Lính tàu ngầm VN: Những lần nghẹt thở

Những người lính ngày đó thường gọi đùa nhau rằng, tàu ngầm là một cỗ "quan tài sắt". Tất cả đều kín như bưng.

Ông Phạm Hồng Sâm (Thượng sĩ, ngành điện máy Hải đội tàu ngầm 182 VN) vẫn buồn cười khi nhớ lại chuyện sau mấy năm trời huấn luyện bên Liên Xô trở về. Bạn bè, người thân của ông hỏi: "Ở trong tàu ngầm, nhìn thấy cá và cảnh vật dưới đáy đại dương như thế nào?".

Kỳ thực những người lính ngày đó thường gọi đùa nhau rằng, tàu ngầm là một cỗ "quan tài sắt". Tất cả đều kín như bưng.

Người thủy thủ mô tả: Buổi sáng tàu khởi hành, lên đứng ở mặt trên tàu, ông cùng đồng đội có thể quan sát thấy chiếc đèn nhấp nháy trên ngọn hải đăng cách xa vài chục cây số. Nhưng kể từ khi tàu chìm xuống khỏi mặt nước, người trên tàu chẳng còn nhìn thấy bất kỳ thứ gì nữa. Ông cũng không biết tàu đã đi đến những đâu. Chiều về, lúc tàu trồi lên, ông lại nhìn thấy ngọn hải đăng ban sáng.

Tất cả thủy thủ đều không ai biết tàu đi đâu ngoại trừ thuyền trưởng và một vài chuyên gia trên tàu. Mỗi người có việc của mình, không được hỏi, không được biết gì hết. Bộ phận Acoustic của ông Vũ Hồng Hảo (Đội trưởng Đội nghe âm thanh dưới nước, Hải đội tàu ngầm 192) cũng vậy, họ chỉ biết lắng nghe, xác định mục tiêu xa gần. Tàu ngầm là vậy, đã xuống khỏi mặt nước là luôn luôn âm thầm, lặng lẽ.

Đó là những chuyến đi dài trong lòng đại dương đen ngòm. Sau này nhớ lại, ông Sâm vẫn còn cảm giác rờn rợn mà không kém phần thú vị. Xuống dưới mực nước biển sâu hàng trăm mét, đâu ai có thể nói trước được về sự sống và cái chết.

Lính tàu ngầm VN: Những lần nghẹt thở - 1

“Phòng ngủ” của các thủy thủ

Ở dưới đại dương trong "quan tài sắt", tỷ lệ sống chết là 50 - 50. Ngày đó, những người lính Việt Nam sang Liên Xô huấn luyện luôn bừng bừng khí thế. Bởi vậy mà họ dường như quên hết mọi nguy hiểm chực chờ phía trước. Tâm thế của lớp thủy thủ ngày đó luôn coi cái chết nhẹ tựa lông hồng.

Một lần chết hụt

Đó là vùng biển Baltic rộng lớn. Tàu thường đi dưới độ sâu hơn 100m so với mực nước biển, có khi xuống đến 200m.

Trong tàu ngầm, không khí luôn yên lặng một cách kỳ lạ. Chỉ cần ai đó đánh rơi cái thìa cũng có thể phát ra tiếng động cực lớn khiến nhiều người giật mình.

Được gọi là “quan tài sắt” dĩ nhiên có cãi lẽ của nó. Bởi tàu ngầm, tự bản thân nó luôn chứa trong mình muôn vàn nguy hiểm rình rập.

Một mùa đông, sương mù dày đặc phủ trên mặt biển Baltic. Sau một ngày chìm sâu dưới nước, tàu trồi lên lấy khí tươi và nạp điện ắc quy. Chỉ mỗi khoang chỉ huy nổi quá mặt nước. Mấy viên chỉ huy tàu lên khoang trên ngồi tán gẫu. Khi tàu chạy chế độ này, từ khoang chỉ huy có thế nhìn ra xung quanh.

Phía dưới, đám lính tráng vươn vai, hít căng lồng ngực đón làn khí mới trong trẻo đang ùa vào. Đội trưởng Acoustic – Vũ Hồng Hảo, cũng bỏ ống nghe xuống mặt bàn tranh thủ tận hưởng phút thư giãn.

Bỗng nghe khoang phía trên quát thất thanh: “Đánh tay lái sang trái hết cỡ nhanh”. Tổ điện máy của ông Sâm không kịp nghĩ, vung mạnh tay tức khắc. Một tiếng rầm vang lên. Con tàu lắc lư chao đảo.

Ông Hảo giật mình té nhào. Tàu của ông vừa va vào cái gì đó. Giây phút đó, ông cảm giác được con tàu như con cá voi khổng lồ nghiêng mình, chúi mõm lặn xuống dưới mặt nước.

Viên thuyền trưởng chạy vội xuống quát lớn: “Acoustic! Tại sao không làm việc?”.

Lúc này, thủy thủ trên tàu không khỏi hoang mang. Con tàu đang lao rất nhanh xuống dưới. Phải chăng nó đang không kiểm soát được. Câu chuyện về những con tàu đụng phải đá ngầm, băng trôi vĩnh viễn nằm lại dưới đáy biển bất giác làm ông Hảo rúng động.

Dưới buồng máy, nhóm ông Sâm vẫn đang cố thao tác, lấy lại thăng bằng. Rồi thấy con tàu dần trở lại trạng thái như cũ. Mọi thông số kỹ thuật trên đồng hồ cũng dần ổn định. Thủy thủ đoàn thở phào nhẹ nhõm.

Mấy viên sĩ quan chỉ huy giận dữ. Ông Hảo lúc này mới đeo lại ống nghe. Tiếng chân vịt rõ mồn một đang ở ngay phía sau lưng. Chiếc tàu hàng hải cỡ lớn của Phần Lan đang rẽ sóng trên mặt biển.

Thì ra tàu ngầm vừa va phải tàu hàng. Mặc dù trên khoang chỉ huy, nhóm sĩ quan có thể nhìn thấy xung quanh trên mặt biển. Nhưng hôm đó, mặt biển toàn sương mù, cách xa mấy chục mét không nhận ra nhau. Mãi khi con tàu khổng lồ lù lù trước mặt viên thuyền trưởng mới giật mình.

Ông Sâm khi đó ở dưới buồng máy, nhưng sau nghe mấy viên sĩ quan kể lại giây phút đó. Ông cảm giác từ tàu ngầm nhìn con tàu hàng hải như đứng dưới sân ngước lên tòa nhà 5-6 tầng với nhiều phòng ốc nguy nga đồ sộ, choán hết tầm nhìn.

Sau này về nước, mỗi lần thủy thủ đoàn họp mặt, ông Hảo, ông Sâm cùng mọi người vẫn thường nhắc lại cú chết hụt năm xưa mà không khỏi rùng mình. May mắn thay, cú va chạm khá nhẹ nên họ mới có cơ hội để ngày hôm nay còn nhìn thấy nhau.

Nghẹt thở dưới đại dương

Ông Sâm nhớ, thời kỳ đội của ông huấn luyện ở Nga, đang là giai đoạn chiến tranh lạnh nên chưa phải chiến đấu thực sự bao giờ. Tuy nhiên, thỉnh thoảng vẫn có những vụ tai nạn tàu thuyền. Những câu chuyện xảy ra dưới lòng đại dương xưa nay vẫn luôn là điều kỳ bí với thế giới.

Có những lần tập luyện ứng phó sự cố mà đến tận mấy chục năm sau, khi ngồi trong căn phòng nhỏ kể lại với chúng tôi, ông Sâm vẫn cảm thấy như nghẹt thở.

Đó là những lần tàu lặn xuống sâu hơn 60m, thủy thủ đoàn phải bơi ra ngoài theo đường phóng lôi để ngoi lên.

Lính tàu ngầm VN: Những lần nghẹt thở - 2

Nơi chứa vũ khí của tàu ngầm và chiếc ống phóng ngư lôi (Ảnh tư liệu)

Mỗi lượt ra là 2 thủy thủ, mang theo khí tài khoảng 50 cân. Đầu tiên, họ phải chui vào trong khoang của đường phóng lôi. Khi chui vào rồi, cửa lôi sẽ đóng chặt lại, lúc này trong khoang chưa có nước. Không khí được bơm vào tương đương với áp suất bên ngoài.

Lúc này, mọi thứ xung quanh tối như hũ nút. Rồi cửa phía ngoài bắt đầu mở ra. Ông thấy nước ùa vào lạnh như băng. Ai chịu áp lực kém sẽ chết ngay trong khoang lôi. Sau một lúc quen dần, ông Sâm bắt đầu men dần theo đường lôi nơi nước ùa vào để chui ra.

Bởi tập trong tình huống chiến đấu nên không được mang đèn theo. Xung quanh là đại dương bao la không bến bờ mà ông cùng đồng đội chẳng nhìn thấy gì cả. Phía trên mặt nước có dòng sẵn một sợi dây xuống để thủy thủ leo lên.

Ở độ sâu 60m, áp lực nước mạnh, ông tức ngực kinh khủng. Ông cố hít thở đều, tay móc chiếc khóa đeo sẵn vào dây.

Họ ngừng lại một lúc để lấy tinh thần rồi bắt đầu men theo sợi dây nổi lên. Cứ lên được 10m, áp lực giảm tương ứng 1 atmosphere, ông dừng lại nghỉ 10 phút để cơ thể thích nghi rồi lại leo tiếp. Nếu ai mất bình tĩnh, buông dây nổi tự do lên trên đột ngột sẽ vỡ tim chết ngay lập tức.

Những ngày tháng rong ruổi, chìm nổi cùng con tàu ngầm ở vùng biển Baltic rộng lớn cứ thế lặng lẽ trôi qua. Cuốn nhật ký chàng lính trẻ Vũ Hồng Hảo mang theo chẳng mấy chốc đã kín mực.

Ngày ra đi, ông là chàng trai đang nồng cháy tình yêu của tuổi trẻ. Nơi quê nhà, cô gái ấy không biết có còn chờ ông? Dù từ xa xôi xứ người, đôi khi thủy thủ vẫn được liên lạc về nhà. Nhưng cuộc đời còn biết bao sóng gió khôn lường. Ngày về, chàng lính trẻ sẽ kể cho cô nghe những điều xa lạ nơi đất khách quê người. Những câu chuyện dài về những nơi ông đã đi qua, đã nhìn thấy mỗi khi tàu nổi lên ông được đứng nhìn ra biển cả.

Ký ức 30 năm ùa về

Khoảng giữa năm 1986, Hải đội tàu ngầm (khung tàu 1) kết thúc khóa huấn luyện từ Nga trở về.

Họ trở về ít lâu, đất nước khi đó còn nghèo, không đủ kinh phí đầu tư mua tàu ngầm, Hải đội tàu ngầm 182 cũng ngừng hoạt động. Các thành viên trong đội được phân công nhận nhiệm vụ ở những đơn vị khác nhau. Ông Phạm Hồng Sâm xin về công tác tại một đơn vị lái xe của quân đội ở gần nhà. Ít năm sau, ông Sâm xin chuyển sang công việc hành chính thuộc doanh nghiệp nhà nước. Ông Lưu Phương Bình và ông Vũ Hồng Hảo ra quân một thời gian sau đó. Có người xin giải ngũ về quê. Có người đi làm kinh tế, khá thành đạt trong sự nghiệp.

Một số thủy thủ tàu ngầm tiếp tục phục vụ trong quân đội đến tận khi về hưu. Hiện vẫn có người đang công tác trong binh chủng Hải quân. Thỉnh thoảng, Hải đội tàu ngầm một thời vẫn tổ chức họp mặt, ôn lại kỷ niệm xưa.

Từ đó đến mấy chục năm sau, họ vẫn biết, Việt Nam chưa bao giờ có tàu ngầm. Hồi cuối thế kỷ 20, Việt Nam mua của Triều Tiên 2 chiếc tàu ngầm nhưng là loại rất nhỏ và công năng sử dụng rất kém.

Đôi khi, nhóm thủy thủ vẫn thấy nhớ và tiếc về hải đội tàu ngầm của 30 năm trước. Họ là lứa cán bộ chiến sỹ đã được đào tạo về tàu ngầm rất bài bản, kỹ lưỡng, tinh nhuệ. Nhưng vì điều kiện nước nhà ngày đó, những người lính tàu ngầm đã không có cơ hội chứng tỏ kiến thức khoa học tiên tiến học tại Liên Xô.

Mãi mới đây, nghe báo đài đưa tin về chuyện Việt Nam nhập tàu ngầm từ Nga, kỷ niệm ngày nào của những ngày tháng trong lòng đại dương lại ùa về.

Bây giờ, nhìn trên bản đồ, nhóm thủy thủ vẫn nhớ chính xác vị trí trung tâm huấn luyện tàu ngầm, nơi mình học ngày đó. Những năm sau này, một vài người vẫn thỉnh thoảng có dịp quay trở lại nơi ngày xưa từng học tập gắn bó. Nay nơi đó đã trở thành một cảng biển của Latvia. Trung tâm huấn luyện tàu ngầm của Nga đã chuyển về Saint Petersburg.

Gần đây, Việt Nam mới mua tàu ngầm. Nhưng hơn 30 năm trước, Việt Nam đã từng có Hải đội tàu ngầm được đào tạo rất bài bản tại Liên Xô (cũ). Chúng tôi có dịp gặp lại những cán bộ, chiến sĩ thuộc Hải đội tàu ngầm 182 của Hải quân Việt Nam 30 năm về trước. Đó là những người đầu tiên của nước nhà được tiếp xúc với loại khí tài quân sự tối tân này. Ông Lưu Phương Bình (sĩ quan, ngành trưởng ngành ra đa dưới tàu ngầm), ông Vũ Hồng Hảo (đội trưởng đội nghe âm thanh dưới nước) và ông Phạm Hồng Sâm (ngành điện máy tàu ngầm).

Lính tàu ngầm VN: Những lần nghẹt thở - 3

Từ trái sang phải: Ông Phạm Hồng Sâm; vợ ông Nguyễn Văn Tuấn (quê Hải Phòng, thuộc tổ điện tàu thuộc ngành máy); vợ chồng ông Vũ Hồng Hảo (đội trưởng sonar); ông Nguyễn Văn An (quê Hà Tĩnh, là Đội trưởng đội Nạp ắc quy của trạm nổi); ông Nguyễn Văn Ngàn (quê Hà Tĩnh, là Đội trưởng hầm tàu - phụ trách toàn bộ việc lặn và nổi của tàu); ông Nguyễn Văn Tuấn
(Ảnh chụp tháng 6/2012 tại Quảng Ninh)

Tháng 6 năm ngoài, một số thành viên thuộc Hải đội tàu ngầm vừa có cuộc họp mặt khi những đồng đội từ Nghệ An - Hà Tĩnh ra Quảng Ninh chơi. Đây cũng là dịp ông Nguyễn Đôn Hòa (Đại Tá - Phó viện KT Hải quân ) nghỉ hưu. Dưới tàu ngầm, ông Hòa là trưởng ngành 5 (máy tàu), người duy nhất được thay mặt thuyền trưởng để chỉ huy tàu (nếu thuyền trưởng hy sinh).

Trên tàu nổi, người thay thế thuyền trưởng là thuyền phó hàng hải. Còn tàu ngầm, người có thể thay thuyền trưởng là máy trưởng. Vì vậy dưới tàu ngầm, phù hiệu tầu ngầm chỉ có 2 người được đeo trên ngực là thuyền trưởng và máy trưởng.

>> Kỳ 1: Hải đội tàu ngầm 182 VN: Chuyện chưa kể

>> Kỳ 2: Lính tàu ngầm Việt Nam khổ luyện

>> Kỳ 3: Lính tàu ngầm Việt Nam ở xứ người

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cảnh Kiên ([Tên nguồn])
Chuyện về Hải đội tàu ngầm 182 Việt Nam Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN