Livestream ở phiên tòa có thể bị phạt 30 triệu đồng
Nhà báo ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh Hội đồng xét xử không được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa và phát trực tiếp trên không gian mạng có thể bị phạt tiền tới 30 triệu đồng.
Ngày 15-8, thực hiện chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8-2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.
Trình bày Tờ trình Dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết các hành vi cản trở hoạt động tố tụng xảy ra ngày càng nhiều, có xu hướng gia tăng, gây khó khăn cho việc giải quyết vụ việc, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giải quyết vụ việc của cơ quan, người có thẩm quyền, tính tôn nghiêm và quyền uy của tư pháp.
Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ trình bày Tờ trình tại phiên họp - Ảnh: Quochoi.vn
Trong khi đó, pháp luật nước ta chưa có văn bản quy định có hệ thống về việc xử phạt các hành vi cản trở hoạt động tố tụng mà chỉ có một số quy định chung, chưa cụ thể, chưa rõ ràng về xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng nằm rải rác trong Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.
"Các loại hành vi, hình thức xử phạt, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử phạt hành vi cản trở hoạt động tố tụng chưa được quy định cụ thể, dẫn đến việc xử phạt hành vi vi phạm gặp nhiều khó khăn, vướng mắc"- ông Tuệ nói và cho rằng việc ban hành một văn bản pháp luật thống nhất và chi tiết, tạo cơ sở pháp lý để xử lý nghiêm minh những hành vi cản trở hoạt động tố tụng là cần thiết.
Theo dự thảo, mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cá nhân đến 40 triệu đồng. Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi cản trở hoạt động tố tụng của tổ chức đến 80 triệu đồng.
Dự thảo cũng nêu rõ mức phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với Nhà báo, Luật sư, Trợ giúp viên pháp lý đưa tin sai sự thật nhằm cản trở hoạt động tố tụng của tòa án; Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với Nhà báo, Luật sư, Trợ giúp viên pháp lý đưa tin sai sự thật làm trì hoãn, kéo dài thời gian tiến hành hoạt động tố tụng của Tòa án.
Phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Nhà báo ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh Hội đồng xét xử không được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa và phát trực tiếp trên không gian mạng; Nhà báo ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh người tham gia tố tụng không được sự đồng ý của họ và phát trực tiếp trên không gian mạng.
Các hành vi vi phạm nêu trên đều có hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Thẩm tra Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ: Ủy ban Tư pháp nhất trí với sự cần thiết ban hành Pháp lệnh. Theo bà Nga, việc ban hành Pháp lệnh là thực hiện đúng quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật Xử lý vi phạm hành chính và phúc đáp yêu cầu của thực tiễn đang xảy ra ngày càng nhiều các hành vi cản trở hoạt động tố tụng, cần được ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm minh.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết qua thảo luận, UBTVQH cơ bản thống nhất với các nội dung cơ bản của dự thảo Pháp lệnh. Trong quá trình hoàn chỉnh, ông Nguyễn Khắc Định đề nghị Ban soạn thảo làm rõ các nội dung cụ thể về phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Pháp lệnh; tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các hành vi cản trở hoạt động tố tụng, các yếu tố cấu thành hành vi này, mức xử phạt đảm bảo phù hợp với tính chất, mức độ hành vi vi phạm, bảo đảm phù hợp với các luật có liên quan.
Cá nhân kinh doanh sau khi được cấp căn cước công dân mới mà không kịp thực hiện thông báo thay đổi với cơ quan thuế theo quy định sẽ bị phạt từ 5 đến 7 triệu đồng.
Nguồn: [Link nguồn]