Lừa đảo đưa người đi lao động chui ở Nga

Ôm mộng đổi đời, nhiều công nhân Việt sang Nga lao động chui đã bị chủ chèn ép, đánh đập, bóc lột trắng trợn. "Tiến thoái lưỡng nan”, gia đình họ đành cay đắng vay nóng tiền để chuộc con mình về nước.

Những ngày gần đây, dư luận xôn xao việc hàng chục lao động chui Việt Nam sang Nga phải gom tiền chuộc thân mới được về nước. Với những giấc mộng đổi đời, nhiều công nhân Việt Nam sang Nga lao động chui đã bị chủ chèn ép, đánh đập, bóc lột sức lao động trắng trợn. Trước hoàn cảnh ‘tiến thoái lưỡng nan”, họ đành cay đắng vay nóng tiền để chuộc con mình về nước.

Lừa đảo đưa người đi lao động chui ở Nga - 1

Hai mẹ con chị Bòn-chị Bò tuyệt thực 10 ngày mới được ông Giáo cho về

Tay trắng hoàn trắng tay

Tại nhà bà Phan Thị Tịnh - thôn Lê Bình, xã Phú Xuân, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế) rất đông người đến hỏi thăm sức khỏe của hai cô con gái bà là Trần Thị Mới (26 tuổi) và Trần Thị Xuyên (23 tuổi). Chị Xuyên kể lại: “Tháng 6/2012, em và chị gái được ông Võ Văn Tuyên (xã Phú Xuân) giới thiệu sang Nga làm nghề may, bình quân 8 giờ mỗi ngày, nếu tăng ca là 12 giờ với mức lương bình quân khoảng 400 - 500USD/tháng. Họ lo tiền làm thủ tục xuất cảnh, vé máy bay, chỉ nộp khoảng 2 - 3 triệu đồng chi phí ở Việt Nam.

Hai chị em cùng hơn 20 người khác đi làm hộ chiếu và được bà Lê Thị Thu Dung (trú 87 đường Trưng Nữ Vương, phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên-Huế) dẫn ra Hà Nội, ở tại khách sạn 20 ngày. Bọn em không phải học ngoại ngữ, học nghề gì cả! Sau đó, được lên máy bay sang Nga rồi có người đón về một xưởng may tại thành phố Kalugar.

Làm việc hơn một năm nhưng em không được nhận lương và khi không muốn làm nữa xin về thì người ta bắt nộp tiền, mỗi người từ 30 - 60 triệu đồng. Chi phí xuất cảnh là 2.000USD, chủ xưởng cho nợ rồi trừ vào tiền công. Tuy nhiên, lẽ ra chỉ cần làm vài tháng là trả hết tiền này nhưng hơn một năm lao động mà vẫn phải nợ tiền”.

Lừa đảo đưa người đi lao động chui ở Nga - 2

2 nạn nhân - anh Đặng Hảo và chị Nguyễn Thị Hương

Đi cùng đợt với Mới và Xuyên có Đặng Rốt (25 tuổi) và Trần Thị Loan (21 tuổi) cũng vừa trở về nhà sau khi đã nộp tiền chuộc. Rốt cho biết: “Bọn em cũng được ông Tuyên giới thiệu đi làm và bà Dung dẫn dắt ra Hà Nội để bay sang Nga. Con trai thì làm nghề may, dọn rác thải trong xưởng rồi đẩy xe chở rác. Sau hơn một năm, mọi người đòi về nhưng họ bảo phải nộp tiền. Em phải điện thoại về xin cha mẹ gửi sang 60 triệu đồng nộp cho họ mới được về”.

Các lao động vừa trở về cho biết họ làm việc tại xưởng may T&G. Nơi đây có gần 100 công nhân người Việt và một số quản lý cũng là người Việt. “Mỗi ngày bọn em phải làm từ 14 - 20 giờ, trái ngược với lời giới thiệu trước đây là 8 giờ mỗi ngày và nếu tăng ca cũng chỉ đến 12 giờ. Mọi người đều không được đi ra khỏi xưởng và bị quản lý rất chặt. Không gian làm việc rất chật hẹp, gần khu vệ sinh, rất tù túng.

Lừa đảo đưa người đi lao động chui ở Nga - 3

Bà Ngãi khóc ngất vì không có 30 triệu đồng chuộc anh Ngân về

Mỗi bữa cơm, bàn ăn 6 người chỉ có đĩa thịt nhỏ thái mỏng, tô canh, bánh mì và không có chế độ gì thêm. Tiền ăn tiền ở quá đắt. Ai làm sai sót thì bị trừ tiền rất nhiều. Chúng em làm nhiều giờ, nhưng ăn uống không đảm bảo cho sức khỏe. Ai ốm yếu cũng phải gắng sức làm mới mong có tiền về”. Loan kể lại.

Hơn một năm, không chịu được cảnh khổ sở nên một số người quyết định bỏ đi, tuy nhiên họ bị quản lý đi lùng bắt về đánh đập thậm tệ. Nhiều người đình công nghỉ việc thì bị bắt đi làm việc tại một xưởng may khác trong điều kiện túng thiếu, khó khăn, bị quản lý chặt chẽ hơn.

Có những gia đình quá nghèo không kiếm đủ tiền chuộc nên con em họ vẫn còn ở xứ người. Bà Trần Thị Ngãi (thôn Ba Lăng) mấy hôm nay bồn chồn ruột gan khi nhiều người đã về nhà, nhưng người con trai Phan Ngân (19 tuổi) của bà vẫn bặt vô âm tín. Còn chồng bà hằng ngày lấy rượu thay cơm.

Ngân từng làm nghề thợ may ở TP.HCM rồi được giới thiệu sang Nga làm việc. Khi không thể làm được nữa, Ngân muốn về nhưng chủ xưởng bắt phải nộp tiền. Bà Ngãi nghẹn ngào: “Đã mấy đêm nay, cả nhà không ngủ được. Cả gia đình 6 người trông chờ vào 8 sào ruộng, không đủ chi tiêu thì lấy tiền đâu mà chuộc con về. Con tui lao động chính đáng nhưng sao họ lại lừa đảo, nhẫn tâm như vậy”.

Đường dây lừa đảo

Các lao động trở về đều cho biết đã được ông Võ Văn Tuyên (xã Phú Xuân) giới thiệu đi Nga làm việc. Khi người dân kéo đến nhà yêu cầu giải thích về sự việc, ông Tuyên nói: “Chắc do bên đó khủng hoảng kinh tế, đời sống sa sút nên công nhân cũng thất nghiệp. Tôi cũng muốn giúp đỡ các cháu chứ đâu có ý xấu gì”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ông Tuyên là người trung gian trong đường dây đưa người đi lao động trái phép ở nước ngoài. “Cấp trên” của ông Tuyên là bà Lê Thị Thu Dung. Bà Dung là người đã hướng dẫn ông Tuyên tuyển người và trực tiếp đưa lao động từ Huế ra Hà Nội để đưa đến sân bay. Bà Dung khẳng định: “Những lao động nói trên đi làm ở xưởng may của em trai tôi là Lê Gia Giáo. Xưởng may được Chính phủ Nga cho phép hoạt động và trước đây làm ăn có hiệu quả nhưng dạo này kinh tế khủng hoảng nên cũng ảnh hưởng rất nhiều”.

Lừa đảo đưa người đi lao động chui ở Nga - 4

2 nạn nhân Lành(áo trắng) và Xuyên vừa trở về từ Nga

Về việc tất cả các lao động không được nhận đồng lương nào sau gần 500 ngày cật lực làm việc ở xưởng may của ông Giáo, sau đó gia đình mỗi người còn phải nộp từ 30 - 60 triệu đồng để chuộc con em về, bà Dung cho biết: “Chi phí toàn bộ sang Nga làm việc là 2.000USD sẽ trừ dần vào lương của công nhân. Nhưng do kinh doanh ế ẩm, việc làm ít, các cháu nghỉ việc nhiều và trừ vào các chi phí ăn tiêu hết, nên thiếu tiền về thì gia đình phải gửi sang. Tết vừa rồi em tôi về nước, một số cha mẹ các cháu cũng đến nhận tiền”.

Cơ quan điều tra vào cuộcTheo thượng tá Lê Văn Vũ, Trưởng Công an huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế: “Ngày 8/8, UBND huyện Phú Vang đã chỉ đạo Phòng LĐ-TB&XH huyện, UBND xã Phú Xuân báo cáo nhanh tình hình lao động xuất khẩu sang Nga tại địa phương. CQĐT công an tỉnh cũng đã vào cuộc để điều tra đường dây đưa lao động “chui” sang Nga làm việc rồi bỏ mặc người lao động.

Tuy nhiên, làm việc với phóng viên, ông Hoàng Văn Phước, Trưởng Phòng Việc làm - an toàn lao động thuộc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết những trường hợp vừa qua là đi lao động trái phép, 5 năm trở lại đây, sở không có chương trình hợp tác xuất khẩu lao động nào đối với các doanh nghiệp ở Nga.

Có thể họ được làm thủ tục đi theo diện du lịch rồi ở lại làm chui. Tôi khẳng định việc công ty T&G đưa người đi lao động sang Nga là sai quy định pháp luật. Đưa người đi xuất khẩu lao động không phép, và chưa được sự cho phép của Bộ LĐ-TB&XH”. Ông Phước cũng thẳng thắn thừa nhận rằng, một phần do công tác tuyên truyền về xuất khẩu lao động còn hạn chế nên dẫn đến những tình trạng này.

Ông Nguyễn Thanh Kiếm, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết sẽ kết hợp với công an các địa phương thị xã Hương Thủy, công an huyện Phú Vang tiến hành kiểm tra, xử lý nhằm tránh trường hợp người dân bị lừa. Những năm qua trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế đã xảy ra nhiều vụ lừa đảo xuất khẩu lao động khiến nhiều dân nghèo lao đao.

Mặc dù đã được cảnh báo nhưng vẫn nhiều người dính bẫy do nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết, mong có việc nhẹ lương cao đã rơi vào bẫy của những kẻ lừa đảo nhẫn tâm. Người dân nên cảnh giác với những kiểu tuyển dụng việc làm chui, không thông qua chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Phương (Dòng Đời)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN