Lốc tốc mái nhà, cây đổ, các công nhân dự án đường Vành Đai 3 phải nấp vào gầm bàn
Giông lốc kèm mưa đổ xuống địa bàn huyện Hóc Môn khiến cây đổ, nhà tạm là nơi ở của các công nhân, kỹ sư ở công trình thi công Đường Vành Đai 3 bị tốc mái, nhiều người phải nấp vào gầm bàn để tránh bị thương.
Chiều ngày 3-5, trong trận mưa kèm giông lốc lớn đổ xuống nhiều địa bàn quận, huyện tại TP.HCM đã gây một số thiệt hại.
Giông lốc thổi bay mái nhà
Cụ thể, dọc tuyến đường Quốc lộ 22, đoạn qua địa bàn huyện Hóc Môn, giông lốc khiến mái tôn một số căn nhà, nhà xưởng… bị thổi bay.
Trận giông lốc kèm mưa kéo dài khoảng 15 phút, gió mạnh khiến nhiều cây xanh, cổ thụ bị tét nhánh, bật gốc.
Giông lốc kèm mưa lớn đã khiến mái tôn hai căn nhà ở, làm việc, sinh hoạt... của các công nhân, kỹ sư làm việc tại công trình đường Vành Đai 3 bị tốc mái. Ảnh: NT
Ở ngay trước Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP.HCM (xã Tân Hiệp), một cây sanh cổ thụ cao hơn 10 mét bật gốc. May mắn, cây đổ vào phía đất trống nên không có ai bị thương.
Theo ghi nhận của PV, bộ rễ cây khá lớn nhưng bị bám nông trên mặt đất, cành lá của cây vẫn còn xanh tốt.
Tại khu vực công trình đang thi công đường Vành Đai 3 đoạn qua huyện Hóc Môn, giông lốc cũng khiến nhiều đoạn khung thép bắn tôn rào quanh công trình đoạn Quốc lộ 22 bị đổ. Gió còn khiến nhiều mảnh tôn bay xa chừng 10 mét.
Nhiều đồ đạc, giấy tờ, thiết bị bị nước mưa vào, nguy cơ hư hỏng. Ảnh: NT
“Mưa to gió lớn. Nhiều mảnh tôn bay khắp nơi vài chục mét, mắc cả trên mái nhà” – một người dân cho hay.
Tại khu vực công trình thi công dự án đường Vành Đai 3, hai dãy nhà tạm là nơi ở, làm việc, sinh hoạt của các kỹ sư, công nhân ở đây bị giông lốc làm tốc gần hết mái. Nhiều mảnh tôn, thép văng vương vãi khắp nơi.
Ở bên trong nhà, nhiều đồ đạc, giấy tờ, máy tính, thiết bị… của các kỹ sư, công nhân để ở trên bàn, trên tường… bị vào nước, nguy cơ hư hỏng.
Anh Cao Văn Tiến, Chỉ huy trưởng công trình ở khu vực cho biết, giông lốc lớn đã gây ra không ít thiệt hại.
“Lúc đó mưa ít nhưng gió mạnh nên mái tôn bay hết. Một số anh em làm ngoài công trình, một số anh em ở trong văn phòng phải chui vào dưới bàn để tránh bị thương vì tôn rơi” – anh Tiến nói và cho biết tổng diện tích hai căn nhà vào khoảng 180 m2.
Giông lốc cuốn đi nhiều mái tôn trúng vào cột điện, khiến cột điện bị nghiêng đổ ở khu vực công trình đường Vành Đai 3. Ảnh: NT
Theo anh Tiến, mưa lớn kèm giông lốc khiến mái nhà bị thổi bay, nước mưa rơi vào làm ướt hết vật dụng, các công nhân, kỹ sư tối nay sẽ phải ra khách sạn để ngủ. Sáng sớm mai sẽ lập tức khôi phục lại các căn nhà bình thường.
Mưa giông, cây đổ đè vào ô tô đang chạy
Trong giông lốc vào chiều cùng ngày, anh Phan Văn Với (36 tuổi, ngụ tỉnh Long An) chạy xe ô tô bảy chỗ biển số Long An trên đường Đặng Công Bỉnh đi từ KCN Tân Phú Trung về hướng Cầu Lớn.
Khi gần giao lộ với Quốc lộ 22, gần cầu An Hạ (xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn) thì bất ngờ một cây sanh khá lớn đổ ập xuống trúng vào xe ô tô.
Chiếc ô tô đang chạy trên đường Đặng Công Bỉnh, huyện Hóc Môn thì bị cây lớn đè trúng. Ảnh: NT
“Cành cây đập vào xe tạo ra tiếng động lớn. Tôi ngồi trong rất sợ nhưng may mắn không sao, xe chỉ bị móp” – anh Với nói và cho biết phía bảo hiểm thông báo chi phí sửa chữa xe hết hơn khoảng 15 triệu đồng.
Theo anh Với, thời điểm này anh đang chạy xe bình thường, trên xe chỉ có một mình tài xế.
Mưa giông lớn còn khiến nhiều cây cối tét nhánh, gãy đổ, mái tôn bị tốc trên địa bàn huyện Hóc Môn.
Từ khoảng 14 giờ 30 cùng ngày, mây đen kéo đến nhiều khu vực ở TP Thủ Đức, huyện Hóc Môn, Củ Chi… sau ít phút thì mưa lớn trút xuống kéo dài chừng 15 phút.
Chiếc xe hư hỏng nhẹ và tài xế may mắn không bị thương tích. Ảnh: NT
Mưa lớn sau thời gian nhiều ngày nắng nóng, oi bức đã khiến không ít người dân thích thú khi nền nhiệt ngoài trời được kéo giảm ít nhất cũng 4 độ C.
Theo dự báo khí tượng của Đài khí tượng thủy văn Nam Bộ, những giờ trước ở TP.HCM những khối mây có xu hướng phát triển và mở rộng về phía khu vực TP Thủ Đức. Mưa sau đó xuất hiện cục bộ ở khu vực huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn, TP Thủ Đức và một số vùng ở tỉnh Đồng Nai…
Một cây sanh cổ thụ trước Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP.HCM (xã Tân Hiệp) bị bật gốc. Ảnh: NT
Cũng theo dự báo, từ hôm nay các tỉnh Đông Nam Bộ mưa nhiều hơn, đến giữa tháng 5 chính thức vào mùa mưa.
Cơ quan khí tượng cũng khuyến cáo người dân tránh những cơn mưa đầu mùa vì có thể trong nước mưa có thể chứa các chất ô nhiễm. Một số người có thể bị sốc nhiệt do thay đổi nhiệt độ hoặc dầm mưa.
Sau cơn giông lốc rạng sáng ngày 25/4, một góc sân khấu của quán bar ở Hạ Long (Quảng Ninh) bị đổ sập.
Nguồn: [Link nguồn]