Loạt dự án trọng điểm ở TP HCM hoàn thành năm 2025
Loạt công trình lớn như ga T3, đường nối Trần Quốc Hoàn, nút giao An Phú, quốc lộ 50… hoàn thành năm nay kỳ vọng tạo đột phá cho hạ tầng giao thông thành phố.
Sau hơn hai năm khởi công, ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất sẽ đưa vào khai thác dịp 30/4, trở thành nhà ga phục vụ khách nội địa lớn nhất nước với công suất 20 triệu lượt người mỗi năm. Dự án có tổng mức đầu tư gần 11.000 tỷ đồng, do Tổng công ty hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư. Khi hoàn thành, cùng với ga T1 và T2 hiện hữu, ga T3 giúp tăng năng lực khai thác ở sân bay lên 50 triệu lượt khách mỗi năm, giảm ùn tắc cho Tân Sơn Nhất - một trong những "điểm đen" ùn tắc ở TP HCM.
Ga T3 gồm ba hạng mục chính: ga hành khách, nhà xe cao tầng kết hợp dịch vụ phi hàng không cùng hệ thống cầu cạn. Trong đó, nhà ga có một tầng hầm, 4 tầng nổi, xây trên diện tích 112.500 m2. Nhà ga bao gồm hai phần đi - đến riêng biệt, có 90 quầy thủ tục, 20 quầy bagdrop thả hành lý tự động, 42 ki-ốt check in, 27 cửa ra máy bay... Riêng hạng mục nhà xe kết hợp dịch vụ phi hàng không có hai tầng hầm, 4 tầng nổi, diện tích 130.000 m2.
Công trường ga T3 Tân Sơn Nhất cuối tháng 12/2024. Ảnh: Quỳnh Trần
Ông Lê Khắc Hồng, Trưởng Ban quản lý dự án ga T3, cho biết tiến độ chung công trình đến tháng 1/2025 đạt hơn 85%, các hạng mục đang bám sát kế hoạch. So với một số dự án khác, ga T3 triển khai trong điều kiện mặt bằng chật hẹp, lại sát khu vực bay đang khai thác nên quá trình thi công, từng khâu nhỏ cũng phải kiểm soát rất chặt để đảm bảo an toàn và tiến độ.
"Để đưa nhà vào khai thác đúng dịp 30/4 năm nay, việc thi công, lắp đặt hệ thống thiết bị ở công trình cần hoàn thành trước một tháng", ông Hồng nói, cho biết là thách thức rất lớn nên chủ đầu tư cùng các nhà thầu đang cố gắng hết sức để đảm bảo tiến độ.
Kết nối với ga T3, dự án đường Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, dài 4 km, cũng đang được TP HCM xây dựng phía ngoài với tổng vốn hơn 4.800 tỷ đồng. Sau khi thông xe hầm chui nút giao Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện đầu tuyến hồi tháng 8 năm ngoái, dự án mới đưa vào khai thác thêm đoạn nối đến đường Hoàng Hoa Thám, cùng ba vị trí dẫn vào ga T3 Tân Sơn Nhất, thuận lợi cho nhà ga này hoạt động từ 30/4. Các hạng mục lớn còn lại của tuyến đường nối cũng dự kiến hoàn thành năm nay, giúp giảm ùn tắc sẽ và mở thêm hướng tiếp cận sân bay thay vì chỉ có lối ra vào duy nhất trên đường Trường Sơn như hiện nay.
Hai dự án ở cửa ngõ Tân Sơn Nhất nằm trong loạt công trình giao thông lớn ở TP HCM đưa vào khai thác năm 2025. Tại cửa ngõ phía Đông và Nam, hai dự án trọng điểm khác cũng đang đồng loạt triển khai để hoàn thành năm nay là nút giao An Phú và mở rộng quốc lộ 50. Ngoài giảm ùn tắc, tai nạn, các công trình sẽ giúp tăng liên kết vùng cho thành phố.
Khởi công cuối năm 2022, nút giao An Phú tổng mức đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng, quy mô ba tầng, gồm: hầm chui hai chiều nối cao tốc Long Thành - Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ (phía hầm vượt sông Sài Gòn), kéo dài qua nút giao đường Đồng Văn Cống. Trên cao, hai cầu vượt được thiết kế cho xe rẽ đi các hướng; mặt đất có đảo tròn trung tâm cùng tháp biểu tượng được xem là điểm nhấn đặc biệt cho công trình.
Công trường dự án nút giao An Phú, tháng 12/2024. Ảnh: Hạ Giang
An Phú nút giao lớn và phức tạp nhất TP HCM vì là điểm kết nối nhiều trục đường quan trọng gồm: Mai Chí Thọ, Lương Định Của, cao tốc Long Thành - Dầu Giây và Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống. Với lưu lượng xe mỗi ngày hơn 20.000 lượt, đa phần là ôtô trọng tải lớn, nơi đây là điểm nóng ùn tắc ở TP HCM suốt nhiều năm qua.
Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM (chủ đầu tư), hiện nhiều hạng mục lớn thuộc dự án như cầu Bà Dạt, Giồng Ông Tố 2 đã thi công xong, các gói thầu chính khác như hầm chui, cầu cũng đang tập trung triển khai. Toàn bộ công trình dự kiến hoàn thành cuối năm 2025, ngoài giảm tải giao thông ở nút giao sẽ kết nối cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây sắp được mở rộng.
Tại cửa ngõ phía Nam, dự án mở rộng quốc lộ 50, huyện Bình Chánh cũng đang được đẩy nhanh để hoàn thành toàn bộ trong năm nay. Với tổng vốn gần 1.500 tỷ đồng, công trình gồm xây mới hơn 4 km đường song hành và mở rộng quốc lộ hiện hữu lên 34 m cho 6 làn xe. Khởi công cuối năm 2022, đến nay một phần tuyến song hành đã đưa vào khai thác, giúp giảm tải cho quốc lộ 50 hiện hữu và cải thiện tình hình giao thông ở khu vực.
Một công trình khác cũng được kỳ vọng là cầu Nhơn Trạch và đoạn Vành đai 3 qua TP Thủ Đức hoàn thành năm nay, tạo tuyến đường huyết mạch liên kết vùng. Trong đó, cầu Nhơn Trạch tổng mức đầu tư hơn 6.900 tỷ đồng do Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Giao thông Vận tải) triển khai, đang thi công vượt tiến độ, dự kiến khai thác dịp 30/4 tới.
Kết nối trực tiếp với cây cầu này, đoạn Vành đai 3 qua TP Thủ Đức được thiết kế đi trên cao, dài gần 15 km, cũng đang được thành phố đẩy nhanh tiến độ. Theo kế hoạch, đoạn vành đai này sẽ hoàn thành cuối năm nay, trong đó các hạng mục kết nối với cầu Nhơn Trạch thi công hoàn thành trước nhằm khai thác đồng bộ giữa các công trình.
Đoạn Vành đai 3 đi trên cao đoạn qua TP Thủ Đức đã rõ hình hài, dự kiến khai thác cuối năm nay. Ảnh: Gia Minh
Theo Phó chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường Vành đai 3 là dự án rất quan trọng khi là tuyến huyết mạch kết nối liên vùng, rút ngắn thời gian đi lại giữa TP HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An. "Đoạn trên cao đưa vào khai thác trước sẽ giảm áp lực giao thông khu Đông thành phố, góp phần vào mục tiêu quốc gia năm 2025 cả nước có 3.000 km cao tốc", ông Cường nói.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM, nói nhiều công trình lớn ở thành phố dự kiến hoàn thành năm 2025 là "thành quả" sau những nỗ lực lớn thời gian qua của ngành giao thông. Theo ông, các dự án trên khi khai thác ngoài giảm ùn tắc, tăng kết nối giao thông ở thành phố, còn mở ra không gian phát triển mới cho các khu vực, nhất là xung quanh các tuyến vành đai.
"Những dự án này sẽ mở thêm cơ hội phát triển kinh tế, xã hội và thay đổi diện mạo đô thị những nơi đường đi qua", ông Phúc nói, thêm rằng việc đầu tư các công trình hiện không chỉ nhằm mục đích giao thông mà còn được định hướng khai thác tối đa quỹ đất dọc bên theo mô hình TOD (phát triển đô thị lấy định hướng giao thông công cộng làm cơ sở).
TP HCM - Ga T3 tổng đầu tư 11.000 tỷ đồng đã hoàn thành kiến trúc thô, kết cấu thép, bêtông... đạt 83% khối lượng sau hơn một năm thi công, dự kiến...
Nguồn: [Link nguồn]
-01/02/2025 06:00 AM (GMT+7)