Lợi gì khi nối ray ga Lào Cai với đường sắt Trung Quốc?

Sự kiện: Thời sự

Ban QLDA đường sắt vừa trình Bộ GTVT xem xét, thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án đấu nối ray giữa ga Lào Cai với ga Hà Khẩu Bắc.

Dự án đấu nối ray ga Lào Cai - ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc) đang được xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư để giải tỏa ách tắc, nâng năng lực vận tải đường sắt qua cửa khẩu.

Tổng mức đầu tư dự án dự kiến hơn 2.206 tỷ đồng.

Tàu hàng liên vận vận chuyển hàng xuất khẩu từ ga Lào Cai sang ga Sơn Yêu

Tàu hàng liên vận vận chuyển hàng xuất khẩu từ ga Lào Cai sang ga Sơn Yêu

Vận tải qua cửa khẩu tắc do “vênh” khổ đường

Đầu tháng 11/2021 tại ga cửa khẩu Lào Cai tấp nập các chuyến tàu vận chuyển hàng xuất khẩu từ cảng Hải Phòng, từ miền Nam ra dồn về. Chiều ngược lại, hàng phân bón từ Trung Quốc sang cũng nhộn nhịp theo tàu về cảng Hải Phòng và tỏa đi các tuyến.

Ông Hoàng Đình Tứ, Phó giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt Lào Cai, kiêm Trưởng ga liên vận quốc tế Lào Cai cho biết, năm nay hàng xuất khẩu qua cửa khẩu tăng cao nên sản lượng hàng xuất - nhập tại ga 10 tháng đầu năm 2021 tăng trưởng hơn 17% so với cùng kỳ năm 2020. Đơn vị cố gắng đạt kế hoạch năm cả năm 2021 vận chuyển hơn 700.000 tấn.

“Ngành Đường sắt nhiều năm qua phấn đấu đạt sản lượng khoảng 1 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thực hiện được do đường sắt Trung Quốc đã chuyển sang chạy tàu khổ 1.435mm từ lâu, chỉ duy trì tuyến ngắn khổ 1.000mm ở khu vực biên giới Hà Khẩu. Trong khi đó, ga Lào Cai, đường sắt Việt Nam vẫn chạy tàu khổ 1.000mm nên không đẩy được năng lực vận tải lên”, ông Tứ nói.

Cũng theo ông Tứ, hiện ga Lào Cai kết nối với ga biên giới Hà Khẩu bằng khổ đường 1.000mm. Từ ga Hà Khẩu, có 2 đường 1.000mm, một đường đi ga Sơn Yêu và một đường đi ga Hà Khẩu Bắc.

Ga Hà Khẩu Bắc là ga trung chuyển hàng hóa giữa tàu khổ 1.435mm và tàu khổ 1.000mm. Ga Sơn Yêu là ga cửa khẩu quốc tế thực hiện các thủ tục liên quan về giao nhận vận tải, hải quan, biên phòng, kiểm dịch…

Vì vậy, để tổ chức chạy tàu, đầu máy Việt Nam sẽ kéo tàu hàng từ ga Lào Cai qua ga Hà Khẩu sang ga Sơn Yêu để làm thủ tục giao nhận. Sau đó, mới kéo toa xe chở hàng Trung Quốc từ ga Sơn Yêu về ga Lào Cai cùng trên tuyến đường đơn khổ 1.000mm Hà Khẩu - Sơn Yêu.

Cũng trên tuyến Hà Khẩu - Sơn Yêu này, hàng sẽ từ ga Sơn Yêu đi tiếp ga Hà Khẩu Bắc để đi sâu nội địa Trung Quốc và ngược lại, hàng từ ga Hà Khẩu Bắc đi ga Sơn Yêu để xuất sang Việt Nam.

“Với khổ đường 1.000mm và cách chạy tàu như vậy rất phức tạp cả về tổ chức vận tải, bố trí sức kéo, tốn kém chi phí nhiên liệu, thời gian chạy tàu. Hơn nữa, tuyến Hà Khẩu - Sơn Yêu thành điểm nghẽn về hạ tầng, dễ ách tắc khi nhu cầu vận chuyển tăng cao”, ông Tứ nói.

Ông Lê Quang Dân, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho hay, không chỉ tuyến Hà Khẩu - Sơn Yêu quá tải, cả ga Hà Khẩu Bắc là ga tập kết, trung chuyển hàng hóa hai chiều xuất - nhập cũng thường xuyên ách tắc, nhất là khi tàu 1.435mm chuyên chở hàng phân bón SA, DAP của Trung Quốc về ga này, sang toa xe tàu khổ 1.000mm để xuất sang Việt Nam.

Chiều ngược lại, hàng quặng sắt từ cảng Hải Phòng sang cũng phải sang toa tàu 1.435mm. Việc sang toa, chuyển tải như vậy phát sinh chi phí, làm tăng giá thành vận tải.

“Nếu có đường lồng khổ 1.000mm và khổ 1.435mm từ ga Lào Cai nối với đường sắt Trung Quốc, tàu khổ 1.435mm của Trung Quốc có thể sang thẳng ga Lào Cai để tiếp chuyển hàng ngay tại ga, sẽ giảm được chi phí trung chuyển, đồng thời giảm ách tắc, tăng năng lực vận tải”, ông Dân nói.

Nâng năng lực vận chuyển lên 3 triệu tấn/năm

Được biết, Ban Quản lý dự án đường sắt vừa trình Bộ GTVT xem xét, thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án đấu nối ray giữa ga Lào Cai với ga Hà Khẩu Bắc.

Tổng mức đầu tư dự án dự kiến hơn 2.206 tỷ đồng; Nguồn vốn từ vốn ngân sách Nhà nước thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 phân bổ cho Bộ GTVT. Thời gian thực hiện từ năm 2022 - 2025.

Dự án sẽ xây dựng đường sắt khổ lồng với điểm đầu tại ga Lào Cai (Km 294+775) trên tuyến đường sắt khổ 1.000mm hiện có của đường sắt Việt Nam; điểm cuối là điểm chính giữa của cầu Hồ Kiều (mới).

Trong đó, sẽ xây dựng mới 2.850m tuyến đường lồng, từ đầu Bắc ga Lào Cai đến điểm giữa cầu Hồ Kiều mới. Về phía đường sắt Trung Quốc cũng sẽ đầu tư kinh phí xây dựng đường sắt khổ lồng từ ga Hà Khẩu Bắc đến cầu Hồ Kiều (mới) để nối ray với đường sắt Việt Nam.

Ban QLDA đường sắt cho biết, đã đề xuất phương án nhằm xử lý triệt để bình diện tuyến đường, nâng cao tốc độ khai thác, đáp ứng nhu cầu vận tải, an toàn, duy tu bảo dưỡng đơn giản hơn, tránh lãng phí.

Đồng thời, không ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng và đã được địa phương đồng thuận. Phương án này có thể đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa từ cửa khẩu Lào Cai về Hải Phòng tăng lên trên 3 triệu tấn/năm thời gian tới.

Ông Hoàng Đình Tứ cho biết, sau khi đầu tư sẽ rút ngắn được khoảng cách từ ga Hà Khẩu Bắc sang ga Lào Cai, chỉ còn khoảng 4km. Còn hiện nay, từ ga Lào Cai sang ga Sơn Yêu khoảng 9km, chưa kể đoạn Hà Khẩu - Hà Khẩu Bắc.

Cùng đó, tàu hàng 1.435mm ga Hà Khẩu Bắc - ga Lào Cai có thể đảm nhận được khối lượng lớn nguồn hàng hiện đang phải dỡ từ tàu 1.435mm tại ga Hà Khẩu Bắc và đi bằng ô tô ra cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai) để xuất sang Việt Nam.

Lượng hàng này rất lớn, mỗi ngày có khoảng 60 - 80 toa xe khổ 1.435mm về ga Hà Khẩu Bắc, tương đương khoảng 5.000 - 6.000 tấn.

Khi đó, tàu 1.435mm sẽ chạy thẳng sang ga Lào Cai để giải tỏa hàng, sau đó kéo hàng xuất Trung Quốc từ ga Lào Cai về.

Ngoài các mặt hàng truyền thống hiện nay như quặng, phân bón sẽ có thêm nhiều loại hàng khác như hàng trái cây xuất khẩu bằng container lạnh.

Thêm tuyến vận tải mới cho hàng xuất khẩu sang châu Âu

Dự án gồm 3 hạng mục chính. Đối với phần đường sắt, sẽ cải tạo khoảng 3km đường ga Lào Cai hiện tại thành đường khổ lồng 1.435mm và 1.000mm; Xây dựng đường xếp dỡ, kho bãi hàng đạt công suất 5 triệu tấn/năm...

Về phần hầm, dự kiến xây dựng mới 1.700m hầm đường sắt khổ lồng 1.435mm và 1.000mm. Đối với phần cầu, sẽ xây dựng mới khoảng 180m cầu bao gồm: Cầu Hồ Kiều mới phía Việt Nam vượt sông Nậm Thi dài khoảng 50m (toàn bộ cầu dài 100m) và khoảng 130m cầu vượt QL70.

Theo đại diện Ban Hợp tác quốc tế - KHCN, Tổng công ty Đường sắt VN, hiện tàu container đi châu Âu của Việt Nam đang đi tuyến khổ 1.435mm Yên Viên - Đồng Đăng - Bằng Tường - Nam Ninh, từ đây đi tiếp đến Trịnh Châu, Trùng Khánh... để tiếp chuyển vào đoàn tàu Trung - Âu đi sang châu Âu.

Tuy nhiên, nếu lập tàu container Lào Cai - Hà Khẩu Bắc - Trùng Khánh để đi tiếp châu Âu sẽ gần hơn vài trăm km, vì Trùng Khánh gần Côn Minh hơn.

Do đó, nếu kết nối được khổ 1.435mm tại cửa khẩu ga Lào Cai sẽ mở thêm một tuyến vận tải mới cho hàng xuất khẩu sang châu Âu.

Nguồn: [Link nguồn]

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chính thức vận hành

Sáng nay, Bộ Giao thông Vận tải đã chính thức bàn giao dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông cho Hà Nội. Dự án được đưa...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Kỳ Nam ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN