Lúa gạo đổi màu đen
Dù đã thu hoạch lúa từ vụ mùa đông xuân, nhưng nông dân thôn Phước Thuận - Phước Hậu xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) không dám lấy gạo ăn vì lúa, gạo sau thu hoạch đổi màu đen sì nghi do ô nhiễm từ bãi than ở thượng nguồn.
Gà vịt chê lúa gạo
Lúa của người dân thôn Phước Thuận - Phước Hậu có màu đen, gạo không thể ăn được. Ảnh: Nguyễn Thành
Cánh đồng của người dân thôn Phước Thuận - Phước Hậu rộng hơn 3ha nằm cạnh đường tránh Nam Hải Vân bao quanh là các mỏ khai thác đá, tập kết vật liệu các loại. Do đặc điểm thổ nhưỡng nên diện tích này chỉ có thể sản xuất lúa một vụ mùa đông xuân, cung cấp lương thực chính cho các hộ dân ở đây. Tuy nhiên, vụ mùa vừa qua, nông dân trong thôn lâm vào cảnh “dở khóc, dở cười” khi lúa gặt về có màu đen, gà vịt không thèm ăn. Lúa sau khi xát ra thì gạo có màu sẫm, người dân không dám dùng để nấu cơm mà chỉ để nấu cho heo ăn.
“Phòng TN&MT huyện vừa qua cũng đã trực tiếp đi kiểm tra, làm việc trực tiếp với đơn vị, họp dân và đã có biên bản thống nhất hỗ trợ 600.000 đồng/sào bị ảnh hưởng. Đồng thời, Phòng cũng sẽ có biện pháp xử lý hành chính đối với vi phạm về môi trường theo đúng thẩm quyền. Về lâu dài, địa phương đã đề nghị di dời điểm tập kết than này ra khỏi đầu nguồn nước để hạn chế ô nhiễm cho bà con nông dân”. Ông Nguyễn Đăng Tường, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn |
Ông Bùi Văn Mười (55 tuổi, trú thôn Phước Thuận - Phước Hậu) cho chúng tôi xem hơn 10 bao lúa gia đình ông vừa thu hoạch. Bao lúa nào mở ra hạt lúa cũng màu đen sì như than. Ông Mười cho biết: Gia đình ông canh tác 4 sào lúa, mỗi vụ mỗi sào thu về gần 20 bao, mỗi bao 50kg. Số lúa này sẽ đủ cho gia đình ăn quanh năm, không phải lo thiếu gạo. Thế nhưng, vụ mùa vừa qua, sau trận mưa, đồng ruộng ngập nước màu đen, khiến hạt lúa sau khi gặt cũng đổi màu sì, không còn màu vàng đặc trưng. Hạt gạo sẫm màu, nấu lên nổi váng, cơm màu đục nên gia đình không ai dám ăn.
“Dù phơi khô và hạt chắc, nhưng đem cho gà, vịt thì chúng cũng không thèm ăn. Lo sợ về an toàn sức khoẻ, cả nhà 7 nhân khẩu phải lo đi mua gạo về ăn”, ông Mười cho biết.
Cùng cảnh ngộ, bà Nguyễn Thị Cước (70 tuổi) dù ốm đau nhưng hàng ngày vẫn phải lo chuyện gạo ăn vì 17 bao lúa của gia đình bà chất đống, không thể ăn vì tất cả đều đổi màu sẫm, đen. “Cả gia đình trông chờ vào diện tích lúa để có gạo ăn quanh năm. Năm nay, lúa gạo đổi màu vì ô nhiễm, vụ này coi như mất trắng, cả nhà chưa biết bấu víu vào đâu”, bà Cước nói.
Bãi tập kết than gây ô nhiễm nghiêm trọng
Theo phản ánh của người dân, nguyên nhân của hiện tượng lúa gạo tại cánh đồng thôn Phước Thuận - Phước Hậu đổi màu đen do ô nhiễm từ bãi tập kết than Đông Bắc nằm phía trên nguồn nước của thôn. Cụ thể, vào tháng 3 âm lịch vừa qua, khi lúa đang gần vào thu hoạch thì thời tiết có mưa nhiều khiến nước đen từ bãi than tràn ra, chảy vào đồng ruộng của người dân gây ngập. Lúa sắp thu hoạch, ngâm nước ô nhiễm than đã khiến hạt lúa đổi màu. Người dân đã kiến nghị lên chính quyền địa phương nhờ can thiệp và có biện pháp xử lý.
Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi có mặt tại khu vực bãi tập kết than quy mô này. Theo ghi nhận, tại hiện trường bãi tập kết, một khối lượng lớn than đã được chở về tập kết ở đây. Tuy nhiên, ngay khu vực phía sau, một hồ nước lớn, nước màu đen kịt không hề được ngăn đập và xử lý gì. Đây là nguyên nhân khiến mỗi khi mưa lớn nước chảy vào đồng ruộng người dân.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Đăng Tường, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn, cho biết: Sau khi có phản ánh của người dân chính quyền đã kiểm tra tình hình và làm việc với đơn vị quản lý bãi tập kết than. Tuy nhiên, do không thuộc thẩm quyền xử lý của UBND xã nên đã báo cáo gửi Phòng TN&MT huyện Hòa Vang để có hướng xử lý.
Cũng theo Phó chủ tịch xã Hòa Nhơn, khu vực ruộng này không chỉ bị ảnh hưởng bởi bãi tập kết than Đông Bắc, mà còn chịu ảnh hưởng từ các mỏ khai thác, sản xuất đá xung quanh. Việc khai thác, sản xuất tại các mỏ đá đã làm nguồn nước bị ảnh hưởng khiến một số động vật nuôi của bà con bị chết. Chính quyền cũng đang kiến nghị huyện, thành phố xem xét đánh giá lại các diện tích ảnh hưởng để chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp. Đồng thời, đề nghị cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát việc xử lý ô nhiễm, hoàn thổ đối với các diện tích sau khai thác.
Trong quá trình vận hành thử nghiệm lò cao số 4, nhà máy thép Hòa Phát - Dung Quất sử dụng củi ướt, vật liệu có lưu huỳnh gây khói bụi, mùi hắc khó chịu ra môi trường xung...
Nguồn: [Link nguồn]