong các thủ tục giấy tờ sau này. Và nếu đổi sang thẻ căn cước, chị Hiền lo lắng lại có tình trạng “ùn tắc” giống lần đổi CCCD trước đây.

CCCD được đổi thành thẻ căn cước, CCCD được cấp trước đó vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được ghi trên thẻ. Ảnh: HUỲNH THƠ

CCCD được đổi thành thẻ căn cước, CCCD được cấp trước đó vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được ghi trên thẻ. Ảnh: HUỲNH THƠ

Bên cạnh đó, chị cũng thắc mắc khi làm xong thủ tục cấp thẻ căn cước, người dân phải chờ trong bao lâu thì có thẻ căn cước, có phải chờ lâu như CCCD trước đây không?

“Nhớ lần đó tôi đi mua BHYT, người ta yêu cầu phải có CCCD trong khi giấy CMND vẫn còn hạn. Sợ bất cập tương tự xảy ra trong thời gian tới nên tôi nghĩ vẫn phải đổi sang thẻ căn cước dù CCCD vẫn còn hạn. Chỉ sợ khi đi đổi thẻ, nhà nào cũng kéo nhau đi giống đợt vừa rồi thì mệt, chờ tận mấy ngày mới làm xong thủ tục, rồi phải chờ hơn cả tháng mới được cấp cái CCCD” - chị Hiền nói.

Tương tự, anh Nguyễn Quốc Võ (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) cũng thắc mắc về trình tự cấp thẻ căn cước. Theo thông tin anh Võ được biết, thẻ căn cước sẽ có một số thay đổi so với CCCD trước đây, không biết việc thay đổi này sẽ có những thuận tiện gì.

“Nghe nói theo Luật Căn cước, người dân cần phải cung cấp thêm mống mắt, ADN và giọng nói. Không biết việc cung cấp thông tin này có bắt buộc và áp dụng cho tất cả mọi người hay không? Hơn nữa, thẻ căn cước này còn cấp cho người dưới 14 tuổi, thay vì trước đây chỉ cấp cho người từ đủ 14 tuổi. Như vậy, thủ tục và trình tự cấp thẻ căn cước theo Luật Căn cước có giống nhau hay khác nhau đối với người dưới 14 tuổi và người từ đủ 14 tuổi” - anh Võ thắc mắc.

Thời hạn cấp, cấp đổi thẻ căn cước là bảy ngày

Trao đổi với PV, luật sư Trịnh Công Minh, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết căn cứ Điều 23 Luật Căn cước thì trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước như sau: Người dưới 14 tuổi hoặc cha, mẹ hoặc người giám hộ của người dưới 14 tuổi có quyền đề nghị cơ quan quản lý căn cước cấp thẻ căn cước.

Theo đó, với người dưới sáu tuổi thì cha, mẹ hoặc người giám hộ thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước thông qua cổng dịch vụ công. Trường hợp người dưới sáu tuổi chưa đăng ký khai sinh thì cha, mẹ hoặc người giám hộ thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước thông qua các thủ tục liên thông với đăng ký khai sinh trên cổng dịch vụ công hoặc trực tiếp tại cơ quan quản lý căn cước. Cơ quan quản lý căn cước không thu nhận đặc điểm nhân dạng và thông tin sinh trắc học đối với người dưới sáu tuổi.

Đồng thời, cũng theo Luật Căn cước, với người từ đủ sáu tuổi đến dưới 14 tuổi thì cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó đưa người đó đến cơ quan quản lý căn cước để thu nhận đặc điểm nhân dạng và thông tin sinh trắc học. Sau đó kê khai, ký, thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước thay cho người đó.

Đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên: Người tiếp nhận sẽ kiểm tra, đối chiếu thông tin của người cần cấp thẻ từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu chuyên ngành để xác định chính xác người cần cấp thẻ căn cước.

Trường hợp chưa có thông tin của người đó trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, người cần cấp thẻ căn cước phải thực hiện thủ tục cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Người tiếp nhận thu nhận đặc điểm nhân dạng và thông tin sinh trắc học gồm: ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người cần cấp thẻ. Người cần cấp thẻ kiểm tra, ký vào phiếu thu nhận thông tin căn cước. Người tiếp nhận cấp giấy hẹn trả thẻ căn cước.

Sau đó, thẻ căn cước được trả theo địa điểm trong giấy hẹn. Người cần cấp thẻ có yêu cầu trả thẻ tại địa điểm khác thì cơ quan quản lý căn cước trả thẻ tại địa điểm theo yêu cầu và người đó phải trả phí dịch vụ chuyển phát.

Trường hợp người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì phải có cha, mẹ hoặc người giám hộ đến cùng để làm thủ tục.

“Như vậy, theo quy định, trình tự cấp thẻ căn cước sẽ áp dụng khác nhau đối với người dưới 14 tuổi và người từ đủ 14 tuổi. Hơn nữa, chỉ có trường hợp trẻ dưới sáu tuổi thì không lấy thông tin sinh trắc học mống mắt, người từ đủ sáu tuổi trở lên đều phải thực hiện lấy mống mắt theo quy định” - luật sư Minh nói.

Cũng theo luật sư Minh, theo điểm d khoản 1 Điều 16 Luật Căn cước, thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp. Hoặc trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao, cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, có thực hiện trưng cầu giám định hoặc thu thập được thông tin sinh trắc học về ADN, giọng nói của cá nhân là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch thì chia sẻ thông tin, dữ liệu đó cho cơ quan quản lý căn cước để cập nhật vào cơ sở dữ liệu căn cước.

Đồng thời, theo Điều 26 Luật Căn cước, thời hạn cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước kể từ bảy ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.

Mống mắt mang lại lợi ích gì khi làm thẻ căn cước?

Thu thập thông tin mống mắt để làm cơ sở đối soát, xác thực thông tin của mỗi cá nhân; hỗ trợ trong những trường hợp không thu nhận được vân tay của một người (các trường hợp khuyết tật, vân tay bị biến dạng…).

Theo cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra, thực tiễn khoa học hiện nay đã chứng minh cùng với vân tay, mống mắt của một người có cấu trúc đường vân phức tạp và duy nhất đối với mỗi người, không thay đổi nhiều theo thời gian.

Công nghệ nhận diện mống mắt (công nghệ cảm biến mống mắt) hiện đã được ứng dụng phổ biến trong nhiều lĩnh vực. Công nghệ này có độ chính xác cao, đơn giản, dễ sử dụng, không cần thao tác phức tạp…

Ông LÊ TẤN TỚI, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội

Nguồn: [Link nguồn]

Mống mắt có gì đặc biệt để thu thập dữ liệu căn cước?

Luật Căn cước mới vừa được Quốc hội thông qua có quy định khi người dân đến làm mới, cấp đổi lại căn cước sẽ được thu thập mống mắt. Vậy mống mắt có gì đặc...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo HUỲNH THƠ ([Tên nguồn])
Quốc hội thông qua Luật Căn cước Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN