Lộ diện nhóm khủng bố đáng sợ hơn Al Qaeda
Nhóm khủng bố Lashkar e Tayyiba tấn công Mumbai (Ấn Độ) vào năm 2008 giờ đây được cho là còn nguy hiểm hơn Al Qaeda gấp nhiều lần.
Việc bắt giữ Sayeed Zabiuddin Ansari - còn có biệt hiệu là Abu Jindal - tại sân bay New Delhi vào cuối tháng trước là một bước đột phá trong việc điều tra vụ tấn công khủng bố dã man nhất kể từ sau vụ 11/9. Abu Jindal là một trong những kẻ chủ mưu của vụ tấn công tháng 11/2008 tại thành phố Mumbai khiến 166 người thiệt mạng, bao gồm 6 người Mỹ. Tên này đã khai nhận vai trò của mình và ngầm ám chỉ ban giám đốc của Cơ quan tình báo Pakistan (ISI) có liên đới khi vụ việc xảy ra.
Vụ tấn công tháng 11/2008 do mười tên khủng bố Lashkar e Tayyiba (LeT) thực hiện nhằm vào nhiều mục tiêu tại Mumbai, Ấn Độ. Sự kiện này đánh dấu sự trưởng thành của nhóm LeT: từ một nhóm khủng bố Pakistan có cơ sở tại Punjab chuyên nhằm vào Ấn Độ giờ đây đã trở thành một thành viên của nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan tấn công các kẻ thù của Al Qaeda. LeT sử dụng điện thoại di động và công nghệ GPS để khủng bố toàn bộ một thành phố và thu hút sự chú ý của toàn cầu trong suốt 3 ngày. Những kẻ chủ mưu của LeT đã tiến hành các hoạt động tại các trung tâm đầu não ở Pakistan.
Abu Jindal - một công dân Ấn Độ đi lại bằng hộ chiếu Pakistan - đã đến phòng điều khiển tại Karachi vào năm 2008, nói chuyện qua điện thoại di động với 10 tên khủng bố. Hắn đưa ra lời khuyên về việc làm thế nào để khiến nhiều người thiệt mạng hơn tại Khách sạn Taj, và chỉ dẫn khi nào thì nên giết các con tin. Giọng nói của tên này đã bị cơ quan chức trách của Ấn Độ ghi âm lại và đoạn băng đó khiến cho các cảnh sát Ấn Độ không khỏi rùng mình ghê sợ.
Sayeed Zabiuddin Ansari (bị che mặt) rời bệnh viện tại New Delhi hôm 29/6/2012
Theo các thông tin báo chí của Ấn Độ, Jindai đã bị bắt hôm 21/6 sau khi bị trục xuất từ Ả Rập Xê Út sang Ấn Độ. Việc bắt giữ là nỗ lực chung chống khủng bố của Ấn Độ kết hợp cùng với Ả Rập Xê Út và Mỹ. Abu Jindal đã đến Anh để tuyển mộ và huấn luyện cho các tình nguyện viên mới của nhóm LeT từ những người Pakistan lưu vong ở các quốc gia vùng Vịnh. Tên này cũng bị cáo buộc là tham gia vào các giai đoạn cuối cùng trong âm mưu khủng bố 'hàng loạt' mới đây. Abu Jindal cũng liên quan tới các vụ tấn công khác bao gồm cả vụ đánh bom tại ga tàu điện tại Mumbai năm 2006 khiến hơn 180 người thiệt mạng.
Abu Jindal đã nói với phía Ấn Độ rằng có hai thành viên của ISI cũng tham ở trong phòng điều khiển, và những người này được cho là giữ vị trí cao trong quân đội Pakistan. Điều này đã xác nhận cáo buộc rằng vụ khủng bố năm 2008 có sự tham gia trợ giúp của ISI. Một người Mỹ là David Headley đã làm cho LeT có tham gia vào vụ tấn công cũng nói điều tương tự.
Nhưng bởi vì Abu Jindal đã có mặt trong phòng điều khiển ở Karachi nên cáo buộc của tên này thậm chí còn có sức thuyết phục hơn. Nếu như các thông tin về cáo buộc của Abu Jindal được chứng thực thì rõ ràng là ISI có liên quan trực tiếp tới quyết định ám sát những người Mỹ. Do đó, chính quyền Ấn Độ chỉ công bố xác nhận rằng lời khai của tên này có nói đền việc một nhà nước bảo trợ cho hành động khủng bố mà không nêu chi tiết.
Vai trò của Ả Rập Xê Út cũng rất quan trọng trong việc bắt giữ Abu Jindal. Riyadh là đồng minh thân cận nhất của Islamabad và ISI có mối liên hệ rất mật thiết với các đối tác Ả Rập Xê Út.
Hơn ba năm sau khi vụ tấn công xảy ra, nhóm LeT đã bị Liên Hợp Quốc và Mỹ cấm vận nhưng không phải trả cái giá nào đáng kể cho vụ tấn công tại Mumbai. Họ hoạt động tự do tại Pakistan và tiếp tục có liên hệ với tình báo và quân đội nước này.
Lãnh đạo và kiêm sáng lập của nhóm này là Hafeez Saeed được Mỹ trả giá 10 triệu USD cho ai 'lấy được đầu' của hắn. Nhưng tên này lại xuất hiện thường xuyên trên truyền hình Pakistan và thường xuyên có bài phát biểu chống Mỹ cùng với sự trợ giúp từ ISI. LeT hiện diện trên khắp thế giới với mạng lưới khắp Nam Á, Vịnh Ba Tư và cả châu Âu, Úc và Bắc Mỹ. Với liên hệ chặt chẽ với Al Qaeda cùng với Pakistan, LeT hiện giờ mới là nhóm khủng bố nguy hiểm nhất thế giới.