Lời khai đầu tiên của Nguyễn Thái Luyện CEO Alibaba tại tòa
"Trước tiên, tôi không lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Cáo trạng có nhiều điểm chưa đúng sự thật" - bị cáo Nguyễn Thái Luyện bắt đầu trả lời thẩm vấn.
Ngày 9-12, TAND TP.HCM bắt đầu phần thẩm vấn trong vụ án Nguyễn Thái Luyện và 22 bị cáo bị truy tố về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền.
Là người đầu tiên bước lên bục khai báo, bị cáo Luyện phủ nhận toàn bộ cáo buộc của VKS. Một dạ hai thưa chủ toạ, bị cáo Luyện cho biết mình học Đại học Mở, chuyên ngành kinh tế luật.
Người điều hành “tập đoàn” Alibaba cho rằng cáo trạng truy tố bị cáo lừa đảo có 8 điểm không đúng, gây oan sai cho bản thân mình. Nói về cáo trạng, Luyện trình bày: “Trước tiên, tôi không lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Cáo trạng có nhiều điểm chưa đúng sự thật. Trang 79 dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản là không đúng, bởi những hợp đồng mua bán là công khai, xuất bản nhiều cẩm nang đào tạo cho nhân viên và khách hàng trong việc mua bán bất động sản. Những tài liệu được phát hành nội bộ.
Hai anh em Nguyễn Thái Luyện tại tòa. Ảnh: H.YẾN
Hàng ngày, công ty mở bán công khai, giải đáp thắc mắc, có xe đưa đón khách hàng đi xem đất đai. Việc thu mua lại (các trang 3, 24, 28, 79, 8) là đúng quy định không trái pháp luật. Cáo buộc lừa đảo là mâu thuẫn với điều 174 BLHS". Luyện cũng “bẻ” cáo trạng khi ghi các bị can khác khai nhận, thừa nhận làm sai theo chỉ đạo của mình. Bị cáo Luyện khẳng định “Chỉ đạo đồng nghiệp là đúng quy định pháp luật. Tôi có kiến thức về luật, tham khảo hợp đồng công ty khác chứ không có nhận tư vấn thêm từ bất cứ người khác.”
Bị cáo Nguyễn Thái Luyện. Ảnh: NGUYỆT NHI
Bị cáo Luyện thừa nhận mình là người có quyền lực cao nhất tại công ty Alibaba. Trả lời chủ toạ, Luyện nói mình đưa ra chủ trương, mức giá đất, chỉ đạo thành lập các pháp nhân. Những người đứng đầu 22 công ty có 58 dự án mà cáo trạng nhắc đến thì đang là bị cáo trong vụ án. Mọi hoạt động của 22 pháp nhân thì phải báo cáo cho Luyện.
“Bị cáo mong muốn các đồng nghiệp trở thành chủ doanh nghiệp nhưng do năng lực, vốn nên chưa phát triển buộc bị cáo phải là người điều hành. Những người đứng đầu 22 công ty thì không được hưởng lợi mà được lương tại công ty địa ốc Alibaba” - Luyện trình bày.
Về bản thân, Luyện cho rằng mình có kinh nghiệm nhiều năm từ 2010-2016 làm môi giới bất động sản đã trải qua nhiều công ty, từng làm trưởng phòng kinh doanh cho công ty Kim Oanh trong hai năm…
Luyện cũng dành thời gian khá nhiều để nói về nguồn vốn mình có từ việc mua mảnh đất đầu tiên thế nào. Nguồn vốn được tích luỹ theo nhiều năm chứ không phải như cáo trạng là dùng một ít tiền cá nhân sau đó lấy tiền lừa đảo để gom đất. Về số tiền tích luỹ của bản thân, Luyện cho biết đầu năm 2017, từ chuyên viên môi giới thì chuyển sang đầu tư, lập dự án, tiền có được bán 2 lô đất, nhờ bố mẹ cầm cố nhà đi vay vốn ngân hàng, nhờ người thân đi vay, vay bạn bè đi mua đất…
Mức lương của nhân viên công ty là 6 triệu/tháng, còn trưởng phòng quản lý 6 người hoặc 10 người có lương phụ cấp quản lý và giám đốc quản lý 10 người trở lên. Giám đốc hoạt động không hiệu quả thì điều xuống làm nhân viên.
Đi vào việc hình thành các dự án, người điều hành “tập đoàn” Alibaba dẫn theo Luật đất đai thì người sử dụng đất có quyền chuyển nhượng nên mua lại đất để làm dự án. Trước khi mua sẽ tìm hiểu đất có quy hoạch đất ở hay không rồi sẽ mua, hợp nhất thành dự án. Bị cáo sẽ hiến một phần làm đường rồi phân lô đất còn lại. Cách làm của bị cáo dựa trên Luật đất đai và các quy định về tách thửa. Hầu hết tại quận 9 cũ các chủ đầu tư nhỏ lẻ đều có cách làm giống công ty bị cáo. Luyện lý giải đất nông nghiệp có quy hoạch đất ở thì có thể lập dự án, thu gom đất. Luyện đại diện cho bên mua, đối với đất trồng lúa là hộ nông dân làm người đại diện bên bán.
Về việc triển khai dự án, bị cáo này cho rằng trước khi có Luật Đất đai 2013 và Luật Kinh doanh bất động sản 2014 thì sẽ đi nhờ các mối quan hệ để xin triển khai. Các hành vi sai phạm liên quan tới việc tách thửa, không thể ra sổ nên không đúng.
Còn việc tăng vốn điều lên từ 1 tỉ lên 1.600 tỉ đồng sau chỉ một năm, Luyện giải thích ban đầu là môi giới nên lập công ty vốn ít, sau chuyển sang làm chủ đầu tư thì vốn lên 100 tỉ. Và sau đó có cổ đông góp vốn để thực hiện dự án Tây Bắc Củ Chi nên nâng lên 1.600 tỉ đồng.
Về quy mô “tập đoàn”, CEO Alibaba Nguyễn Thái luyện khẳng định nguồn vốn đăng ký thành lập doanh nghiệp là tiền của mình. Các công ty con phải nộp tiền. Các công ty con lập ra để thành lập dự án còn hoạt động phải thông qua công ty địa ốc Alibaba. Định hướng của công ty sẽ bao quát các hoạt động hết từ môi giới, chủ đầu tư, xây dựng hạ tầng dự án, truyền thông, vận tải, thời trang… Công ty vận tải để đưa khách mua đất, truyền thông nội bộ để tổ chức mua bán, sản xuất phim về mua bán bất động sản.
Nói về công ty thời trang, Luyện cho là thời trang Alibaba phục vụ cho hơn 2.600 nhân viên và định hướng phát triển lên thương hiệu thời trang công sở Alibaba. Về truyền thông, Luyện cho rằng các thông tin đưa lên mạng xã hội là đúng sự thật không có thêu dệt… Nhưng khi chủ toạ hỏi ai đứng đầu công ty thời trang Alibaba thì bị cáo Luyện không trả lời được, tương tự với công ty truyền thông. Theo Luyện thời gian lâu bị cáo không nhớ. Tòa nhắc có một phó tổng truyền thông Nguyễn Lê Hoàng Lan là bị cáo của vụ án.
Còn về số tiền thu từ khách hàng, Luyện khai trước khi vợ vào công ty thì có kế toán nhưng sau thì vợ quản lý, 22 công ty chưa có kế toán nên các khoản tiền nộp về Alibaba. Cũng theo CEO này, các công ty trên định hướng trở thành công ty độc lập nhưng chưa hoạt động hoạch toán nên mọi chi phí thông qua Alibaba và Alibaba không được lợi, không trốn thuế…
Phiên toà vẫn đang tiếp tục...
Tiền mất, gia đình tan vỡ, cuộc sống của nhiều bị hại trong vụ Alibaba bị xáo trộn bởi một phút hứa hẹn của môi giới và sự ham rẻ với "giá đất hời".
Nguồn: [Link nguồn]