Lời kể đầy ám ảnh của nạn nhân trong vụ sốc phản vệ ở Hòa Bình
Bà Lê Thị Rấm (Kim Bôi, Hòa Bình) nói: “Tôi vẫn còn ám ảnh với 8 người ra đi trong lúc chạy thận”.
Bà Bùi Thị Vân tâm sự: “Tôi rất buồn và nhớ những người nằm viện cùng.
Chưa hết bàng hoàng về sự cố
Chia sẻ với phóng viên tại Lễ tổ chức ra viện cho 10 bệnh nhân sau sự cố tai biến trong chạy thận ở Hòa Bình ngày 8/6, bà Bùi Thị Vân, 54 tuổi, Lập Sơn, Hòa Bình tâm sự trong nước mắt: “Tôi rất buồn và nhớ những người nằm viện cùng. Sự việc xảy ra đột ngột khiến tôi vô cùng đau xót. Những người chạy thận đã gắn bó với tôi nhiều năm, mọi người còn nhớ cả sinh nhật, chia sẻ cho nhau những câu chuyện về hoàn cảnh gia đình, bệnh tật. Chúng tôi ăn chung, ngủ chung, coi nhau như anh chị em trong nhà. Giờ họ mất đi rồi, nhưng những hình ảnh ấy vẫn ám ảnh trong tâm trí tôi”.
Bà Lê Thị Rấm (Kim Bôi, Hòa Bình) nói: “Tôi vẫn còn ám ảnh với 8 người ra đi trong lúc chạy thận. Tôi ám ảnh khi nghĩ về gương mặt thân quen, những người gắn bó với nhau gần chục năm trong bệnh viện".
Chị Bùi Thị Lan (Cao Phong, Hòa Bình, 29 tuổi) cũng là một trong những bệnh nhân may mắn thoát khỏi tử thần nhớ lại cảm giác chết đi sống lại lúc bị sốc phản vệ.
“Tôi tê chân, tê tay, đi tiểu nhiều rồi rét run, rồi ngất lịm đi, không biết gì nữa. Đến nay, sau khi được các bác sĩ cứu sống nhưng tôi vẫn chưa hết bàng hoàng về những gì đã xảy ra với tôi và những người bạn cùng chạy thận”, chị Lan nhớ lại.
Sau sự việc xảy ra, tất cả những bệnh nhân chạy thận bị sốc phản vệ đều cho biết, họ không hề oán trách các bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình vì nhân viên y tế đều rất tận tâm.
10 bệnh nhân được xuất viện
TS Dương Đức Hùng, Trưởng Khoa Kế hoạch Tổng hợp (BV Bạch Mai) cho biết, sau thời gian tiếp nhận, cấp cứu và điều trị cho 10 bệnh nhân, đến nay Hội đồng chuyên môn đánh giá tình trạng bệnh nhân ổn định như trước khi xảy ra tai biến và được xuất viện.
Chia sẻ thêm về những nỗ lực của các bác sĩ tại BV, TS Hùng cho biết, lúc cao điểm nhất, có tới 6 kíp cấp cứu các chuyên khoa lên Hòa Bình cùng đồng nghiệp cứu chữa cho bệnh nhân nặng.
“Có những giai đoạn chúng tôi hy vọng bệnh nhân Nguyễn Thị Bích Nguyên (người thứ 8 tử vong trong vụ tai biến) được cải thiện, hy vọng có phép màu với bệnh nhân. Tuy nhiên, đây là bệnh nhân chạy thận chu kỳ lâu, chức năng thận mất hoàn toàn, thể trạng không khỏe, đã gặp biến cố nặng nhiều lần ngừng tim, suy tới 6 tạng. Mặc dù không cứu được bệnh nhân nhưng đó cũng là kỳ tích của y học Việt Nam khi kéo dài được sự sống của bệnh nhân thêm 6-7 ngày”, TS.Hùng cho hay.
Nguyên nhân vụ tai biến chạy thận nghiêm trọng ở Hoà Bình vẫn chưa được công bố
Tới đây, Khoa Thận Nhân tạo (BV Bạch Mai) sẽ cùng với Khoa thận tại BV đa khoa Hòa Bình tái thiết lại việc chạy thận ở đây, để làm tốt nhiệm vụ tiếp đón các bệnh nhân và điều trị cho bệnh nhân.
Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cũng bày tỏ: “Trong cuộc đời công tác của mình, quyết định khó khăn nhất là dừng toàn bộ quá trình chạy máu lọc thận; sàng lọc 12 bệnh nhân còn sống và quyết định chuyển 10 bệnh nhân về Bạch Mai; điều chuyển hơn 100 bệnh nhân phải chuyển xuống Hà Nội để tiếp tục lọc thận theo đúng chu kỳ và cuối cùng là quyết định đề nghị BV đa khoa Hòa Bình trấn an tâm lý cho 1.000 bệnh nhân đang nằm viện điều trị tại đây.
Cục trưởng cũng cho biết, hiện nay, Bộ Y tế đang tập trung khắc phục đưa 100 bệnh nhân tiếp tục về Hòa Bình điều trị. Bộ cũng cấp 10 máy mới, đón các bệnh nhân từ BV đa khoa Hòa Bình để chạy thận và ổn định điều trị cho bệnh nhân.
Sáng 7.6, đại diện BVĐK Hòa Bình đã cung cấp thông tin về tình hình sức khỏe của 10 bệnh nhân trong vụ tai biến chạy thận.