"Lò nóng lắm rồi, không muốn thêm nhiều củi khi đặc khu ra đời"

"Lò đã nóng lắm rồi, không ai muốn thêm nhiều củi vào lò khi đặc khu ra đời", ĐBQH Trương Trọng Nghĩa góp ý khi thảo luận luật về đặc khu.

"Lò nóng lắm rồi, không muốn thêm nhiều củi khi đặc khu ra đời" - 1

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa

Thảo luận ở hội trường Quốc hội về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (đặc khu) sáng 23/5, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đã có một bài phát biểu khá tâm huyết góp ý cho việc xây dựng các đặc khu kinh tế.

Hy sinh ưu đãi để được lợi ích gì, bao nhiêu và cho ai?

Ông Nghĩa đồng tình cần những đột phá trong thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, phục vụ phát triển đất nước trong những năm tới, nhưng lưu ý thực tiễn từ một số nước khác khi nhiều dự án có chủ trương đúng nhưng lại thất bại gây tổn thất.

"Khi kiểm điểm, kỷ luật hay xét xử trước toà, những người có trách nhiệm thường lấy lý do quá nôn nóng nên chạy theo thành tích, vì vậy dù đã có quyết định về chủ trương nhưng theo tôi trách nhiệm của QH thiết kế các Luật và nghị quyết để đảm bảo thực hiện chủ trưương đó đúng pháp luật và có hiệu quả cao nhất, vì lợi ích tối ưu của đất nước, của nhân dân" - ông Nghĩa kiến nghị.

Góp ý về các chính sách cụ thể ĐBQH Trương Trọng Nghĩa lưu ý, việc thành lập các đặc khu kinh tế không chỉ là thành lập các đơn vị hành chính kinh tế thông thường mà là một trong những dự án đầu tư công rất lớn.

Ông phân tích, chúng ta dành ra nhiều ngàn kilomet vuông đất liền, hàng chục nghìn kilomet vuông vùng biển với những tài nguyên thiên nhiên thuộc loại giàu đẹp nhất của nước ta để mời gọi đầu tư.

Tại những khu vực này, Nhà nước đã đầu tư hàng trăm nghìn tỷ vào đường xá, điện nước, sân bay, bến cảng... Theo tài liệu của Đề án sẽ phải đầu tư 1,5 triệu tỷ đồng vào hạ tầng kỹ thuật, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, sự ưu đãi, hào phóng từ thuê đất, thuê mặt nước và chính sách thuế như đề xuất của các bộ, ngành, địa phương cũng chính là những khoản đầu tư tài chính cực lớn từ ngân sách. Toàn bộ tổ chức bộ máy hành chính của chúng ta, sự di dời sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm nghìn dân đều phục vụ cho các nhà đầu tư của 3 đặc khu này.

"Vậy câu hỏi tất yếu là trong 10 năm, 20 năm hay 50 năm tới, tất cả những khoản đầu tư ấy sẽ đem lại những lợi ích gì, bao nhiêu, và cho ai?" - ông Nghĩa đặt vấn đề.

Theo ông, nhiều chuyên gia và cử tri lưu ý rằng đây là những vùng đất có tiềm năng rất lớn và hấp dẫn, ngay cả khi chưa có những ưu đãi của luật này. Tất cả 3 đặc khu hiện nay đất giá cao ngất ngưởng và đã có chủ, thuộc 2 loại chủ: đất của nhà đầu tư chào bán lại và đất của những nhà đầu tư đã tiến hành dự án, đã kinh doanh, khai thác, hoặc đang chờ ưu đãi để triển khai dự án.

Cử tri đang chờ các ĐBQH phân tích, trả lời chính xác câu hỏi: "Chúng ta hy sinh ưu đãi để được những lợi ích gì, và bao nhiêu, cho ai? Bài toán kinh tế chúng ta sẽ được và mất những gì về văn hoá xã hội, an ninh quốc phòng?".

Câu trả lời tất yếu, theo ông Nghĩa, chúng ta phải được nhiều so với những chi phí, tổn thất đã bỏ ra và gánh chịu, ba đặc khu phải góp phần làm cho nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn, với công nghệ hiện đại hơn, có chất lượng và hiệu quả cao hơn, bảo đảm môi trường xanh, sạch hơn, đời sống vật chất, văn hoá của người dân sở tại phải tốt hơn. Cùng với đó, chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền kinh tế được bảo vệ vững chắc hơn. Cuối cùng phải tạo ra Việt Nam văn minh, hiện đại hơn.

Thiết kế Luật phải "mở cửa cho bạn bè", chứ không "mời kẻ cướp vào nhà"

Tiếp đó, ông Nghĩa nói dù đặc khu kinh tế có những quy định khác với Luật pháp hiện hành nhưng không được trái với Hiến pháp, nguyên tắc cơ bản của pháp luật việt Nam. Do đó cần có quy định rõ những quyết định, hành vi trái Hiến pháp thì vô hiệu. Có những Luật thiết kế các điều cấm nhưng Luật này chưa thấy.

Về vấn đề lãnh thổ của 3 đặc khu, vị ĐBQH này cho rằng đều liên quan tới biển đảo và hàng chục nghìn km2 lãnh hải vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước ta, liên quan chặt chẽ đến chủ quyền trên biển. Từ Vân Đồn đến Hải Nam chỉ có 200 hải lý, vịnh Vân Phong rất gần với quần đảo Trường Sa. Vì thế ông đề nghị quy định rõ việc đầu tư sử dụng khai thác vùng biển và tài nguyên nước phải tuân theo luật biên giới, luật biển và Luật tài nguyên nước.

Ông cũng đề nghị bỏ thời hạn thuê đất 99 năm, vì không có vòng đời của dự án đầu tư nào kéo dài đến 99 năm. Theo ông, thời hạn này thực chất là ưu đãi bổ sung để nhà đầu tư cuyển nhượng sau khi khai thác xong hoặc thay đổi dự án giữa chừng mà không phải thu hồi đất. Thậm chí theo ông, đây là hình thức nhường địa mà chỉ những nước nghèo đói hoang sơ cần đến.

Đặt câu hỏi "Có cần cho phép tới 3 casino không, có quản lý nổi loại hình giải trì này", ông Nghĩa dẫn chứng Singapore cũng chỉ cho mở 1 casino nhưng sau nhiều năm cấm đoán và cũng phát sinh nhiều hệ luỵ xã hội. Ông đề nghị chỉ cho mở 1 casino và cân nhắc nhiều khía cạnh khi quyết định. 

Quan điểm đề án cho rằng khi dành nhiều ưu đãi sẽ góp phần bảo vệ chủ quyền thì chỉ đúng 1 nửa, vì có những quốc gia họ đến, đi chỉ quan tâm tới lợi ích kinh tế, nhưng có quốc gia lại cần tài nguyên, lãnh thổ nước khác. Họ di dân tới tìm mọi cách ở lại, chi phối chính trị, an ninh quốc phòng, đã có ví dụ nhãn tiền, nên luật phải thiết kế chỉ mở cửa cho bạn bè chứ không phải "mời cướp vào nhà". Nếu kẻ cướp giả làm bạn tốt thì phải có chế tài.

Dự luật hiện dành nhiều ưu đãi khá dễ dãi nhiều cho các nhà đầu tư nước ngoài. Do đó cần rà soát chặt chẽ nhà đầu tư chiến lược, để đặc khu thu hút nhà đầu tư công nghệ cao lựa chọn đặc khu chứ không chỉ thu hút các nhà đầu tư bất động sản, casio.

Ông Nghĩa nhấn mạnh, lộ trình thành lập các đặc khu chỉ nên làm trước 1 đặc khu để rút kinh nghiệm chứ không nên làm đồng loạt.

"Lò đã nóng lắm rồi, không ai muốn có thêm nhiều củi vào lò khi đặc khu ra đời" - ông Nghĩa cảnh báo và cho rằng nếu thông qua luật này trong kỳ họp tới cùng với đề án lập 3 đặc khu thì cử tri sẽ yên tâm hơn.

Trung Quốc xâm phạm sâu vùng biển của Việt Nam

Ngư dân Trung Quốc đánh bắt sâu trong vùng biển của Việt Nam, cách khu vực đảo Lý Sơn chỉ 40-50 hải lý.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Thư - Hoàng Ngân (Báo Giao thông)
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN