Lộ diện “thủ phạm” khiến hồ nước hơn 10ha chuyển màu hồng

Sự kiện: Bà Rịa-Vũng Tàu

“Thủ phạm” khiến cho hồ nước rộng hơn 10ha chuyển sang màu hồng, bốc mùi hôi thối ở huyện Tân Thành (Bà Rịa-Vũng Tàu) đã bị đình chỉ hoạt động.

Lộ diện “thủ phạm” khiến hồ nước hơn 10ha chuyển màu hồng - 1

Hồ nước rộng hơn 10ha chuyển sang màu hồng do bị ô nhiễm

Liên quan đến vụ việc hồ nước rộng hơn 10ha ở huyện Tân Thành bất ngờ chuyển sang màu hồng và bốc mùi hôi thối, ông Nguyễn Dũng – Phó Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết, Thanh tra Sở đang chờ kết quả xét nghiệm mẫu nước thải để hoàn tất hồ sơ làm căn cứ xử phạt doanh nghiệp vi phạm.

Trước đó, ngày 27/3, sau khi nhận được phản ánh của người dân, Thanh tra Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh phối hợp với cảnh sát môi trường tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu kiểm tra các doanh nghiệp đang hoạt động ở khu vực hồ trước cống số 6 (xã Tân Hải, huyện Tân Thành).

Qua kiểm tra 4 doanh nghiệp có mức độ xả thải lớn, lực lượng thanh tra phát hiện một doanh nghiệp vi phạm xả thải ra môi trường.

“Doanh nghiệp Hòa Thắng chế biến thủy hải sản, làm chả cá đang trong diện đình chỉ hoạt động nhưng vẫn hoạt động chui và xả thải. Hiện chúng tôi đã yêu cầu doanh nghiệp ngưng hoạt động và lấy mẫu nước thải xét nghiệm. Sau 7 ngày có kết quả sẽ lấy đó làm căn cứ xử phạt hoặc nếu nghiêm trọng có thể cho đóng cửa”, ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, khu vực hồ nước thôn Cát Hải (xã Tân Hải, huyện Tân Thành) được gọi là hồ trước cống số 6. Diện tích của hồ khoảng hơn 10ha. Đây là hồ nước điều tiết thủy lợi dùng để xả lũ về mùa mưa, ngăn mặn xâm lấn đất nông nghiệp cho địa phương.

Không phải mới đây khu vực hồ nước này mới ô nhiễm mà ông Dũng cho hay, từ hơn 10 năm trước, 14 doanh nghiệp chế biến thủy hải sản được thành lập gần hồ nước. Từ khi các doanh nghiệp hoạt động, khu vực này trở thành một trong những “điểm đen” về ô nhiễm môi trường tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Đặc biệt là sự cố các doanh nghiệp xả thải khiến sông Chà Và ô nhiễm, cá chết hàng loạt cuối năm 2016. Sau sự cố, một số doanh nghiệp bị đình chỉ hoạt động còn một số chỉ được hoạt động tạm với 10% công suất.

Giải thích về màu hồng của nước hồ, ông Dũng nói: “Do nước bị ô nhiễm hữu cơ lâu ngày, gặp thời tiết thuận lợi nên một số tảo độc phát triển nên có màu như vậy”.

Ông Dũng cho biết thêm, hiện UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có phương án di dời 5 cơ sở có lượng nước thải lớn ra khỏi khu vực để đảm bảo môi trường, trong đó đã có 2 cơ sở được cấp đất vào KCN Đất Đỏ (huyện Đất Đỏ).

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng triển khai đề án phối hợp với viện môi trường để xử lý hồ nước trước cống số 6. Trong đó, sẽ thực hiện 2 nhiệm vụ, vét toàn bộ trầm tích đem đi xử lý, kiểm soát đóng cống số 6 theo thủy triều để đảm bảo đời sống cho người dân xung quanh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Bà Rịa-Vũng Tàu Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN