Long ấn “Hoàng đế chi bảo” được đúc thế nào?

Sự kiện: Thời sự

Chuyến “hồi hương” của chiếc ấn báu “Hoàng đế chi bảo” được báo chí, truyền thông và công chúng đánh giá là sự kiện văn hóa nổi bật của đất nước trong năm qua.

Những chi tiết về chiếc ấn vàng và hành trình “chu du” của ấn từ khi được Vua Bảo Đại bàn giao cho chính quyền cách mạng nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, rơi vào tay quân Pháp, lưu lạc sang châu Âu rồi được nhà sưu tập Nguyễn Thế Hồng (Từ Sơn, Bắc Ninh) đấu giá, đưa về Việt Nam thế nào, báo chí, trong đó có Chuyên đề ANTG, đã có rất nhiều bài viết chi tiết. Tuy nhiên, nhiều độc giả muốn biết ấn vàng này được đúc thế nào và được sử dụng ra sao?

Những ấn quý của triều Nguyễn

Lần giở các trang sử cũ của triều Nguyễn còn lưu trữ, có thể xác định rằng, đến năm 2023, chiếc ấn báu này vừa tròn 200 năm tuổi!

Ấn báu là vật quý của các triều vua, được gọi chung là “Kim ngọc bảo tỷ”, trong đó ngọc tỷ được khắc, gọt giũa từ các khối ngọc quý và ấn đúc bằng vàng, bạc, gọi là kim bảo tỷ. Thời nhà Nguyễn có chiếc kim bảo tỷ truyền quốc khắc chữ “Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo” đúc từ thời chúa Nguyễn Phúc Chu, năm 1709. Tuy lúc đó chúa Nguyễn chưa xưng vương, vẫn tự coi là tôi con của vua Lê, nhưng chiếc ấn là dấu hiệu của sự độc lập của chính quyền Đàng Trong nên sau này, các vua triều Nguyễn đều rất tôn thờ, coi ấn này là báu vật truyền ngôi. Ngoài ra, thời Vua Thiệu Trị, khi được dâng một khối ngọc quý, nhà vua sai thợ khắc chiếc ấn “Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ”, khắc xong vào năm 1847 bàn giao cho vua nối ngôi.

Sau khi Vua Gia Long lên ngôi năm 1802, đã đúc những ấn vàng như “Quốc gia tín bảo”, “Ngự tiền chi bảo”, “Văn lý mật sát”, “Thủ tín thiên hạ văn vũ quyền hành”. Sang thời Vua Minh Mạng, nhà vua tiến hành cải cách hành chính và chế tác thêm các loại bảo tỷ, ấn triện, như ấn “Hoàng đế tôn thân chi bảo”, “Sắc mệnh chi bảo”, “Minh Mạng thần hàn”, “Hoàng đế chi tỷ”, “Hành tại chi tỷ”. Đặc biệt, năm 1839, khi đổi quốc hiệu nước ta thành Đại Nam, Vua Minh Mạng cho khắc ngọc tỷ “Đại Nam thiên tử chi tỷ” để sánh với nhà Đại Thanh bên Trung Quốc.

Long ấn “Hoàng đế chi bảo” mới được hồi hương.

Long ấn “Hoàng đế chi bảo” mới được hồi hương.

Các kim, ngọc tỷ quý của Vua Gia Long, được Vua Minh Mạng nhắc đến trong lời dụ của nhà vua ban, khi nói về lý do đúc ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”, tháng 2 năm Quý Mùi (1823), như sau: “Công dụng của quốc bảo là để tuyên bố mệnh lệnh phải tin, bảo rõ lời dạy phải làm, là đồ vật rất trọng mà điển lễ rất lớn. Bản triều ta lúc mới đại định, Hoàng khảo Thế tổ Cao hoàng đế ta dựng đặt pháp chế, trăm việc mới cả, lần lượt sắc xuống dùng vàng tốt đúc “Chế cáo chi bảo”, “Quốc gia chi bảo”, “Sắc chính vạn dân chi bảo”, “Thảo tội an dân chi bảo”, “Ngự tiền chi bảo”, “Mạnh đức chi bảo” từ trước đến nay đã từng thi hành, nhưng chỉ là lúc mới bắt đầu làm, chưa kịp mười phần đầy đủ”.

Như vậy, việc đúc ấn “Hoàng đế chi bảo” của Vua Minh Mạng là nhằm hoàn thiện hệ thống ấn tín mà Vua Gia Long đã định ra và chưa thực hiện xong.

Việc đúc và sử dụng “Hoàng đế chi bảo”

Sự kiện Vua Minh Mệnh cho đúc ấn “Hoàng đế chi bảo” được bộ sử “Đại Nam thực lục” do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, phần Chính biên, đệ nhị kỷ, quyển 19, ghi lại rằng: “Ngày Giáp Thìn, mùng 4 tháng Hai năm Minh Mạng thứ 4 (tức ngày 15/3/1823) đúc ấn “Hoàng đế chi bảo” (núm làm rồng cuốn 2 tầng, vuông 3 tấc 2 phân, dày 5 phân, bằng vàng mười tuổi, nặng 180 lạng 9 đồng 2 phân)”.

Sách “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ” cũng ghi rằng: “Minh Mạng năm thứ 4 (1823), xuống chỉ cho chọn ngày tốt, Bộ Lễ hội đồng với Phủ Nội vụ, Ty Vũ khố kính cẩn đúc một quả “Hoàng đế chi bảo” làm bằng vàng 10 tuổi, đài chồng 2, núm rồng ngồi xổm, vuông 3 tấc 2 phân, dày 5 phân”. Ngày nay, các chuyên gia đã đo kích thước theo đơn vị hiện đại, xác định ấn cao 10,4 cm, nặng 10,78 kg, mặt hình vuông, kích thước 13,8x13,7 cm, dày 2 cm.

Sau khi ra đời, kim ấn này được xem như quốc bảo của triều Nguyễn. Cũng theo “Đại Nam thực lục”, Vua Minh Mạng quy định sử dụng ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” như sau: “Gặp khánh tiết gia ân, các việc long trọng như cáo dụ thân huân, tuần xem địa phương cùng là ban sắc thư cho ngoại quốc, thì đóng ấn “Hoàng đế chi bảo””.

Năm 1833, Vua Minh Mạng tiếp tục quy định rõ hơn việc dùng ấn “Hoàng đế chi bảo” trong quá trình vua đi tuần thú địa phương, cụ thể: “Phàm khi vua đi chơi, nếu theo lệ, phải đem theo ấn “Hoàng đế chi bảo” và mọi hòm ấn khác thì Nội các, trước đó 1-2 ngày dự bị làm sớ tâu xin”.

Đến tháng 3 năm 1839, Vua Minh Mạng bãi bỏ việc dùng ấn “Hoàng đế chi bảo” khi đi tuần thú địa phương, thay vào đó, nhà vua cho khắc ấn ngọc “Đại Nam thiên tử” để thay thế.

Từ năm 1840 trở đi, sau khi Vua Minh Mạnh băng hà, ấn “Hoàng đế chi bảo” vẫn luôn được triều đình Nguyễn giữ gìn như một báu vật, cho đến khi vị vua cuối cùng của triều Nguyễn là Bảo Đại bàn giao cho chính quyền cách mạng.

Nguồn: [Link nguồn]

Sau khi được chuyển giao lại cho Việt Nam, ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" sẽ được trưng bày cùng cặp bát vàng của vua Khải Định - cả hai cùng nằm trong bộ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mã Giang ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN