Lỗi "chính chủ": Lập biên bản chứ không phạt?
Người đó có thể không bị phạt nếu cảnh sát không có căn cứ chứng minh anh ta mua xe chậm sang tên đổi chủ. Dù lập biên bản lỗi chưa sang tên, có thể CSGT vẫn không đủ căn cứ xử phạt.
Liên quan chuyện một người đi đường ngày 13/11 bị CSGT TP. Thái Nguyên lập biên bản về hành vi "không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định", nhiều người cho rằng đây là trường hợp đầu tiên bị "xử phạt" về lỗi này.
Tuy nhiên, Thượng tá Hoàng Văn Ninh, Trưởng Phòng CSGT tỉnh Thái Nguyên cho rằng đây mới chỉ là biên bản vi phạm chứ chưa phải quyết định "xử phạt". Người đó có thể không bị phạt nếu cảnh sát không có căn cứ chứng tỏ anh ta mua bán xe chậm sang tên đổi chủ.
Sáng nay, 15/11, Thượng tá Hoàng Văn Ninh cũng xác nhận ông đã nắm được thông tin về chuyện lập biên bản vi phạm nói trên.
"Tôi được biết, người này vi phạm giao thông và bị CSGT chặn lại kiểm tra. Khi kiểm tra hành chính, người này tự nhận xe mình mua nhưng chưa sang tên đổi chủ." - Ông Ninh cho hay.
Với căn cứ đó, viên CSGT TP. Thái Nguyên đã lập biên bản đối với anh Mai Thành Nam (ở Hạ Long, Quảng Ninh) về hành vi này cùng 2 hành vi khác.
Biên bản xử phạt anh Mai Thành Nam về lỗi chưa sang tên, đổi chủ (Ảnh: Thế Kha - Người Lao Động)
Theo Trưởng Phòng CSGT tỉnh Thái Nguyên, đây mới chỉ là biên bản vi phạm hành chính chứ chưa phải là quyết định xử phạt. Nếu đến hẹn, anh Nam mang được giấy mua bán xe chưa quá hạn 30 ngày, đương nhiên CSGT sẽ không ra quyết định xử phạt về lỗi này.
Phóng viên nêu câu hỏi, nếu đến hẹn giải quyết, anh ta không xuất trình giấy tờ mua bán nào cả, và nói lại rằng xe mình đi mượn thì sao? Ông Ninh nói rằng, biên bản này do CSGT TP. Thái Nguyên lập. Cán bộ làm nhiệm vụ đó sẽ phải đề xuất với người có thẩm quyền ký quyết định xử phạt xem có xử phạt hay không.
"Nếu không có giấy tờ nào hay căn cứ chứng tỏ anh ta đã mua bán xe quá hạn, sẽ không có cơ sở để xử phạt. Trong trường hợp như vậy, theo tôi, người đó sẽ không bị phạt về lỗi này." - Người đứng đầu Phòng PC67 tỉnh Thái Nguyên nhận định.
Trước đó, công đồng mạng xôn xao vụ việc, ngày 13/11, Thượng sĩ Lưu Thị Hải Yến (Cán bộ Đội CSGT TP. Thái Nguyên) đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với anh Mai Thành Nam (ở Hạ Long, Quảng Ninh) về về 3 hành vi: "không đội mũ bảo hiểm", "không có gương chiếu hậu" và "không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định".
Hành vi thứ 3 anh này bị lập biên bản thuộc vấn đề đang khiến dư luận quan tâm thời gian qua.
Cũng xung quanh câu chuyện "không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định", theo số liệu thống kê tới ngày hôm qua của Đội đăng ký và quản lý phương tiện (Phòng CSGT Hà Nội), đã có 15 người bị xử phạt lỗi này.
Người đến làm thủ tục tại Đội đăng ký và quản lý phương tiện (PC67 - Công an TP. Hà Nội)
Một cán bộ của Đội cho biết, các trường hợp bị phạt đều do lỗi chậm sang tên đổi chủ, quá hạn so với quy định. Nghĩa là khi họ mua bán xe, đã lập giấy tờ mua bán hợp lệ, nhưng quá 30 ngày mới đến làm thủ tục sang tên đổi chủ.
Mấy ngày qua, chủ xe đến làm thủ tục, cán bộ đăng ký căn cứ vào thời hạn trên giấy mua bán đó, đã ra quyết định xử phạt.
Với việc chậm làm thủ tục sang tên, chủ xe bị xử phạt về lỗi "không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định". Mức phạt cho lỗi này với xe máy là 800 nghìn - 1,2 triệu đồng, với ô tô là 6 - 10 triệu đồng.
Trước đó, Bộ Công an đã gửi công điện tới các địa phương chỉ đạo, khi CSGT phát hiện người đi xe có giấy đăng ký xe không trùng với GPLX, người điều khiển nói đó là xe đi mượn, sẽ không bị lập biên bản về lỗi này.
Tại Hà Nội, CSGT Thủ đô cũng xác nhận, từ khi Nghị định 71 có hiệu lực, chưa lập biên bản hay xử phạt trường hợp nào đi trên đường về lỗi "không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định.
Liên quan Nghị định 71/2012/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, sáng nay, Công an TP. Hà Nội đã tổ chức tập huấn cho lực lượng CSGT và các đơn vị liên quan. Theo đó, từ 10/11, mức xử phạt một số lỗi vi phạm như về tốc độ, sai làn đường, chở quá số người quy định, nồng độ cồn... đã tăng lên khoảng 1,5 - 2,5 lần so với trước. Trong đó, mức phạt lỗi "không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định" tăng cao nhất, khoảng 7-10 lần trước đây. Trước ngày 10/11, chỉ phạt 2 triệu - 3 triệu đồng, nay tăng lên 8 triệu - 10 triệu đối với người điều khiển ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Còn xe máy, trước đây phạt 200 nghìn - 400 nghìn đồng, nay tăng lên 500 nghìn - 1 triệu đồng. Đây là mức vi phạm nhẹ nhất đối với xe máy. Riêng ô tô, chỉ cần trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là bị phạt ít nhất 2 triệu - 3 triệu đồng. |