"Lỗi Ở ĐÂU ĐÓ chứ không phải ở TÔI"
Có một chân lý duy nhất trong hàng mớ lý lẽ mà người ta đưa ra trong vụ phòng khám Trung Quốc gây chết người: “Lỗi Ở ĐÂU ĐÓ chứ không phải ở TÔI”?
Việc một bệnh nhân tử vong tại phòng khám Maria (Hà Nội) như giọt nước tràn ly trước việc hàng trăm bác sỹ chui Trung Quốc tự tung, tự tác hành nghề thu lợi bất chính trên nhiều thân xác người bệnh Việt Nam. Hình như các cơ quan hữu trách được hâm nóng bởi chỉ với một giọt nước này. Dư luận tỏ ra sắc lẹm khi nhìn vụ việc một cách tỉnh táo và đầy biện chứng.
Họ thấy, cái nhiệt độ mà các cơ quan hữu trách đang có không hề tự thân mà là chuyện chẳng đặng dừng. Kiểu như “dĩ độc trị độc”, lấy cái gọi là nhiệt tâm để làm dịu lại những đòi hỏi rất chính đáng của bao người bệnh.
Điều dễ nhận thấy là sự mất phương hướng trong việc xử lý của các cơ quan chức năng. Hay tệ hơn là quả bóng trách nhiệm được những người mặc blu trắng đã nhuyễn hơn cả giới túc cầu.
Đã xuất hiện bao sự biện minh, đùn đẩy. Rằng, bác sỹ Trung Quốc lắm mưu nhiều kế, biến hóa khôn lường, như thể họ là hiện thân của Tôn Ngộ Không, nên nếu không có kính chiếu yêu thì có thể phát hiện ra đâu là giả, đâu là chân. Rằng, việc cấp phép cho họ là ở trên, mình chỉ là thứ cấp nên đành phải tuân thủ. Rằng, họ đã được thẩm duyệt qua ba bốn cửa ải như xuất nhập cảnh, Bộ y tế, chính quyền sở tại rồi thì không tin có mà thiếu i-ốt.
Phòng khám Maria làm chết bệnh nhân nhưng các cơ quan chức năng lại đùn đẩy trách nhiệm
Lý lẽ đưa ra, ngẫm đều có lý cả. Chân lý là cụ thể. Phòng khám Trung Quốc đang tồn tại thì hà cớ chi không có lý? Tóm lại chỉ có một chân lý duy nhất trong hàng mớ lý lẽ mà họ đưa ra: Lỗi Ở ĐÂU ĐÓ chứ không phải ở TÔI.
Lại nhớ chuyện một miếng thịt mà có đến mấy bộ quản. Lúc nó còn sống thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mà cụ thể là Cục Thú y quản. Lúc nó lưu thông thì Bộ Công Thương quản. Còn khi nó bày trên bàn nhậu lại do Bộ Y tế quản. Khi xảy ra ngộ độc thực phẩm thì trách nhiệm xoay nhanh hơn đèn kéo quân. Ai cũng nhận có trách nhiệm của mình rồi không ai phải chịu trách nhiệm chính cả. Khổ thế!
Ngẫm chuyện của cụ Nam Cao mới thấy cụ thâm khi cái làng Vũ Đại ấy ai cũng nghe Chí Phèo chửi, nhưng chả có ai cảm thấy bị tổn thương và hồi tâm tĩnh trí bởi chắc mẩm "nó chừa mình ra".
Lại ngẫm, chuyện nhập ốc bươu vàng, rùa tai đỏ, cá hổ sông A-ma –zôn… chờ cho đến khi nông dân điêu đứng mới giật mình hỏi vọng nhau: Ai kí cái lệnh cho nhập quái ác thế nhỉ? Hỏi và vọng để rồi người dân thấp cổ bé họng là người trả lời bằng việc nhẫn nhục chịu đựng và khắc chế nó.
Các cụ dạy cấm có sai: Bắt chạch đằng đuôi, Thả gà ra đuổi thì phỏng có ích gì? Nhưng nó khiến cho những người có lương tri luôn day dứt là vì sao người ta vẫn cứ muốn làm chuyện vô ích đó.
Cầu thị luôn là đức của bậc trí giả. Giật mình, người viết bài này chợt nghĩ hình như lỗi lầm này cũng có sự đóng góp của người “nhà mình” (hay người nghề mình) trong đó? Một số ký giả hoặc một số cơ quan truyền thông nghĩ sao khi họ cũng từng góp phần truyền tải những thông tin rất xa sự thật về các phòng khám này đến người bệnh đang phải vái tứ phương?
Sự cắn rứt lúc này cũng là phương thuốc cho sự sám hối không lúc nào là muộn của những người còn lương tâm vậy!