"Luật ăn chia" của cục trưởng đăng kiểm

Vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam cùng các trung tâm đăng kiểm tại TP HCM và nhiều tỉnh, thành với 254 bị cáo, số tiền hối lộ hơn 40 tỉ đồng

Sáng nay (18-7), TAND TP HCM mở phiên xét xử sơ thẩm đối với đại án đăng kiểm xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam cùng các trung tâm đăng kiểm tại TP HCM và nhiều tỉnh, thành. Vụ án đã phơi bày nhiều góc khuất về tình trạng tham nhũng, thiếu kiểm soát trong hệ thống quản lý và giám sát an toàn giao thông tại Việt Nam, cách mà cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Đặng Việt Hà lợi dụng quyền hạn để nhận hối lộ từ các trung tâm đăng kiểm.

Đòi được chia nhiều nhất

Vào cuối tháng 10-2022, lực lượng CSGT Công an TP HCM đã phát hiện 2 ô tô (biển kiểm soát 50H-100.20 và 51D-325.89) có dấu hiệu cơi nới thành, thùng trái quy chuẩn. Tiếp tục kiểm tra, CSGT xác định mặc dù số đo kích thước thành, thùng xe của 2 ô tô này trùng khớp với giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường nhưng lại sai lệch so với thông số kỹ thuật trong cơ sở dữ liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Từ đây, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM đã lần ra một mạng lưới phạm tội có tổ chức từ Cục Đăng kiểm Việt Nam đến các trung tâm đăng kiểm phương tiện cơ giới và thủy nội địa nhiều tỉnh, thành trên cả nước. VKSND TP HCM xác định mạng lưới tiêu cực này có từ thời kỳ Trần Kỳ Hình (SN 1961, quê Nam Định) làm cục trưởng và tiếp tục diễn ra sau khi Đặng Việt Hà (SN 1972, quê Hà Nội) được bổ nhiệm thay thế.

Cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Đặng Việt Hà thời điểm bị bắt. (Ảnh do cơ quan công an cung cấp)

Cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Đặng Việt Hà thời điểm bị bắt. (Ảnh do cơ quan công an cung cấp)

Bên cạnh 2 bị cáo này, 252 cá nhân khác cũng bị đưa ra xét xử, trong đó có các cựu lãnh đạo các Phòng Kiểm định xe cơ giới (VAR) và Phòng Tàu sông thuộc Cục Đăng kiểm; các cựu giám đốc, phó giám đốc các chi cục, trung tâm đăng kiểm tại TP HCM và nhiều tỉnh, thành. Các bị cáo bị truy tố về 11 tội danh, trong đó có nhiều bị can bị khởi tố 2-3 tội danh. Các bị cáo đã lợi dụng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực đăng kiểm, cố ý làm trái các quy định của pháp luật, buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, móc nối với các doanh nghiệp, chủ phương tiện, cá nhân thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật hình sự.

TAND TP HCM dự kiến xét xử vụ án từ ngày 18-7 đến ngày 18-10. Phiên tòa sẽ được tổ chức kết hợp giữa hình thức trực tiếp (tại trụ sở TAND TP HCM) và trực tuyến (tại trại giam Chí Hòa, huyện Củ Chi). Trong thời gian diễn ra phiên tòa, an ninh được thắt chặt.

Tại Phòng VAR, kết quả điều tra thể hiện các bị cáo đã nhận hối lộ từ các công ty thiết kế từ 2 - 3 triệu đồng/hồ sơ để bỏ qua lỗi trên hồ sơ thiết kế, từ đó cấp giấy chứng nhận thẩm định thiết kế cải tạo xe cơ giới trái quy định. Kết quả điều tra xác định từ ngày 1-3-2019 đến 30-9-2022, các bị cáo đã nhận tiền hối lộ của 16 công ty, bỏ qua các lỗi, sai sót trên hồ sơ thiết kế, vẫn xác nhận thẩm định và cấp 29.676 giấy chứng nhận thẩm định thiết kế. Qua đó, nhận hối lộ tổng số tiền hơn 60 tỉ đồng. Toàn bộ số tiền nhận được đã chia nhau hưởng lợi.

Thời kỳ Trần Kỳ Hình làm cục trưởng (tháng 3-2019 đến tháng 8-2021), ông này không quy định cụ thể số tiền hối lộ sẽ nhận. Tuy nhiên, mỗi tháng Trần Anh Quân (quyền trưởng Phòng VAR) nộp cho Hình 60 triệu đồng, cho Đặng Việt Hà (lúc này là phó cục trưởng phụ trách Phòng VAR) 20 triệu đồng.

Đến khi Hà làm cục trưởng (tháng 9-2021), Hà yêu cầu quyền lợi của mình phải là cao nhất. Hà chỉ đạo cấp dưới buộc cán bộ Phòng VAR và các trung tâm đăng kiểm phải báo cáo chính xác số liệu hồ sơ thẩm định thiết kế với mục đích bảo đảm lợi ích của Hà là cao nhất.

Hơn 40 tỉ đồng tiền hối lộ

Tại TP HCM, vụ án liên quan tới các Trung tâm Đăng kiểm gồm: 50-03V, 50-03V Chi nhánh, 50-05V, 50-05V Chi nhánh, 50-06V, 50-07V, 50-08D, 50-10D, 50-13D, 50-14D, 50-15D, 50-17D, 50-19D. Nhằm thực hiện chủ trương trên của lãnh đạo Cục Đăng kiểm, ban giám đốc các đơn vị này đã cho phép đăng kiểm viên nhận tiền hối lộ của chủ phương tiện, đối tượng môi giới để có ý bỏ qua lỗi kiểm định, cải tạo của hàng chục ngàn phương tiện nhằm thu lợi bất chính để có thể chung chi cho cục trưởng. Đáng chú ý, một số trung tâm đăng kiểm không đủ điều kiện nhân lực đã lập khống danh sách đăng kiểm viên, giả mạo chữ ký của đăng kiểm viên hoặc đóng giả đăng kiểm viên không thực tế làm việc tại trung tâm đăng kiểm. Một số trung tâm đăng kiểm còn sử dụng phần mềm tự viết để can thiệp, chỉnh sửa kết quả kiểm định (khí thải, phanh, đèn…) của xe cơ giới.

Đặc biệt, từ khoảng tháng 4-2022, giám đốc các trung tâm khối V (thuộc Cục Đăng kiểm) thông tin về chủ trương của Đặng Việt Hà yêu cầu các trung tâm khối V phải nộp tiền hối lộ hằng tháng cho Hà với mức 8.000 đồng đến 15.000 đồng/phương tiện (tùy từng loại xe) đến các trung tâm để kiểm định. Để thực hiện việc nộp tiền cho Hà hằng tháng thuận lợi, Hà đưa ra quy định các giám đốc trung tâm này phải ra cục họp giao ban hằng tháng.

VKSND TP HCM nhận định Đặng Việt Hà phải chịu trách nhiệm hình sự chung về số tiền nhận hối lộ của VAR giai đoạn từ ngày 1-8-2021 đến 30-9-2022 là hơn 31 tỉ đồng. Trong đó, Hà được chia 700.000 đồng/hồ sơ thẩm định thiết kế đạt, là mức cao nhất theo yêu cầu của Hà đối với số tiền nhận hối lộ của mỗi hồ sơ, số còn lại mới được chia cho lãnh đạo, đăng kiểm viên, nhân viên văn phòng và quỹ phòng. Bị cáo này cũng bị cáo buộc phải chịu trách nhiệm hình sự về số tiền nhận hối lộ của 4 trung tâm đăng kiểm khối V tại TP HCM từ ngày 1-4-2022 đến tháng 11-2022 là hơn 7,6 tỉ đồng; số tiền nhận hối lộ của 5 trung tâm đăng kiểm khối V tại TP Hà Nội 780 triệu đồng và số tiền hối lộ của các giám đốc trung tâm đăng kiểm khối D (tư nhân) là hơn 680 triệu đồng...

Do đó, Đặng Việt Hà phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi "Nhận hối lộ" với tổng số tiền là hơn 40 tỉ đồng, trong đó, VKS xác định cá nhân Hà hưởng lợi số tiền 8,5 tỉ đồng. 

Dùng 100.000 USD nghe ngóng tin từ công an

Vào khoảng tháng 12-2022, khi Cơ quan CSĐT Công an TP HCM khởi tố vụ án liên quan đến các trung tâm đăng kiểm, Đặng Việt Hà đã đưa 100.000 USD cho Nguyễn Văn Chung để tìm hiểu thông tin công an xử lý.

Chung là người do Lại Thái Phong (phó chánh Văn phòng Cục Đăng kiểm) giới thiệu cho Hà. Sau khi nhận tiền, Chung vẫn không giúp được gì. Ngày 29-8-2023, từ nhà tạm giữ Công an quận 12, Đặng Việt Hà đã gửi đơn tố cáo Nguyễn Văn Chung lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Một số đăng kiểm viên sẽ được triệu tập đến tòa

Sáng 17-7, chúng tôi đến ghi nhận tình hình đăng kiểm xe cơ giới tại một số trạm và trung tâm đăng kiểm trên địa bàn TP HCM.

Tại Trạm Đăng kiểm xe cơ giới 50-02S (quận 11), lượng xe đến đăng kiểm khá thưa thớt. Từ 7-9 giờ, trạm tiếp nhận khoảng 50 phương tiện, bảo đảm đúng tiến độ đăng kiểm. Anh Trần Nhật Minh (ngụ quận 8) cho biết đã đặt lịch online trước đó nên chủ động thời gian cho việc đăng kiểm trong khung giờ được sắp xếp. Vì vậy, quy trình đăng kiểm không mất nhiều thời gian.

Tương tự, Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 50-03S (TP Thủ Đức) cũng thưa thớt phương tiện đến đăng kiểm. Các hoạt động đăng kiểm vẫn diễn ra bình thường, lượng xe đến đăng kiểm trong buổi sáng, được các nhân viên đăng kiểm xác định là khá vắng.

Trong khi đó, Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 50-05V (quận Tân Bình) có lượng xe đến đăng kiểm nhiều hơn, vì không gian tại đây nhỏ hẹp nên người dân cũng mất nhiều thời gian chờ hơn các trạm và trung tâm còn lại. Tuy nhiên, không xảy ra chậm trễ.

Đại diện Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 50-03S (TP Thủ Đức) cho biết trong thời gian qua tình trạng ùn ứ, chậm trễ đăng kiểm hầu như không xảy ra. Tuy nhiên, trong quá trình xét xử đại án đăng kiểm sẽ có một số đăng kiểm viên được triệu tập đến tòa nên các trung tâm đăng kiểm sẽ thiếu nguồn nhân lực.

Nguồn: [Link nguồn]

254 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và trung tâm đăng kiểm tại TP.HCM và các tỉnh thành sẽ bị đưa ra xét xử kể từ ngày 18-7.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ý Linh ([Tên nguồn])
Sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN