Lớp học đặc biệt của người thầy dùng miệng viết chữ
“Số phận không may bị tật nguyền từ bé, tôi chỉ quan niệm sống sao cho có ích. Vì thế khi tay chân đều liệt, tôi luyện cách dùng miệng viết chữ. Thời gian rảnh rỗi tôi dạy miễn phí cho các cháu gần nhà”, anh Trường chia sẻ.
Tôi về thăm làng Nhân Mỹ, xã Nam Phương Tiến (Chương Mỹ, Hà Nội) vào một ngày cuối tháng 10. Tới đầu làng Nhân Mỹ, tôi dừng xe và hỏi thăm lũ trẻ con đường về nhà anh Trường, ngay lập tức đôi mắt lũ trẻ sáng rực lên đầy hớn hở “thầy Trường viết chữ đẹp đúng không ạ? Đó là thầy giáo của cháu”.
Nhìn gương mặt trẻ, tôi đủ biết, thầy giáo làng Phùng Văn Trường đã chiếm một vị trí quan trọng trong trái tim chúng.
Men theo con đường bê tông đã xuống cấp trầm trọng, những ổ gà, ổ voi dày chi chít, tới gần cuối làng một ngôi nhà nằm im lặng giữa hai bên là những cửa hàng tạp hóa đông đúc. Gõ cửa nhưng không thấy ai, tôi chỉ nghe thấy những âm thanh “o, ơ, a...” phát ra từ phía trong. Lát sau, một cậu bé ra mở cửa và nhìn tôi bằng ánh mắt ngơ ngác rồi vội vàng cất tiếng chào.
Căn nhà xây tạm bợ với những lớp vữa quét vội đã bắt đầu vỡ ra từng mảng, anh Phùng Văn Trường ngồi trên chiếc xe lăn vẫn cần mẫn dùng miệng viết từng con chữ trong quyển vở viết mẫu cho học sinh.
Anh Phùng Văn Trường đang ngậm bút viết từng con chữ
Người thầy đặc biệt
Anh Trường trầm ngâm như đang sống lại kí ức tuổi 12: “Ngày bé, tôi bị liệt các cơ chân, cơ tay. Tuy nhiên, sau khi phẫu thuật, cùng với sự động viên của mọi người tôi đã có thể đứng lên chống nạng đi lại được.
Ngày nắng cũng như ngày mưa, với chiếc nạng trên tay tôi không nghỉ học một buổi nào. Có hôm tới lớp bị đuối sức ngã nhào ra đường, tôi phải cố gắng dùng sức dựa vào nạng mà đứng dậy.
Thế rồi, tới khi tôi học lớp 8, hai cánh tay và đôi chân bắt đầu mềm ra, không thể đứng và cũng không thể chống nạng được. Những ngày tháng ấy, nhờ sự giúp đỡ của bạn bè tôi vẫn tới lớp đều đặn.
Thế nhưng, khi học lớp 9, trường học cách nhà tôi gần 10km, không có khả năng đi lại nên tôi đành nghỉ học”.
“Số phận không may bị tật nguyền từ bé, tôi chỉ quan niệm sống sao cho có ích”, anh Trường chia sẻ.
Năm 2010, bố mẹ dựng cho anh một gian nhà tạm bợ ở gần mặt đường và mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ bán vài thứ hàng lặt vặt như: Gói mì tôm, gói bim bim hay cái bánh mì... Bà con trong xóm thấy anh tật nguyền mà lại có ý chí nên thường hay qua cửa hàng của anh mua đồ. Cuộc sống nông thôn vất vả, có nhiều người mua hàng mua hàng chịu chờ khi đến mùa, có lúa bán đi mới có tiền mang trả.
Thế mà, anh lại không viết được chữ vì cánh tay liệt, chỉ nhớ trong đầu sợ nhầm lẫn rồi lại mất lòng bà con. Lúc này, ý định học viết chữ đã bắt đầu nhen nhóm trong đầu anh. Muốn viết chữ lắm nhưng lấy gì cầm bút bây giờ? Tay yếu không cầm được thứ gì, đôi chân không cử động được?
Là anh cả trong gia đình có năm anh em, anh Trường bị tàn tật nên ở nhà trông và dạy các cháu con nhà em gái học bài. Anh dạy chúng những phép toán rồi luyện những con chữ. Thế mà, chữ anh không viết được thì không thể viết mẫu cho các cháu. Và rồi... anh chợt nghĩ, sẽ thử ngậm bút bằng miệng viết chữ.
Những ngày đầu ngậm bút bằng miệng mà viết chữ khó khăn vô cùng, cứ ngậm bút là buồn nôn, rồi điều khiển chiếc bút bằng cổ nhiều khi toàn thân tê cứng vì mỏi. Thế nhưng, anh vẫn cố gắng...cố gắng... Khát khao có thể viết chữ cuối cùng cũng đã chiến thắng.
Anh tập viết hơn một tháng là có thể viết được. Sau đó, anh thấy chữ chưa đẹp lắm nên lại cố luyện cho chữ đẹp hơn. “Miệng dạy các cháu viết cho đẹp mà mình không viết được đẹp thì không làm gương được. Vì thế, tôi đã cố sức tập viết những nét chữ đẹp nhất có thể”, anh Trường nói.
Sau đó, thấy các cháu chăm ngoan, học tiến bộ, bà con hàng xóm cũng mang con tới nhà anh Trường gửi và nhờ kèm giúp. Ban đầu chỉ có 2-3 cháu, rồi học sinh mỗi lúc một đông. Bây giờ, lớp học của anh Trường có từ 5-10 học sinh, chủ yếu là các học sinh trong làng, không phân biệt độ tuổi. Anh mở lớp học với một ý nghĩ duy nhất là “sống có ích cho đời”, chính vì thế mà thời gian đầu anh dạy học miễn phí cho tất cả học sinh.
Những con chữ anh Trường dùng miệng ngậm bút để viết
Trời thương, có một người phụ nữ cảm thương trước số phận và nghị lực sống của anh Trường nên đầu năm 2012 đã cùng anh xây dựng một tổ ấm thuộc về riêng họ. Sau đó, gia đình nhỏ có thêm một cậu con trai, anh đặt tên cậu bé là Phùng Thiên Trường Quảng, trong đó “Trường Quảng nghĩa là dài rộng”, anh mong cuộc đời cậu bé sau này sẽ giống như cái tên.
Trong ngôi nhà đơn sơ ấy, người vợ làm thuê, làm mướn trong làng cùng với số tiền trợ cấp cho người khuyết tật là 700.000 VNĐ.
Anh dạy các cháu hoàn toàn miễn phí nhưng các phụ huynh thương hoàn cảnh gia đình anh nên tự nguyện đóng góp tiền học cho con, mỗi tháng vài ba chục nghìn. Bấy nhiêu thôi cũng đủ để hai vợ chồng trang trải cuộc sống và nuôi dưỡng ước mơ về cậu con trai.
Lớp học đặc biệt
Hỏi về lớp học “nhân ái” thì người dân làng Nhân Mỹ ai ai cũng biết. Lớp học của anh Trường chẳng có phấn trắng và bảng đen mà chỉ vẻn vẹn vài quyển sách đã sờn bìa, những dòng chữ cũng đã bạc dần đi theo màu thời gian. Các cháu tới nhà anh học không phân biệt thời gian, độ tuổi. Lúc nào rảnh rỗi chạy sang nhờ dạy là anh sẵn sàng chỉ bảo.
Anh Trường đang hướng dẫn các cháu đọc bài
Anh Trường chia sẻ, có một cháu học lớp 3 bị mắc chứng trầm cảm vẫn chưa biết đọc, cũng chẳng biết tính toán. Sau một thời gian cả hai bác cháu nỗ lực thì cậu bé đã có thể đọc thông, viết thạo. Giờ đây, cậu bé đã học lớp 5, thỉnh thoảng cậu bé vẫn đạp xe qua cửa nhà và gọi to “bác Trường ơi”.
Hầu hết các học sinh đến lớp học của anh đều có lực học trung bình yếu, chủ yếu anh rèn chữ và hướng dẫn các cháu học bảng cửu chương, làm các con tính đơn giản. Nhìn hàng chục đứa trẻ đang chăm chú, nắn nót từng con chữ dưới sự chỉ bảo của người thầy đặc biệt dùng miệng viết chữ tôi thấy ánh lên một ngày mai tươi sáng của những đứa trẻ nơi miền quê nghèo.
Chia sẻ với PV báo Infonet, anh Lê Văn Ơn, trưởng làng Nhân Mỹ, xã Nam Phương Tiến (Chương Mỹ, Hà Nội) cho hay: “Nhắc đến anh Trường, người dân trong làng Nhân Mỹ này không ai là không cảm phục bởi ý chí và nghị lực của một con người tàn nhưng không phế. Đôi tay quá yếu cũng không còn sức cầm bút, anh đã rèn luyện cách viết chữ bằng miệng, hơn thế nét chữ lại rất đẹp. Anh là tấm gương sáng để thế hệ sau noi theo”.