Lời nói sau cùng của dàn cựu lãnh đạo HOSE ‘giúp sức’ cho ông Trịnh Văn Quyết

Trong 50 bị cáo phạm tội liên quan đến vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC có đến 7 người là cựu lãnh đạo của Sở giao dịch chứng khoán TPHCM; Ủy ban chứng khoán Nhà nước; Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam. Nói lời sau cùng, họ cảm thấy ân hận khi chưa làm tròn trách nhiệm, nhận thức chưa đầy đủ...

Kiến nghị một số nội dung cho ngành chứng khoán

Ngày 30/7, HĐXX TAND TP Hà Nội đang nghị án dài ngày sau hơn 1 tuần xét hỏi, luận tội 50 bị cáo trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Thao túng thị trường chứng khoán”, xảy ra tại Tập đoàn FLC.

Một ngày trước, tòa cho các bị cáo nói lời sau cùng. Khi trình bày, ông Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC) với nhóm thuộc cấp xin HĐXX cân nhắc giảm nhẹ hình phạt để họ sớm về bên gia đình làm tròn chữ “hiếu”, được tiếp tục cống hiến cho xã hội.

Đối với nhóm 7 bị cáo là cựu lãnh đạo Sở giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE); Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, khi nói lời sau cùng đều bày tỏ ân hận.

Bị cáo Trần Đắc Sinh.

Bị cáo Trần Đắc Sinh.

Cụ thể, bị cáo Trần Đắc Sinh (cựu Chủ tịch HOSE) trong gần 10 phút phát biểu đã gửi lời xin lỗi Đảng, Nhà nước, vì đã không làm tròn nhiệm vụ; xin lỗi nhà đầu tư.

Ông Sinh cho hay, từ những năm 2000 được phân công lãnh đạo thị trường chứng khoán tập trung lớn nhất nước. Mục tiêu của ông là xây dựng thị trường phát triển vững mạnh, bình đẳng, nhưng sát thời điểm nghỉ hưu đã bị "con virus lừa đảo chui qua tất cả các cánh cửa", để cuối cùng vi phạm pháp luật.

Trong hơn 20 năm cống hiến cho ngành chứng khoán, ông Sinh tự hào vì thị trường đi lên, chiếm nhiều % trong GDP cả nước, được bạn bè thế giới quý trọng.

Theo ông, sự việc xảy ra liên quan đến FLC là lỗi lầm cá nhân và để lại nhiều bài học. Cá nhân ông không bao giờ tưởng tượng hành vi gian lận, lừa đảo kinh khủng, có ý đồ sâu sắc như vậy.

Cựu Chủ tịch HOSE mong thời gian tới có những chấn chỉnh để thị trường chứng khoán minh bạch, hiệu quả. Đồng thời, ông kiến nghị một số nội dung để hoàn thiện cơ chế chính sách, để những người làm chứng khoán đi sau ông có thể yên tâm.

Theo đó, ông kiến nghị Luật Doanh nghiệp cần xem xét lại vấn đề quản lý vốn điều lệ doanh nghiệp; cho phép Sở giao dịch chứng khoán có thể thuê một công ty kiểm toán khi cảm thấy nghi ngờ; thắt chặt hoạt động của các công ty kiểm toán, có hành lang pháp lý chặt chẽ để họ không vi phạm.

Sau cùng, ông Sinh chấp nhận phán quyết của tòa, xin HĐXX xem xét giữa công, tội, giảm án cho cán bộ khác.

Nhận thức chưa đầy đủ

Về phần mình, ông Lê Hải Trà (cựu Phó tổng giám đốc thường trực HoSE) cũng nêu những trăn trở về hành lang pháp lý hiện hành trong bối cảnh thị trường chứng khoán ngày càng phức tạp.

Ông nói, việc bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư luôn là "yêu cầu tối thượng" trong ngành chứng khoán. Hệ thống Luật Doanh nghiệp; Luật Chứng khoán đã lập ra những hàng rào, chốt chặn, để bảo vệ những lợi ích đó nhưng vì quá tin vào chuỗi những chốt chặn đó, mà chủ quan, thiếu thận trọng…

Vụ án xảy ra khiến ông xót xa, hối tiếc; sai phạm đã làm ảnh hưởng đến uy tín của Sở giao dịch Chứng khoán TPHCM, nơi ông dày công xây dựng hơn 20 năm qua.

Cựu Tổng giám đốc HOSE mong những bất cập còn tồn tại trong thị trường chứng khoán sẽ sớm được hoàn thiện để người quản lý, vận hành thị trường sau này giảm thiểu rủi ro không đáng có.

Trong lời nói sau cùng, bị cáo Lê Công Điền (Cựu Vụ trưởng Vụ giám sát công ty đại chúng, thuộc Ủy ban chứng khoán Nhà nước) cho rằng, sai sót xảy ra là bài học đáng tiếc. Ông không né trách nhiệm, xin tòa đánh giá bối cảnh phạm tội, không có vụ lợi.

Các bị cáo còn lại thuộc HOSE và Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam đều xin giảm nhẹ hình phạt vì hoàn cảnh khó khăn, nhận thức chưa đầy đủ.

Nêu quan điểm luận tội, đại diện Viện kiểm sát đề nghị phạt ông Trần Đắc Sinh 8 - 9 năm tù; Lê Hải Trà 6 - 7 năm tù; Trầm Tuấn Vũ (cựu phó tổng giám đốc, Phó chủ tịch hội đồng niêm yết HOSE) 6 - 7 năm tù; Lê Thị Tuyết Hằng (Giám đốc phòng quản lý và thẩm định niêm yết, thành viên Hội đồng niêm yết HOSE) 3 - 4 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Các bị cáo Lê Công Điền bị đề nghị 36 - 42 tháng tù; Dương Văn Thanh (cựu tổng giám đốc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam) 24 - 30 tháng tù; Phạm Trung Minh (cựu trưởng phòng Đăng ký chứng khoán thuộc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam) 18 - 24 tháng tù tội “Công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán”.

Nguồn: [Link nguồn]

Bào chữa cho bị cáo Trịnh Văn Quyết, luật sư đề nghị HĐXX xem xét vấn đề xác định bị hại và áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt cho bị cáo...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng An ([Tên nguồn])
Tỷ phú Trịnh Văn Quyết Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN