Lũ quét lịch sử và những con số thiệt hại khủng khiếp
Chỉ sau 2 ngày, lũ quét đã liên tiếp xảy ra ở các tỉnh vùng núi phía Bắc gây thiệt hại to lớn về người và tài sản cho người dân.
Lũ quét đã gây thiệt hại nặng nề cho người dân các tỉnh vùng núi phía bắc.
Ngày 4/8, báo cáo nhanh từ Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai về tình hình thiệt hại do mưa lũ tại Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Bắc Cạn, Cao Bằng… cho biết, tổng thiệt hại về vật chất đã lên tới 538,2 tỷ đồng.
Đặc biệt, lũ quét gây thiệt hại lớn về người. Tính đến sáng 4/8, đã có 9 người bị thiệt mạng (Yên Bái: 2 người, Sơn La: 6 người, Lai Châu: 1 người) và 24 người còn đang mất tích (Yên Bái: 12 người, Sơn La: 10 người, Lai Châu: 2 người).
Lũ quét còn khiến 12 người bị thương (Yên Bái: 9 người, Sơn La: 3 người). Những người này đang được phục hồi sức khỏe hoặc cấp cứu tại các bệnh viện, trung tâm y tế.
Số lượng nhà ở bị lũ cuốn trôi hoặc đánh sập hoàn toàn là 196 căn. Ngoài ra, 131ha lúa bị cuốn trôi, vùi lấp do sạt lở; 89 gia súc và 835 gia cầm bị chết.
Nhiều tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng khiến giao thông bị chia cắt. Trong đó, các tuyến quốc lộ bị vùi lấp khoảng 13.642m3 đất đá còn đường tỉnh lộ là 40.136m3 (tập trung chủ yếu ở huyện Nậm Nhùn, Mường Tè (Lai Châu), Điện Biên, Sơn La…
Riêng ở huyện Mù Cang Chải khoảng 16.500m3 đất đá đã chôn vùi hoàn toàn các tuyến đường tại tổ 8, thị trấn Mù Cang Chải và đường đi xã Chế Cu Nha. Ngoài ra, lũ đã cuốn trôi 3.000m đường tỉnh lộ 109 làm xã Nậm Chiến và thủy điện Nậm Chiến, huyện Mường La – Sơn La bị cô lập.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục đi qua Bắc Bộ nối với vùng xoáy thấp phát triển từ mặt đất lên tới 5.000m, từ hôm nay đến hết ngày 6/8, ở Bắc Bộ vẫn tiếp tục có mưa to, một số nơi mưa rất to.
Người dân đang khẩn trương khắc phục thiệt hại để sớm ổn định cuộc sống.
Trong thời gian tới, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu các tỉnh vùng núi phía bắc tiếp tục tìm kiếm người mất tích; cứu chữa người bị thương, tổ chức thăm hỏi động viên những gia đình có người bị chết; giúp dân sửa chữa lại nhà cửa, hỗ trợ các nhu yếu phẩm thiết yếu, phục hồi sản xuất;
Theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ, tiếp tục triển khai quyết liệt công tác truyền thông, cảnh báo mưa, lũ; rà soát các khu vực ven sông, ven suối, khu vực có nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ quét; kiên quyết di dời các hộ dân đến nơi an toàn.
Bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các ngầm, tràn, đường ngập nước, đò ngang để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.
Huy động lực lượng để khắc phục giao thông, nhất là các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, liên huyện và các khu vực bị cô lập, chia cắt.
Kiểm tra các hồ chứa nước, nhất là các hồ xung yếu, các hồ đã đầy nước hoặc gần đầy nước, các hồ chứa nước nhỏ do địa phương quản lý, xử lý kịp thời các sự cố, chủ động tiêu nước thoát lũ để đảm bảo an toàn các hồ chứa.
Trận lũ quét được xem là lớn nhất trong vòng 70 năm qua ở Mường La đã cuốn trôi nhiều người và tài sản của người...