Lộ diện chủ nhân giải Nobel Hòa bình danh giá
Bộ Tứ Đối thoại Quốc gia - một nhóm dân chủ ở Tunisia đã vinh dự được trao giải Nobel Hòa bình năm nay, Ủy ban trao giải Nobel chiều 9.10 thông báo.
Các thành viên của nhóm dân chủ ở Bộ Tứ Đối thoại Quốc gia ở Tunisia "chủ nhân" của giải Nobel Hòa bình 2015 trong bức ảnh chụp năm 2013.
Trong một tuyên bố, Ủy ban trao giải Nobel nhấn mạnh, nhóm dân chủ Bộ Tứ Đối thoại Quốc gia ở Tunisia được trao giải vì những đóng góp mang tính quyết định của họ trong việc xây dựng một nền dân chủ đa nguyên ở Tunisia sau cuộc cách mạng Hoa nhài làm chao đảo nước này năm 2011.
Nhóm Bộ tứ Đối thoại Quốc gia Tunisia được thành lập năm 2013 và đóng vai trò trung gian hòa giải đồng thời tạo động lực cho hòa bình, dân chủ phát triển ở Tunisia. Bộ tứ này bao gồm 4 tổ chức chủ chốt trong xã hội dân chủ Tunisia, đại diện cho các tầng lớp và lĩnh vực khác nhau trong xã hội.
Trước đó, những người biểu tình ở Tunisia đã khởi đầu cho các cuộc cách mạng đòi dân chủ làm rung chuyển khắp thế giới Ả Rập năm 2011. Nhiều nhà độc tài trong khu vực đã bị lật đổ trong sự kiện này.
Tuy nhiên, hiện nay, Tunisia là quốc gia duy nhất trong khu vực quyết tâm xây dựng một nền dân chủ mạnh mẽ với các cơ quan hiến pháp, lập pháp và một thể chế dân chủ.
Một nhà lãnh đạo của Bộ tứ Đối thoại Quốc gia Tunisia nói với hãng tin AP rằng, ông cảm thấy "choáng ngợp" khi được tin nhóm được trao giải Nobel Hòa bình danh giá.
Cụ thể, ông Houcine Abassi, Tổng thư ký của Tổng liên đoàn lao động Tunisia (UGTT) - một trong 4 tổ chức thuộc Bộ tứ Đối thoại Quốc gia Tunisia chia sẻ: "Đây là giải thưởng cho những nỗ lực trong hơn hai năm qua của bộ tứ khi đất nước (Tunisia) đang lâm nguy trên tất cả các mặt trận".
"Tôi rất hạnh phúc!", ông cho biết thêm và nói rằng các thành viên của nhóm đã rất bất ngờ vì họ không kỳ vọng nhận được giải Nobel Hòa bình danh giá trước đó.
Ngoài UGTT, Bộ tứ Đối thoại Quốc gia Tunisia còn bao gồm Liên đoàn Công nghiệp, thương mại và thủ công Tunisia (UTICA), Liên minh Nhân quyền Tunisia (LTDH) và Đoàn Luật sư Tunisia (ONAT).
Ngoại trưởng Thụy Điển Margot Wallstrom đã gửi lời chúc mừng tới Bộ tứ Đối thoại Quốc gia Tunisia và nhấn mạnh rằng, giải thưởng Hòa bình năm nay dành cho nhóm này là "rất xứng đáng".
Phát biểu với đài truyền hình Thụy Điển SVT, bà Wallstrom nhấn mạnh rằng "Quá trình cải cách dân chủ ở một đất nước đã lâm tình thế nguy nan như Tunisia là cực kỳ lâu dài và khó khăn. Tuy nhiên, Tunisia đã làm tốt mọi thứ nhờ sự hỗ trợ tích cực từ các nhóm xã hội dân sự.
Ngoại trưởng Thụy Điển cũng bày tỏ hy vọng rằng, giải thưởng này sẽ giúp truyền cảm hứng cho các nước đang vật lộn cải cách dân chủ.