Lớp học miễn phí của cô giáo chuyển giới

Ở TP.HCM có khá nhiều lớp học đặc biệt, trong đó, tại Q.4, có lớp luyện ôn thi CĐ, ĐH miễn phí cho sĩ tử của cô giáo chuyển giới nổi tiếng Phạm Lê Quỳnh Trâm.

Lớp luyện thi "trả ơn đời"

Đều đặn mỗi tối, bạn Võ Yến Thư (28 tuổi) lại chạy xe đến Trung tâm dạy nghề Q.4 (TP.HCM) để ôn thi các môn Toán, Lý, Hóa của cô giáo chuyển giới Phạm Lê Quỳnh Trâm. Theo khả năng của mình, Yến Thư chỉ đóng học phí 4 triệu đồng cho một khóa ôn luyện 5 tháng.

Lớp học miễn phí của cô giáo chuyển giới - 1

Lớp học nhỏ của cô chỉ rộng khoảng 28m2

Tuy nhiên, có những bạn chỉ đóng 300.000 đồng mỗi tháng hoặc được cô giáo Quỳnh Trâm hoàn toàn miễn phí. Thực ra, khi mới mở lớp (tháng 10/2012), lớp học hoàn toàn miễn phí cho người học, nhất là những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Đó là cách để “trả ơn đời” của cô giáo Quỳnh Trâm.

Lớp học miễn phí của cô giáo chuyển giới - 2

Lớp có khoảng 30 học viên theo học mỗi ca.

Lớp học dạy những môn Toán, Lý, Hóa, Sinh cho thí sinh chuẩn bị thi đại học, cao đẳng. Thời gian đầu, nghe nói có lớp luyện thi miễn phí, Quỳnh Thư liền đăng ký và rồi gắn bó với lớp gần nửa năm nay vì “mình thích cách dạy của cô”.

Quỳnh Thư cho biết: “Mới học cô khoảng 3 tuần, mình đã thấy phương pháp cô dạy rất hiệu quả. Cô dạy kỹ và dễ hiểu nên mình đã củng cố kiến thức mà mình đã mất đi một thời gian rất dài”. Quỳnh Thư chỉ học hết lớp 9, rồi sau đó đi học trung cấp. Sau khi học lớp của cô Quỳnh Trâm, Thư tự tin đăng kí dự thi vào CĐ Kinh tế.

Từ những người học đầu tiên như Quỳnh Thư, đến nay lớp học đã có hơn 100 học sinh, học vào các buổi sáng và tối. Lớp học chỉ rộng khoảng 28 m2, nên mỗi ca có khoảng 30 người học.

Lớp học miễn phí của cô giáo chuyển giới - 3

Cô giáo luôn dạy cặn kĩ từng bài, hỏi từng học sinh xem đã hiểu bài chưa

Giúp những em học yếu bởi các em ít có sự lựa chọn

Lớp học được cô giáo mở ra vì lý do đơn giản: cô giáo Quỳnh Trâm đã đứng trên bục giảng được 12 năm, với cô dạy học là việc cần làm. Cô chia sẻ: "Cô thích dạy học và muốn dạy cho những học sinh có học lực yếu, giúp các em học tốt, vì các em có ít sự lựa chọn trong học tập. Còn những em học sinh giỏi, các em có nhiều sự lựa chọn hơn. Dù dạy các em học lực yếu có cực hơn nhưng khi các em đạt được kết quả tốt, cô thấy rất hạnh phúc”.

Thời gian đầu miễn phí, nhưng “học miễn phí một thời gian, nhiều học sinh đề nghị được thu học phí để san sẻ với cô, cũng như có kinh phí thuê lớp”, cô giáo Quỳnh Trâm kể lại. Như bạn Nguyễn Trần Đăng Khoa (lớp 12, trường THPT Lê Thị Hồng Gấm), gia cảnh khó khăn, sống với ông bà nên Khoa chỉ đóng học phí 300.000 đồng mỗi tháng.

Đăng Khoa tâm sự: “Cô rất tốt với em. Cô thường hay tâm sự với em về cuộc sống của cô, rồi động viên em nhiều điều lắm. Không chỉ với em, mà nhiều bạn khác, cô đều rất gần gũi. Cô dạy học rất kỹ và dễ hiểu, chẳng hạn môn Hóa trước kia em chỉ điểm dưới trung bình nhưng giờ em thường xuyên được 7, 8 điểm”.

Bạn Nguyễn Lê Thủy Tiên, bạn cùng lớp với Khoa giải thích thêm: “Ở lớp học, môn Hóa thì giáo viên hay tạo áp lực, lại khô khan, thầy cô cũng ít giỡn với học sinh. Nhưng cô Trâm thì dạy học rất vui, sau giờ học cô còn hay dẫn cả lớp đi ăn kem, ăn chè”. Thủy Tiên học yếu nhất môn Hóa, thường chỉ được 3–4 điểm, sau khi được cô Trâm kèm, Tiên đã có thể đạt 6–7 điểm.

Lớp học miễn phí của cô giáo chuyển giới - 4

Theo nhận xét của nhiều học sinh, cô giáo Quỳnh Trâm dạy học dễ hiểu và cô rất thân thiện, hài hước

Hỏi về phương pháp dạy học, cô giáo Quỳnh Trâm cho rằng: “Mình chỉ có phương pháp là dạy nhiệt tình”. Nhiệt tình là khi mỗi lần giảng bài xong, cô đều xuống từng bàn hỏi học sinh đã hiểu bài chưa. Nhiệt tình là khi cô giáo luôn dành đến một giờ để giảng lại bài hôm trước cho học sinh hiểu kỹ hơn. Học sinh hiểu kỹ, bài mới mới được bắt đầu. Dù còn đi luyện thanh để chuẩn bị cho một liveshow sắp diễn ra nhưng không vì thế mà cô bỏ rơi lớp.

Chia sẻ về việc làm của mình, cô giáo Quỳnh Trâm bộc bạch: “Ngoài giúp đỡ các em học tốt hơn thì qua đó cô cũng muốn cho xã hội hiểu rằng những người chuyển giới, họ cũng làm việc, cũng đóng góp cho xã hội như mọi công dân trong xã hội, để mọi người có cái nhìn thiện cảm hơn, giúp người chuyển giới dễ dàng hòa nhập cộng đồng”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Như Quỳnh (Infonet)
Tuyển sinh đại học cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN