Loạt đại án nghìn tỷ đồng khó thu hồi tài sản
Đại án ngân hàng Hứa Thị Phấn, địa ốc Alibaba... và nhiều vụ án lớn khác mới thu hồi được một phần tài sản thất thoát do bị vướng mắc pháp lý, hoặc nằm ở nhiều địa phương.
Theo số liệu của Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp), giai đoạn 2013-2019, toàn quốc đã thu hồi được 32.300 tỷ đồng trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Riêng năm 2023, tổng tài sản tham nhũng thu hồi được là 20.400 tỷ đồng - cao nhất trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, đến tháng 11/2023, cả nước vẫn còn 83.000 tỷ đồng cần thu hồi trong các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi.
Như vụ án Vi phạm các quy định về quản lý đất đai; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí liên quan hai cựu chủ tịch Đà Nẵng liên quan Phan Văn Anh Vũ (Vũ "Nhôm") mới thu hồi được 5,3 tỷ đồng trong tổng số 4.200 tỷ đồng.
Vụ án này có 28 tài sản được tòa tuyên nhưng 22 tài sản có tranh chấp hoặc yêu cầu phân chia tài sản chung nhưng tòa án có thẩm quyền chưa thống nhất quan điểm xử lý.
Tương tự, vụ án Nguyễn Thái Luyện Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền, xảy ra tại Công ty cổ phần địa ốc Alibaba, mới có 82 tỷ đồng được thu hồi trong tổng số 2.445 tỷ đồng. Tổng cục Thi hành án dân sự giải thích, nguyên nhân là số lượng bị hại của vụ án rất lớn với 4.500 người. Tài sản cần thu hồi là 658 thửa đất nằm ở nhiều địa phương TP HCM, Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu... rất khó thi hành.
Sân vận động Chi Lăng được Đà Nẵng bán cho Tập đoàn Thiên Thanh và trở thành tài sản thi hành án sau khi Phạm Công Danh bị bắt, tháng 7/2014. Ảnh: Nguyễn Đông
Hay vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần xây dựng Việt Nam (giai đoạn một), đã có 6.700 tỷ đồng được thu hồi trong tổng số 11.700 tỷ đồng.
Một trong những nguyên nhân là khu phức hợp thương mại và dịch vụ sân vận động Chi Lăng dù bản án đã tuyên nhưng có vướng mắc, nên chưa thể thu hồi.
Đặc biệt, ở vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản liên quan đến đại gia Hứa Thị Phấn có tổng tiền và tài sản phải thi hành 42.700 tỷ đồng, nhưng mới thu hồi được 28.100 tỷ đồng. Số tiền chưa thu hồi được 14.600 tỷ đồng.
Theo Tổng cục Thi hành án dân sự, vướng mắc trong đại án này là dự án Bệnh viện đa khoa Phú Mỹ được tuyên để đảm bảo thi hành nhưng thực tế chưa hoàn thành, nên chưa thể xử lý tài sản.
Vụ án Trần Phương Bình và đồng phạm Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng cổ phần Đông Á (DAB), cơ quan thi hành án mới thu hồi được 251 tỷ đồng trong tổng số 3.900 tỷ cần thu hồi. 123 triệu cổ phiếu bị kê biên của Ngân hàng Đông Á chưa thể xử lý bởi nhà băng đang trong thời gian kiểm soát đặc biệt, cơ cấu lại và chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thời gian tới, Tổng cục thi hành án dân sự cho biết sẽ tập trung thu hồi có hiệu quả các tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Cơ quan này sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng pháp luật để gỡ khó về pháp lý cho công tác thu hồi tài sản. Chuyển đổi số sẽ được áp dụng vào thu hồi tài sản để rút ngắn thời gian, giảm thu tục hành chính và chi phí.
Nguồn: [Link nguồn]
Sân vận động (SVĐ) Chi Lăng liên quan đến bản án Phạm Công Danh trở thành hoang phế giữa trung tâm thành phố chờ định đoạt số phận sau khi bị xé nhỏ đem cầm cố ngân hàng. Hàng loạt bất động sản, dự án liên quan đến bản án của Phan Văn Anh Vũ (còn gọi Vũ “nhôm”) và các cựu quan chức, chính quyền lúng túng do vướng mắc dẫn đến khó khăn trong thi hành. Sau bao năm, tất cả đang chờ quyết định từ Trung ương để Đà Nẵng xử lý hậu kỳ.