Lồng đèn nhựa TQ có chất gây ung thư
Kết quả phân tích cho thấy mẫu lồng đèn nhựa xuất xứ từ Trung Quốc có chứa chất cadimi (Cd) cao hơn 123 lần mức cho phép. Cd có thể gây ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi, dị tật thai nhi...
Cd là một trong ba kim loại độc hại nhất với cơ thể người (hai loại còn lại là chì và thủy ngân).
Gấp 123 lần mức cho phép
Để tìm hiểu độ an toàn của lồng đèn, chúng tôi đã chọn ngẫu nhiên hai chiếc lồng đèn nhìn khá đáng yêu, một mua ở siêu thị và một ở tiệm bán lồng đèn trên phố. Mẫu thứ nhất là một chú chuồn chuồn có đôi cánh màu xanh, điểm vài bông hoa màu xanh da trời với đôi mắt xanh biếc. Khi lắp pin vào, lồng đèn chuồn chuồn đưa đôi cánh lên xuống nhịp nhàng. Mẫu thứ hai là một lồng đèn nhựa hình con chim vừa biết vỗ cánh lại biết chạy nhảy tung tăng nếu lắp pin vào sử dụng. Đẹp, giá không rẻ (từ 65.000-75.000 đồng/chiếc), lại được ghi xuất xứ rõ ràng, có nhà nhập khẩu hẳn hoi... là những lý do khiến nhiều ông bố, bà mẹ vô tư “rinh” về nhà những chiếc lồng đèn nhựa như trên.
Lồng đèn nhựa Trung Quốc tiếp tục chiếm lĩnh thị trường mùa trung thu năm nay. Trong ảnh: tràn ngập lồng đèn nhựa Trung Quốc ở đường Lương Như Học, Q.5, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.
Hai mẫu lồng đèn này được đưa đến Viện Khoa học vật liệu ứng dụng và Viện Công nghệ hóa học kiểm tra. Theo kết quả kiểm nghiệm, thành phần nhựa trong hai mẫu lồng đèn nói trên không độc hại. “Dù sản phẩm của hai nhà phân phối khác nhau, của hai địa chỉ sản xuất khác nhau nhưng đều có chung một nguyên liệu sản xuất là nhựa APS (nhựa tái chế) và PE” - TS Trần Ngọc Quyển, phó trưởng phòng vật liệu - hóa dược Viện Khoa học vật liệu ứng dụng, cho biết. Tuy nhiên, nhà phân phối chỉ ghi chung chung hoặc ghi không đúng thành phần như kết quả kiểm nghiệm. Lồng đèn con chuồn chuồn chỉ được ghi chung chung về thành phần là “nhựa”, còn lồng đèn con chim thì ghi sai thành phần gồm nhựa PP, PE mà không phải là APS và PE.
Đáng chú ý, kết quả kiểm nghiệm nói trên ở mẫu lồng đèn con chuồn chuồn cho thấy hàm lượng Cd trong sơn phủ rất cao: 7.390 microgram/kg (muối cadimi sử dụng như là chất tạo màu trong nhiều loại nhựa). Lượng Cd này gấp đến 123 lần mức cho phép trong Bộ tiêu chuẩn an toàn đồ chơi trẻ em do Bộ Khoa học - công nghệ ban hành ngày 4/5/2011. Ông Hoàng Lâm, phó giám đốc Trung tâm Tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3, cho biết: “Lượng Cd được phép có trong đồ chơi trẻ em theo tiêu chuẩn Việt Nam là 60 microgram/kg, nếu trên 7.000 là quá cao”.
Lồng đèn nhựa Trung Quốc tràn ngập phố Hàng Mã (Hà Nội) - Ảnh: Nguyễn Khánh
Gây ung thư, dị tật thai nhi...
TS Quyển cho biết Cd là một trong ba kim loại được coi là nguy hiểm nhất đối với cơ thể con người (hai thứ còn lại là chì và thủy ngân). Cd gây ngộ độc do cạnh tranh với một số kim loại (canxi, kẽm, sắt...) là thành phần chính của nhiều vi chất và men sinh hóa có tác dụng sinh học trong cơ thể. Quá trình tranh chấp - trao đổi của Cd với các kim loại khác có thể gây đảo lộn nhiều quá trình sinh học trong cơ thể và là nguyên nhân dẫn đến nhiều loại bệnh như loãng xương, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi, thiếu máu và tăng nguy cơ gây dị dạng cho thai nhi (đối với phụ nữ có thai). Tổ chức Y tế thế giới cho phép ngưỡng tối đa đối với người lớn là từ 20-40 microgram/ngày (lượng Cd trong nước uống, thực phẩm khoảng 10 microgram/ngày/người lớn), nhưng chỉ có 5-10% trong số đó thật sự vào cơ thể.
Nguy hiểm nhất của đồ chơi, lồng đèn nhiễm Cd với hàm lượng quá cao là Cd tích lũy nhiều trong thận và chỉ phát bệnh sau nhiều năm tiếp xúc. “Màu sắc trong mấy cái lồng đèn nhựa này rất dễ bong tróc, chỉ cần tiếp xúc, cầm nắm là trẻ dễ bị thôi nhiễm Cd rồi. Nguy hiểm nhất là ở chỗ đó chứ không phải trẻ chỉ cắn, ngậm lồng đèn mới bị tác hại” - TS Quyển cảnh báo. Ngoài vấn đề có kim loại độc hại, các loại lồng đèn nhựa nói trên còn có cả pin, rất độc nếu trẻ nhỏ chơi, cắn, ngậm và nhựa cũng khó phân hủy, ảnh hưởng cho môi trường.
Mẫu lồng đèn con chuồn chuồn đã được xét nghiệm có chất độc gấp 123 lần mức cho phép - Ảnh: Mỹ Dung
Châu Âu thu hồi đồ chơi Trung Quốc Liên minh châu Âu (EU) mới đây đã ra lệnh thu hồi 15 mặt hàng đồ chơi và trang phục trẻ em có xuất xứ Trung Quốc do các sản phẩm này chứa nhiều thành phần gây hại cho sức khỏe trẻ em. Các sản phẩm trên đều bị xếp vào hàng “nguy hiểm” đối với trẻ em và bị cấm tiêu thụ tại thị trường châu Âu. Theo Reuters, đây là động thái mới nhất trong chiến dịch chống hàng kém chất lượng từ Trung Quốc. Ngày 1/8, Ủy ban châu Âu (EC) phát động cuộc vận động chống hàng giả với tên gọi “Đừng để một tai nạn làm hỏng mùa hè của bạn”. EC đã chi 87.000 USD để sản xuất bộ phim tuyên truyền chống hàng giả mà đa số nhập khẩu từ Trung Quốc. AFP dẫn lời các quan chức thuộc Ủy ban Doanh nghiệp và công nghiệp châu Âu cho biết giày dép trẻ em xuất xứ từ Trung Quốc có hàm lượng chrome vượt quá sáu lần mức cho phép. Trong khi đó, lượng kim loại và các chất độc hại trong đồ chơi Trung Quốc luôn bị xếp vào diện “nguy hiểm”. Lồng đèn Trung Quốc đội lốt Hàn Quốc Gần đến Tết Trung thu, tại nhiều tiệm bán lồng đèn ở TP.HCM và trong các siêu thị, không khí mua bán các loại lồng đèn khá rôm rả. Tại tiệm bán lồng đèn trên đường Nguyễn Sơn, Q.Tân Phú, mới hơn 9g ngày 22/9 nhiều ông bố, bà mẹ đã nhộn nhịp đưa con đi chọn lồng đèn. Ở đây có rất nhiều loại lồng đèn với nhiều chất liệu như bóng kính hình ngôi sao, hình cá chép rồi lồng đèn nhựa hình cá chép, hình thỏ, hình chim (Việt Nam) nhưng sinh động và đa dạng hơn là lồng đèn nhựa hình các loại thú, siêu nhân... chạy bằng pin có xuất xứ từ Trung Quốc. Rất nhiều trẻ nhỏ vào mua đã chọn ngay chiếc lồng đèn siêu nhân, hình thú của Trung Quốc. Chị Minh, một khách hàng có hai bé trai nằng nặc đòi mua cho bằng được lồng đèn nhựa hình siêu nhân, phân trần: “Tôi cũng muốn mua cho con lồng đèn của Việt Nam làm, nhưng mấy đứa cứ đòi cái này thôi”. Và chị Minh cũng tự trấn an rằng các con chị đã lớn (khoảng 6, 8 tuổi) và hàng cũng có xuất xứ đàng hoàng nên “chắc an toàn”. Theo lời người bán hàng, năm nay những khách “đi một mình” (không có con nhỏ đi kèm) thì phần lớn chọn lồng đèn truyền thống của Việt Nam làm. Khảo sát tại nhiều điểm bán lồng đèn khác cho thấy tình trạng các loại lồng đèn có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng người bán khẳng định là Hàn Quốc,Thái Lan khá phổ biến. Tại đường Cộng Hòa (Q.Tân Bình), hàng loạt dãy hàng bày bán lồng đèn bằng giấy, nhựa có giá 10.000-50.000 đồng được treo biển “đèn lồng Hàn Quốc”. Tuy nhiên theo tìm hiểu của chúng tôi, tất cả các loại lồng đèn dạng này đều được nhập từ Trung Quốc. Còn tại Hà Nội, ngày 22/9 trên khắp dãy phố Hàng Mã lan sang cả phố Hàng Khoai, đồ chơi trung thu cho trẻ em được bày bán rất phong phú. Chị Hồng, một chủ hàng trên phố Hàng Mã, cho biết ngoài trống, mặt nạ, đèn ông sao..., lồng đèn là đa dạng nhất với đủ loại to nhỏ và màu sắc khác nhau. Không ngần ngại cung cấp xuất xứ sản phẩm, chị Hồng thẳng thắn cho biết 100% là hàng sản xuất ở Trung Quốc. Được làm bằng nhựa, các loại lồng đèn đều có chức năng như nhau là nhạc, đèn nhấp nháy... Giá tăng hơn 30% so với năm trước, mỗi loại lồng đèn một giá tùy theo kích thước và mẫu mã. Loại nhỏ có cán để cầm, thường chỉ dành cho các em từ 2-5 tuổi, có giá 25.000-80.000 đồng/chiếc. Loại to một chút được bán với giá 120.000-150.000 đồng/chiếc. Loại đặc biệt nhất năm nay là lồng đèn để treo hoặc để ở góc phòng khách, có giá 800.000 đồng/chiếc. Cũng được làm từ chất liệu nhựa, những chiếc lồng đèn này nổi bật do xung quanh có trang trí, chạm trổ hoa văn rất bắt mắt. Siết chặt kiểm tra đồ chơi trẻ em Đại diện Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết trong thời gian từ tháng 8 đến nửa đầu tháng 9, đơn vị thực hiện kiểm tra trên mười vụ liên quan đến các mặt hàng đồ chơi trẻ em ở địa bàn TP. Kết quả kiểm tra cho thấy còn nhiều vụ vi phạm liên quan đến việc đồ chơi nhập lậu, vi phạm việc dán tem nhãn nhập khẩu, hợp chuẩn hợp quy cũng như các đồ chơi bạo lực bị cấm như súng, kiếm. Theo quản lý thị trường, hàng trăm sản phẩm nhập lậu, hàng cấm đều bị tịch thu, tiêu hủy theo quy định, tuy nhiên không tiến hành kiểm định hàm lượng chất độc hại có trong sản phẩm. Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tăng cường kiểm tra các mặt hàng đồ chơi trẻ em tại khắp các điểm bày bán trên địa bàn TP. Đơn vị sẽ tổ chức lấy mẫu đem kiểm định nếu phát hiện những nghi ngại về chất lượng, hàm lượng độc tố có trong sản phẩm. |