Long Thành khó trở thành sân bay trung chuyển quốc tế

Nhiều nhà khoa học cho rằng không nên kỳ vọng vào sân bay Long Thành, mà thay vào đó nên đầu tư nâng cấp, mở rộng sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

Tại Hội thảo khoa học Xây dựng mới sân bay Long Thành hay nâng cấp mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất (TSN) do Hội Tư vấn khoa học công nghệ và quản lý (Hascon) tổ chức sáng 21.3, tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hascon cho rằng, khi đề xuất xây dựng sân bay Long Thành, Bộ GTVT luôn nhấn mạnh ý nghĩa, vai trò quan trọng của sân bay này là sân bay quốc tế trung chuyển, ngang tầm quốc tế và khu vực, với sản lượng hành khách sau năm 2030 có thể lên đến 100 triệu người. Tuy nhiên theo ông Phúc, con số hành khách khổng lồ này khó mà đạt được.

TS Phúc giải thích, sân bay Long Thành nằm gần bờ biển Đông Nam Á và chỉ nằm trên những tuyến hàng không quốc tế bay đến Indonesia, Philippines, Úc. Trong đó chỉ có hai nước Indonesia và Philippines ở gần nên Long Thành sẽ hiếm có cơ hội làm trung chuyển cho họ, thực chất chỉ còn làm trung chuyển cho nước Úc.

“Xin lưu ý rằng nước Úc chỉ có khoảng 20 triệu dân, vậy thì liệu có bao nhiêu hành khách sẽ trung chuyển qua Long Thành để về nước Úc?”, TS Phúc nói.

Long Thành khó trở thành sân bay trung chuyển quốc tế - 1

TS Nguyễn Bách Phúc phát biểu tại hội thảo. Ảnh: H.K

Ngoài ra theo TS Phúc, xung quanh sân bay Long Thành có 4 sân bay quốc tế khác là TSN, Cần Thơ, Phú Quốc và Cam Ranh. Như vậy, sân bay Long Thành chỉ có thể trung chuyển đến các sân bay như Vũng Tàu, Côn Đảo, sân bay quân sự Trường Sa, TSN, Biên Hòa, Liên Khương, Buôn Mê Thuột, sân bay quân sự Thành Sơn - Phan Rang. Với thực tế đó thì sân bay Long Thành không thể có lượng khách khổng lồ như Bộ GTVT đã nêu.
 
Còn PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách khoa TP.HCM cho rằng kỳ vọng sân bay Long Thành trở thành sân bay trung chuyển lớn của khu vực là ảo tưởng. Bởi hiện nay không có số liệu cho thấy hãng hàng không nào sử dụng TSN (sân bay quốc tế lớn của cả nước) làm sân bay trung chuyển của mình. Để trở thành sân bay trung chuyển quốc tế của khu vực, sân bay Long Thành phải đủ sức cạnh tranh với sân bay Changi (Singapore), Suvarnabhumi (Bangkok, Thái Lan), Chek Lap Kok (Hồng Kông), Kuala Lumpur (Malaysia).

Theo PGS Tống, xây dựng sân bay Long Thành sẽ có nhiều rủi ro. Bởi lẽ, dự án xây dựng sân bay Long Thành được tính toán rất sơ sài do duy ý chí, số liệu báo cáo không đáng tin cậy. Đặc biệt về nguồn vốn đầu tư theo dự kiến là  18,7 tỷ USD, nhưng có khả năng sẽ có rủi ro lớn về vốn khi không tính toán số liệu một cách kỹ càng, khoa học.
 
Cũng tại hội thảo, nhiều nhà khoa học, cựu chiến binh cho rằng không nên xây dựng sân bay Long Thành trong thời điểm này. Bởi đây là dự án có tổng vốn đầu tư lớn, hiện nay trong lúc nợ công đang còn nhiều, việc mượn tiền xây dựng sân bay sẽ làm tăng gánh nặng ngân sách. Thay vào đó, nhiều ý kiến đề nghị nên tập trung mở rộng sân bay TSN để sân bay này đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành hàng không.
 
Theo tính toán của một số chuyên gia, với diện tích đất 1.500ha, sân bay TSN có thể mở rộng, nâng cấp lên thành sân bay lớn với khối lượng 80 triệu hành khách/năm mà không cần di dời mặt bằng, dân cư. Tổng chi phí thực hiện chỉ vào khoảng 2 - 3 tỷ USD.

Và trước mắt, hoàn toàn có thể nâng cấp TSN lên tối thiểu 56 triệu hành khách/năm khi chỉ cần sử dụng khu đất trống 36ha và khu vực sân golf 159 ha trong sân bay. Sau đó đến năm 2050 có thể nâng cấp TSN giai đoạn 2 lên 80 triệu hành khách/năm.

“Nếu chúng ta gấp rút tổ chức nâng cấp sân bay TSN, xây thêm một đường lăn, một nhà ga quốc tế 25 triệu hành khách/năm, khoảng 40 chỗ đậu máy bay… thì sân bay TSN có thể khai thác ít nhất 45 triệu hành khách/năm. Như vậy còn lâu sân bay này mới quá tải. Số vốn đầu tư chỉ khoảng 2 tỷ USD”, trung tá không quân Lê Trọng Sành, nguyên Phó ban tác chiến Binh chủng Không quân, nguyên Trưởng phòng Quản lý bay sân bay TSN nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hữu Ký ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN