Lòng dân đều đồng thuận cấm uống rượu bia lái xe

Các vụ TNGT, nhất là TNGT liên quan đến rượu bia giảm rõ rệt so với trước, nhận thức của người dân cũng đã có những chuyển biến mạnh mẽ...

Sau 10 ngày thực hiện, tình hình ATGT chuyển biến rõ rệt. Trong ảnh: Một chốt kiểm tra nồng độ cồn trong đợt ra quân của lực lượng CSGT

Sau 10 ngày thực hiện, tình hình ATGT chuyển biến rõ rệt. Trong ảnh: Một chốt kiểm tra nồng độ cồn trong đợt ra quân của lực lượng CSGT

Sau hơn 10 ngày Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt có hiệu lực, lực lượng chức năng đã xử lý hàng nghìn trường hợp với mức xử phạt rất nặng theo quy định mới. Các vụ TNGT, nhất là TNGT liên quan đến rượu bia giảm rõ rệt so với trước, nhận thức của người dân cũng đã có những chuyển biến mạnh mẽ... Báo Giao thông trao đổi với ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia về những kết quả rất đáng ghi nhận này.

Luật đã đi vào cuộc sống

Ngay sau khi có hiệu lực, Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100 đã đi vào cuộc sống. Nhìn lại 10 ngày qua, ông đánh giá thế nào về sự lan tỏa mạnh mẽ, tác động rất lớn tới nhận thức và hành vi của người tham gia giao thông của Luật và Nghị định?

Trước tiên cần khẳng định việc Quốc hội ban hành Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và Chính phủ vừa ban hành Nghị định 100 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt là nhằm hiện thực hóa quy định cấm tuyệt đối người đã uống rượu bia điều khiển phương tiện.

Ông Khuất Việt Hùng: Ủy ban ATGT Quốc gia đã ban hành kế hoạch Năm ATGT 2020 với chủ đề “Đã uống rượu bia - Không lái xe”.

Ông Khuất Việt Hùng: Ủy ban ATGT Quốc gia đã ban hành kế hoạch Năm ATGT 2020 với chủ đề “Đã uống rượu bia - Không lái xe”.

Sau 10 ngày thực hiện, lực lượng CSGT đồng loạt ra quân, ATGT có chuyển biến rõ rệt. Số vụ TNGT, số người chết vì TNGT bình quân mỗi ngày đều giảm rõ rệt so với cùng kỳ năm 2019. Mặc dù mới trong thời ngắn, chưa thể đánh giá một cách toàn diện về tác động kéo giảm TNGT một cách chính xác nhất nhưng đây là chỉ số tốt, thể hiện hiệu quả ban đầu trong thực hiện nghiêm các quy định pháp luật nêu trên.

Trước đây, tại các quán nhậu, xe luôn để tràn ra đường thì đến nay đã ít đi rất nhiều, thậm chí một số quán rất vắng khách. Rất nhanh, thị trường xuất hiện dịch vụ đưa đón người đã uống rượu bia về nhà. Chủ nhà hàng, quán nhậu đã phải quan tâm đến lợi ích của khách hàng và của chính mình. Điều này chứng tỏ hiệu quả, hiệu lực của các quy định mới đã đi vào đời sống.

Vừa qua, vẫn có những ý kiến băn khoăn về câu chuyện vì sao chúng ta lại cấm tuyệt đối uống rượu bia lái xe, thay vì cho phép ở một mức độ nào đó. Ý kiến của ông thế nào?

Quy định nghiêm cấm tuyệt đối lái xe ô tô sử dụng rượu bia không phải là quy định mới mà đã được quy định trong Luật GTĐB 2008. Hầu hết các quốc gia trong đó có Đức, Ý, châu Âu, Mỹ… đều cấm tuyệt đối nhóm lái xe kinh doanh vận tải như taxi, xe buýt, xe tải trong hơi thở và trong máu có nồng độ cồn. Cũng có một số nước cho phép tỷ lệ nhất định nhưng là dành cho đối tượng không lái xe kinh doanh vận tải.

Căn cứ vào đặc điểm tình hình, mức độ vi phạm, tính nghiêm trọng của vấn đề và đòi hỏi thực tiễn của xã hội thì các cơ quan xây dựng pháp luật của các quốc gia đó sẽ xây dựng quy định phù hợp. Trước năm 2013, Nga đã cấm tuyệt đối (nồng độ cồn bằng 0), sau thời gian thực hiệm kiểm soát tốt vi phạm họ đã có điều chỉnh cho phép tỷ lệ nhất định.

Tại Việt Nam, trong giai đoạn hiện nay với sự lạm dụng rượu bia quá mức và văn hóa uống đã trở thành tệ nạn thì quy định này là cần thiết, đủ mạnh, có sức răn đe để thay đổi, điều chỉnh lại nhận thức, xây dựng lại văn hóa uống rượu bia của người dân.

Xử vi phạm theo tinh thần đã làm với mũ bảo hiểm

Như ông đã nói, đây mới chỉ là kết quả bước đầu. Hiện cũng có không ít những lo ngại về việc có thể thời gian đầu thì lực lượng chức năng ra quân rầm rộ xử lý nghiêm, sau đó lại lắng xuống, nói cách khác là “đánh trống bỏ dùi”. Làm thế nào để việc này không xảy ra, thưa ông?

Không chỉ ở Việt Nam, ở bất kỳ quốc gia nào, giai đoạn đầu thực hiện chế tài xử phạt mới cũng đòi hỏi sự tập trung lực lượng cao độ. Chúng ta đã có kinh nghiệm khi thực hiện nghiêm, triệt để quy định đội MBH. Việc thực hiện quy định Phòng chống tác hại rượu bia lần này cũng theo tinh thần đó.

Năm 2019 là thời điểm mà nhận thức của người dân về tác hại của rượu bia và sự nguy hiểm của hành vi uống rượu bia lái xe lên cao, người dân ủng hộ, đòi hỏi phải có quy định chặt chẽ và chế tài nghiêm minh. Nhiều yêu cầu của người dân được gửi đến Ủy ban ATGT Quốc gia, thậm chí có yêu cầu phải bỏ tù người vi phạm.

Chúng ta đã có nền tảng là lòng dân, sự ủng hộ của nhân dân thì việc các lực lượng chức năng tăng cường duy trì tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp trong cả hệ thống, làm thay đổi, tạo chuyển biến bền vững. Cũng giống như chúng ta ra đường hiện nay thấy đại đa số người dân đội MBH. Đối với xử lý vi phạm nồng độ cồn, tôi có niềm tin rất mạnh mẽ chúng ta sẽ duy trì bền vững kết quả này.

Việc xử phạt vi phạm nồng độ cồn ở thành thị có vẻ thuận lợi nhưng câu chuyện phức tạp nhất, khó xử lý vi phạm nhất lại ở vùng nông thôn, nơi mà lực lượng chức năng thiếu phương tiện, thiết bị và người dân cũng hạn chế trong việc tiếp cận thông tin. Theo ông, đâu là giải pháp để giải quyết vấn đề này?

Trong quá trình tái cơ cấu, sắp xếp lại các cơ quan, lực lượng, Bộ Công an đã tăng cường mạnh cho công an tuyến huyện, đưa công an chính quy về xã. Đây chính là bước đi bài bản, củng cố sức mạnh của công an cơ sở. Đồng Nai là một điển hình. Địa phương này đã điều chuyển hơn 50 CSGT về cấp xã.

Mật độ, tần suất tham gia giao thông, người vi phạm ATGT, vi phạm nồng độ cồn ở thành thị rõ ràng cao hơn nhưng ở các địa phương, căn cứ vào đặc điểm của mình, lực lượng công an địa phương sẽ phối hợp với các lực lượng khác đảm bảo sẽ làm tốt nhiệm vụ xử lý vi phạm ATGT, trong đó có vi phạm nồng độ cồn.

Thực hiện kiên quyết, triệt để “Đã uống rượu bia - Không lái xe”

Ông có thể cho biết, đâu sẽ là mục tiêu quan trọng Ủy ban ATGT Quốc gia khi lập kế hoạch tổng thể đảm bảo ATGT năm 2020, trong đó gắn với việc triển khai thực hiện Luật và Nghị định?

Ủy ban ATGT Quốc gia đã ban hành kế hoạch Năm ATGT 2020 với chủ đề “Đã uống rượu bia - Không lái xe”. Trọng tâm, trọng điểm sẽ là tuyên truyền, phổ biến quy định của Luật Phòng chống tác hại của rượu bia để đưa Luật vào cuộc sống, giúp người dân biết, hiểu được tính nhân văn và lợi ích mà Luật mang lại cho nhân dân. Đồng thời cũng xử nghiêm trường hợp cố tình vi phạm.

Năm nay sẽ có nhiều sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, nhu cầu đi lại của người dân sẽ tăng cao, cho nên đồng thời với chủ đề nêu trên sẽ phải thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp trong Chỉ thị 18 của Ban Bí thư, Nghị quyết 12 của Chính phủ với 8 nhóm giải pháp đảm bảo ATGT.

Về xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật, năm nay phải đưa Luật Phòng chống tác hại của rượu bia vào cuộc sống thông qua việc hoàn thiện văn bản dưới luật giúp doanh nghiệp, người dân thuận tiện trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, cần sửa đổi Luật GTĐB năm 2008 để tạo nền tảng pháp lý, giải quyết các vấn đề thực tiễn đang đòi hỏi.

Giải pháp quan trọng nữa là tập trung hạ tầng giao thông, trước tiên là đẩy nhanh tiến độ công trình trọng điểm như nhà ga T3, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, các tuyến đường sắt đô thị, đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Đồng thời làm tốt công tác bảo trì, giữ chất lượng kết cấu hạ tầng, tổ chức giao thông, xử lý điểm đen TNGT. Tập trung tái cơ cấu vận tải, tập trung cho đường thủy, đường biển, gỡ được nút thắt còn lại vấn đề kết nối các phương thức vận tải. Chuyển các tuyến xe cố định dưới 100km thành xe buýt tạo ổn định đi lại cho người dân.

Cùng đó, chúng tôi sẽ đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật, xây dựng văn hóa giao thông, đưa các nội dung giáo dục ATGT vào chương trình chính khóa. Tiếp tục truyền thông qua các kênh khác nhau như tổ chức các sự kiện lớn để tăng tính lan tỏa, vận động người dân xây dựng văn hóa giao thông.

Năm nay sẽ là năm cao điểm của lực lượng công an trong đảm bảo giao thông thông suốt, tuyệt đối an toàn phục vụ Đại hội Đảng, các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước. Theo đó, lực lượng công an sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ, lắp camera giám sát, xử phạt trên các tuyến quốc lộ, tăng cường lực lượng về cơ sở, giúp nâng cao hiệu quả, hiệu lực, khép kín địa bàn từ thành thị đến nông thôn, miền núi.

Cảm ơn ông!

Tuyên truyền mạnh mẽ quy định xử phạt vi phạm nồng độ cồn

Ủy ban ATGT Quốc gia vừa có văn bản yêu cầu Chủ tịch UBND kiêm Trưởng ban ATGT các tỉnh, thành phố đẩy mạnh thực hiện Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và Nghị định số 100/2019 của Chính phủ.

Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và Nghị định số 100 đã tác động rất lớn đến công tác bảo đảm trật tự ATGT, đặc biệt là quy định nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện được dư luận đánh giá cao.

Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm các quy định của pháp luật về nồng độ cồn. Nhiều người vi phạm không hợp tác, chống đối lực lượng thi hành nhiệm vụ. Nguyên nhân do ý thức chấp hành pháp luật chưa cao, nhiều người dân chưa nắm rõ những quy định mới.

Ủy ban ATGT Quốc gia yêu cầu Chủ tịch UBND kiêm Trưởng ban ATGT tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền những quy định mới của Nghị định số 100, các quy định liên quan đến ATGT trong Luật Phòng chống tác hại của rượu bia để người dân biết thực hiện; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện “Đã uống rượu bia - Không lái xe” và ủng hộ lực lượng công an làm nhiệm vụ bảo đảm ATGT.

Bạn nghĩ thế nào về mức phạt mới đối với lái xe vi phạm nồng độ cồn từ 1/1/2020?

Nguồn: [Link nguồn]

Phó Chủ tịch tỉnh Thái Bình phạt lái xe ô tô vi phạm nồng độ cồn 35 triệu đồng

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình vừa ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với một bác sĩ điều khiển xe ô...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Duy ([Tên nguồn])
Xử phạt lái xe có nồng độ cồn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN