Lộ diện những “diễn viên” xuất sắc trong phiên xét xử “Tịnh thất Bồng Lai”
5 đoạn clip vi phạm của nơi gọi là “Tịnh Thất Bồng Lai” được phát tại phiên tòa để HĐXX xét hỏi đều rõ ràng, liền mạch nhưng các bị cáo khi được hỏi đều phủ nhận và "diễn xuất" quá thành thục, thậm chì còn yêu cầu HĐXX mở lại để xem cho rõ hoặc trả lời không thấy, không xem được, không nghe, mắt mờ, đứng quá xa hay "không trả lời"…
14h chiều 20/7, phiên xét xử vụ “Tịnh thất Bồng Lai” tiếp tục. Hội đồng xét xử (HĐXX) nhắc nhở những người tham gia phiên tòa cần phải tôn trọng phiên tòa, đúng văn hóa phiên tòa. Buổi xét xử chiều 20/7, tiếp tục phần hỏi cung những tình tiết trong 5 clip vi phạm mà những bị cáo sống tại nơi tự gọi là “Tịnh thất Bồng Lai” đăng tải trên mạng xã hội (Facebook và Youtube).
Đoạn clip ghi cảnh gây rối đòi người (đòi Diễm My) tại Công an huyện Đức Hòa, khi được hỏi, Nhất Nguyên Hoàn Nguyên, Trùng Dương có lúc phủ nhận, có lúc cho hay, không xác định được ai là người trong “Tịnh thất Bồng Lai” có mặt trong đoạn clip; không nhớ, không biết, không kiểm soát và nói các đoạn clip trên được chỉnh sửa, cắt ghép. Các bị cáo đều phủ nhận, cho rằng các kênh Youtube trên không do các bị cáo lập ra.
Những đoạn clip vi phạm được phát tại tòa.
Các bị cáo khi được hỏi đều phủ nhận các tình tiết hoặc không trả lời.
Sau khi trình chiếu clip "Thông báo kết quả khẩn cấp vụ án 50 người" do tài khoản "5 chú tiểu", chủ toạ liên tục thẩm vấn các bị cáo theo tình tiết, câu nói trong đoạn clip. Bị cáo Hoàn Nguyên xác nhận người trong clip là mình nhưng không nhớ ai quay đoạn clip. Bị cáo cho rằng mục đích xuất hiện đoạn clip này là để mọi người biết diễn biến vụ "xâm nhập gia cư bất hợp pháp".
Về những câu nói trong clip, bị cáo Nhất Nguyên cũng khăng khăng: "Tôi không xác định được có phải tôi nói không. Tôi muốn các luật sư của tôi tham khảo và trả lời thay tôi". Bị cáo Nhất Nguyên thừa nhận có tạo tài khoản "5 chú tiểu" và đăng rất nhiều clip về đời sống sinh hoạt trong “Tịnh thất Bồng Lai” để tăng thu nhập cho những người sống tại nơi này.
Bị cáo Hoàn Nguyên thừa nhận mình có nói một câu xúc phạm ông Thích Nhật Từ. Bị cáo này cũng thừa nhận mình có dàn dựng một clip với nội dung "phim hài chiếu rạp" đăng trên tài khoản "5 chú tiểu". Khi được hỏi những thông tin liên quan đến vụ xảy ra tại trụ sở Công an huyện Đức Hòa, bị cáo Nhị Nguyên liên tục cho rằng không rõ nguồn gốc của clip, mục đích của clip nên không trả lời.
Lực lượng an ninh đảm bảo trật tự tại phiên tòa.
Quay qua phần xét hỏi những bị hại về đoạn clip quay cảnh lộn xộn tại trụ sở Công an huyện, bị hại Nguyễn Sơn - Trưởng Công an huyện Đức Hòa cho rằng các nội dung này đã được giám định, có nội dung xuyên tạc, xúc phạm ngành Công an và yêu cầu được xử lý theo pháp luật. Nhân chứng Trần Quốc Thắng - Cán bộ Công an huyện Đức Hòa cho rằng mình có nhận được tin báo tội phạm về việc giam giữ, giữ người pháp luật liên quan đến Võ Thị Diễm My và được chỉ định để xử lý vụ việc. Trong lúc điều tra, nhân chứng Thắng đã mời một số người liên quan trong đơn tố cáo lên trụ sở cơ quan Công an làm rõ, trong đó có Diễm My. Thời điểm này Diễm My không hợp tác, cha mẹ Diễm My cũng có mặt bảo lãnh nên ông Thắng đã cho cha mẹ Diễm My đón Diễm My về. Về thông tin Công an huyện Đức Hòa giam giữ người trong trụ sở, ông Thắng khẳng định đó là sự vu khống.
Phiên tòa sẽ tiếp phần tranh luận vào 8h ngày 21/7.
Đại diện Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh Long An cho rằng việc giám định các clip trên là hoàn toàn theo đúng quy định yêu cầu HĐXX, nhằm xem xét các hậu quả mà những clip này gây ra khi đăng tải, lan truyền mạnh trên mạng xã hội.
Tại phiên tòa, ông Võ Văn Thắng - cha Diễm My cho biết, khi làm việc với Công an huyện Đức hòa, thấy Diễm My có biểu hiện tinh thần bất thường nên đã xin bảo lãnh Diễm My về nhà. Sau đó, Diễm My tiếp tục bỏ đi và đến nay gia đình vẫn chưa gặp mặt Diễm My.
Khi được chủ tọa hỏi vì có liên quan đến một đoạn clip có nội dung “mạo danh Đức Phật”, bị cáo Cao Thị Cúc cho biết không nhìn rõ, không nhận ra được hình ảnh trong clip dù được đưa lên sát màn hình. Ngoài ra, bị cáo Cao Thị Cúc đã xin giữ im lặng trước một số câu hỏi của chủ tọa, đồng thời cho rằng một số đoạn clip đã được cắt ghép.
Đại diện VKS hỏi: “Ai là người quay clip ở Công an huyện Đức Hòa”, bị cáo Nhất Nguyên lại giở "điệp khúc" không biết, do thời gian quá lâu. Nhưng bị đại diện VKS vặn hỏi, bị cáo Nhất Nguyên lại viện lý do khủng hoảng tâm lý nên trả lời quanh co. VKS tiếp tục xét hỏi bị cáo Hoàn Nguyên về những hình ảnh trong các clip là ai quay...? Như học thuộc lòng, bị cáo Hoàn Nguyên cũng trả lời bằng điệp khúc “không biết, xin phép không trả lời câu hỏi”.
Bị cáo Nhị Nguyên cũng vậy, cũng cùng một điệp khúc "không nhớ, không biết", còn nếu có trả lời cũng chỉ mập mờ hoặc sử dụng quyền im lặng. Quá trình VKS xét hỏi, luật sư của bị cáo liên tục chen lời khiến chủ toạ phải nhắc nhở. Đại diện VKS cũng phải nêu quy định tại toà, yêu cầu luật sư phải tuân thủ khi người khác đang xét hỏi
Đại diện điều tra viên của Cơ quan an ninh điều tra - Công an tỉnh Long An cho rằng toàn bộ quá trình tố tụng, điều tra đều thực hiện khách quan, đúng pháp luật. Quá trình làm việc và điều tra đều ghi âm, ghi hình lại. Về việc một số bị cáo nói bị đánh, ép cung trong quá trình điều tra, đại diện Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Long An khẳng định không có việc cán bộ đánh đập, dùng nhục hình với các bị cáo. Bị cáo nói bị đánh thì đề nghị đưa ra chứng cứ..
Phần tranh luận giữa các luật sư phía bị cáo đối với những bị hại diễn ra khá gay gắt. Hai bên đều đưa ra những chứng cứ, lập luận để giữ quan điểm của mình. Khi luật sư bị cáo hỏi bị cáo Cao Thị Cúc về quá trình bà và Diễm My làm việc với cơ quan điều tra, bà Cúc trả lời rành rọt, rõ ràng đến từng chi tiết mặc dù trước đó khi chủ tọa, VKS hỏi, bị cáo Cúc “nhớ nhớ quê quên, không nhìn rõ, không biết”... Bị cáo Hoàn Nguyên, Nhất Nguyên cũng vậy…
Những người liên quan có mặt tại tòa.
Khi luật sư Tô Thị Hoàng Anh hỏi bị cáo Hoàn Nguyên rằng từng cầm một tờ văn bản, đó là văn bản gì, trước điều tra viên Trần Quốc Thắng đã từng làm gì, nói gì, ai là người điều tra việc 50 người xâm nhập gia cư bất hợp pháp… thì trí nhớ của Hòa Nguyên “phục hồi” một cách nhanh chóng, có thể nhớ từng hành vi, chi tiết của mình cũng như của các điều tra viên…
Đông đảo phóng viên tham dự phiên tòa.
Quá trình xét hỏi, luật sư Hoàng Anh và một luật sư khác đôi khi đã “khéo léo” đưa những tình tiết không liên quan, nằm ngoài vụ án khiến chủ tọa HĐXX phải nhắc nhở. Trả lời luật sư , ông Nguyễn Sơn, đại diện bị hại, nhưng cũng với tư cách là Trưởng Công an huyện Đức Hòa, đã giải thích rõ cho HĐXX, các luật sư, những người tham dự phiên tòa về những vấn đề xoay quanh vụ án.
Bị cáo Lê Tùng Vân do tuổi cao, sức yếu được đưa ra khỏi phòng xét xử, ở một phòng riêng, đến 17h25, khi phần tranh luận giữa các luật sư bị hại đang tiếp diễn, bị cáo Lê Tùng Vân xin trở lại phiên tòa để tiếp tục.
Luật sư bị cáo đặt câu hỏi đối với những bị hại.
Phía đại diện luật sư bị hại hỏi bị cáo Cao Thị Cúc những vấn đề liên quan đến bị cáo Lê Tùng Vân và những người sống tại nơi gọi là “Tịnh thất Bồng Lai”, bị cáo Cúc lại viện lý do sức khỏe nên không trả lời. Cùng câu hỏi, bị cáo Hoàn Nguyên, bị cáo Nhất Nguyên, cũng liên tục “tôi không trả lời”.
Khi đặt câu hỏi với bị cáo Lê Tùng Vân, HĐXX yêu cầu luật sư bị hại đặt câu hỏi ngắn gọn vì bị cáo Lê Tùng Vân tuổi cao sức yếu. Luật sư bị hại hỏi bị cáo Lê Tùng Vân có phải xuất thân từ Phật giáo? Bị cáo Vân khẳng định không phải xuất thân từ Phật giáo.
Phiên tòa tạm dừng lúc 18h23. Phần tranh luận sẽ tiếp tục vào 8h ngày 21/7.
Nguồn: [Link nguồn]
Bị cáo Lê Tùng Vân thừa nhận mình là người đã đặt tên "Tịnh thất Bồng Lai" cho hộ bà Cao Thị Cúc và tự đặt pháp danh cho mình là Thích Tâm Đức.