Lời cảnh báo từ vụ tai nạn thảm khốc 6 người chết ở Gia Lai
Nếu đường sá không được duy tu thường xuyên; vi phạm không được xử lý kịp thời, hậu quả đau lòng có thể xảy ra bất cứ khi nào.
Vụ tai nạn giao thông (TNGT) thảm khốc trên tuyến đường liên xã Đắk Sơ Mei - Hà Đông, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai khiến 9 người thương vong hôm 9/2 là lời cảnh báo cho nhiều địa phương.
Vị trí chiếc xe tải rơi xuống vực từ tuyến đường liên xã khiến 6 người tử vong ở huyện Đắk Đoa hôm 9/2. Tuyến đường có độ dốc lớn và nhiều khúc cua rất nguy hiểm
Thiếu tiền nên ít quan tâm?
Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra hiện trường và thăm hỏi các thân nhân của gia đình bị nạn.
Đoàn công tác đã đến kiểm tra hiện trường vụ TNGT, là vị trí trên tuyến đường liên xã đoạn xã Hà Đông đi Đắk Sơ Mei (huyện Đắk Đoa) có độ dốc khá lớn và khúc cua. Một bên góc cua là vực rất sâu.
Theo Đại tá Lê Văn Hà, Phó giám đốc Công an tỉnh Gia Lai, với điều kiện thời tiết mùa này ở Tây Nguyên, nhất là ở các vùng đồi núi thì buổi đêm trời rất tối, sương mù dày đặc.
Trong khi đó đường hẹp, không có đèn chiếu sáng. Đặc biệt là đoạn đường có độ dốc dài hơn 4km.
Báo cáo với đoàn công tác của Ủy ban ATGT Quốc gia, lãnh đạo chính quyền địa phương một số sở, ngành tỉnh Gia Lai cho biết, vị trí xảy ra tai nạn nằm trên tuyến đường liên xã rất nhỏ, có đèo dốc quanh co liên tiếp, dốc dài.
Do kinh phí bảo trì của địa phương còn hạn chế nên dẫn đến tình trạng cây cỏ mọc che khuất; các biển báo cảnh báo vẫn chưa đảm bảo.
Theo ông Khuất Việt Hùng, quá trình khảo sát cho thấy tuyến đường nơi xảy ra vụ tai nạn thảm khốc quá dốc, nhiều khúc cua, nhiều vị trí đã xuống cấp.
Vì vậy, địa phương và các sở, ngành chức năng cần ưu tiên gắn các biển cảnh báo, rà soát các vị trí có nguy cơ xảy ra tai nạn; có ngay các giải pháp để giảm thiểu tai nạn.
Trao đổi với Báo Giao thông, lãnh đạo Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đắk Đoa cho biết, trên địa bàn có 2 tuyến đường liên xã và tuyến QL19D đi qua địa phương tiềm ẩn nguy cơ lớn về TNGT.
Trong đó, tuyến đường liên xã Đắk Sơ Mei đi Hà Đông có chiều dài hơn 24km đi qua địa hình đồi núi quanh co. Nhiều vị trí đường nguy hiểm với những đoạn dốc kéo dài, những khúc cua ngoặt rất nguy hiểm.
Tuy nhiên, thực tế tuyến đường này không có một hệ thống hộ lan nào. Bên cạnh đó, các biển cảnh báo, hệ thống gương cầu lồi vẫn chưa có.
“Toàn huyện có khoảng 886km đường nằm trong dự toán của việc duy tu, bảo trì, sửa chữa hàng năm. Tuy nhiên, huyện chỉ cân đối ngân sách và phân bổ được khoảng 2,6 tỷ đồng. Với tổng số km đường như ở Đắk Đoa thì ít nhất phải có 7 tỷ đồng mới đảm bảo được. Chúng tôi đã cân đối hết mức có thể, nhưng huyện nghèo nên không biết sao bây giờ?”, ông Trần Hưng Nghiệp, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đắk Đoa cho biết.
Ông Lê Văn Hạnh, Phó giám đốc phụ trách Sở GTVT tỉnh Gia Lai cho biết, tỉnh Gia Lai có diện tích đứng thứ 2 cả nước, nhiều khu dân cư nằm sâu trong vùng rừng núi địa thế hiểm trở.
“Ai cũng muốn có đường to, đường rộng cả. Thực tế nguồn thu của địa phương quá ít nên công tác duy tu bảo dưỡng ít được quan tâm”, ông Hạnh nói.
Tăng cường xử lý vi phạm để ngăn tai nạn
Để giải quyết tình trạng mất ATGT trên các tuyến đường ở địa phương vùng sâu vùng xa, ông Trần Hưng Nghiệp, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đắk Đoa cho biết, nhiều địa phương cũng có các cách xử lý như mua các trụ tiêu, các lốp xe hỏng đem sơn phản quang rồi chôn xuống lề đường để làm biển cảnh báo.
“Không có kinh phí thì buộc phải làm vậy mà thôi”, ông Nghiệp nói.
Trong khi đó, theo Đại tá Lê Văn Hà, Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng ở địa phương tiến hành kiểm tra, khảo sát và tham mưu đề xuất xử lý các vị trí điểm đen tiềm ẩn TNGT trên các tuyến đường như: tổ chức lắp đặt biển báo, cọc tiêu, hộ lan ở các vị trí đường quanh co, đồi dốc tiềm ẩn tai nạn.
Đặc biệt, lực lượng công an tỉnh Gia Lai sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, yêu cầu các lực lượng tuần tra kiểm soát để xử lý các vi phạm giao thông đường bộ, nhất là các tuyến đường liên xã để ngăn ngừa những vụ TNGT thảm khốc như hôm 9/2 vừa qua.
Trong vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng này, lái xe đã chở quá 7 người và nhiều tấn hàng hóa so với quy định.
“Chúng tôi đã yêu cầu lực lượng cảnh sát, công an xã bám địa bàn, vào cuộc và phối hợp lực lượng cảnh sát khác để giám sát các phương tiện vận tải cơ giới hoạt động sau 22h đêm đến 5h sáng hàng ngày”, Đại tá Hà nói thêm.
Khoảng 1h ngày 9/2/2022, tại tuyến đường liên xã Đắk Sơmei - Hà Đông, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai đã xảy ra vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng đối với xe ô tô tải chở mỳ (sắn) BKS 81C-111.25 do tài xế Huỳnh Đức Nguyên (SN 1983) điều khiển.
Thời điểm trên, chiếc xe bị lao xuống vực sâu, hậu quả làm 6 người tử vong gồm: Huỳnh Đức Nguyên (tài xế), Trần Văn Tâm (SN 1987), Dương Văn Dũng (SN 1984), Phan Văn Tuấn (SN 1990), Hguh (SN 1998, cùng trú huyện Mang Yang), Bùi Văn Tiện (SN 1974, trú huyện Đắk Đoa).
Ngoài ra, còn có 3 người bị thương gồm: Guêm (SN 1999), Gun (SN 1991) và Nguyễn Tấn Vinh (cùng trú huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai).
Điều đáng nói, chiếc xe chỉ được phép chở 2 người nhưng thực tế chở 9 người, tải trọng 16 tấn nhưng chở khoảng 30 tấn.
Trong vụ tai nạn thảm khốc ở Gia Lai, tài xế đã tử vong cùng với 5 người khác. Vậy trách nhiệm trong vụ tai nạn này được...
Nguồn: [Link nguồn]