Lính bắn tỉa: Tử thần giấu mặt trên chiến trường

Lính bắn tỉa là lực lượng đặc biệt tinh nhuệ trong quân đội các nước trên thế giới, và là nỗi kinh hoàng mà tất cả những người lính đều không muốn đối mặt trên chiến trường.

Lính bắn tỉa là những người lính được đào tạo đặc biệt để hoạt động một mình hoặc theo cặp và đội nhằm liên tục theo dõi sát đối phương và tiêu diệt các mục tiêu từ vị trí ẩn nấp hoặc từ khoảng cách vượt quá khả năng phát hiện của đối phương.

Lính bắn tỉa thường hoạt động độc lập mà ít được hỗ trợ từ các đơn vị bạn. Về chiến thuật, lính bắn tỉa được tuyển chọn kỹ lượng và đào tạo chuyên sâu, sử dụng những vũ khí ứng dụng có độ chính xác cao và kính ngắm, thường được trang bị các phương tiện liên lạc phức tạp để cung cấp các thông tin chiến trường có giá trị cho đơn vị của mình.

Lính bắn tỉa: Tử thần giấu mặt trên chiến trường - 1

Lính bắn tỉa thuộc quân đội Israel

Ngoài tài thiện xạ, lính bắn tỉa quân đội cũng được huấn luyện đặc biệt về thuật ngụy trang, các thủ đoạn chiến đấu, xâm nhập, khả năng quan sát đặc biệt, trinh sát và tiêu diệt mục tiêu. Lính bắn tỉa đặc biệt phát huy hiệu quả khi được triển khai ở các địa hình chiến đấu đô thị hoặc trong rừng rậm.

Từ “bắn tỉa” (sniper) có nguồn gốc từ thế kỷ 18, khi những người lính Anh ở Ấn Độ gọi những xạ thủ có khả năng “tỉa” được những con chim dẽ giun (snipe) bé nhỏ là “lính bắn tỉa”. Thuật ngữ “lính bắn tỉa” được công nhận lần đầu tiên vào năm 1842 để gọi những người lính có tài thiện xạ cừ khôi.

Quân đội các nước trên thế giới có những học thuyết quân sự khác nhau về việc sử dụng lính bắn tỉa trong các đơn vị, bối cảnh và chiến thuật khác nhau.

Trong chiến tranh hiện đại, chức năng chủ yếu của lính bắn tỉa là cung cấp các thông tin trinh sát chi tiết từ vị trí ẩn nấp và khi cần thiết có thể làm tiêu hao sức chiến đấu của đối phương bằng cách tiêu diệt các mục tiêu có giá trị cao như sĩ quan chỉ huy, liên lạc viên…, đồng thời ghìm chân và làm mất tinh thần quân địch.

Ngoài các nhiệm vụ trên, ngày nay những người lính bắn tỉa còn có thể được giao nhiệm vụ phá hủy thiết bị, khí tài quân sự của địch bằng các loại súng trường phá giáp có cỡ nòng lớn cỡ .50 BMG như Barrett M82, McMillan Tac-50 và Denel NTW-20.

Lính bắn tỉa: Tử thần giấu mặt trên chiến trường - 2

Súng bắn tỉa uy lực cao Barrett M82 của quân đội Mỹ

Quân đội Liên Xô và một số nước khác phát triển các đơn vị bắn tỉa cấp đội. Lính bắn tỉa ngày càng chứng tỏ được hiệu quả của mình, đặc biệt là lực lượng bắn tỉa của Anh và Mỹ trong cuộc chiến tranh Iraq gần đây với vài trò hỗ trợ hỏa lực yểm trợ cho hoạt động của bộ binh, nhất là khi tác chiến trong khu vực đô thị.

Lính bắn tỉa của quân đội Mỹ, Anh và một số nước khác thường được tổ chức thành từng tổ 2 người gồm xạ thủ và người quan sát. Hai người này có thể thay phiên hoán đổi vị trí cho nhau để tránh hiện tượng bị mỏi mắt.

Trong các chiến dịch gần đây diễn ra ở các khu vực đông dân cư như ở Fallujah, Iraq, quân đội Mỹ thường triển khai hai tổ bắn tỉa đi cùng nhau để tăng cường an ninh và tính hiệu quả trong môi trường tác chiến đô thị. Mỗi tổ bắn tỉa thường được trang bị một vũ khí tầm xa và một vũ khí tầm gần để chiến đấu và tự bảo vệ mình trong trường hợp cận chiến với kẻ địch.

Lính bắn tỉa: Tử thần giấu mặt trên chiến trường - 3

Một tổ bắn tỉa của quân đội Mỹ tại Fallujah

Học thuyết của quân đội Đức về hoạt động độc lập và chú trọng vào khả năng ẩn nấp lính bắn tỉa vốn được phát triển từ thời Thế chiến 2 có ảnh hưởng rất lớn đến chiến thuật bắn tỉa hiện đại và được áp dụng rộng rãi trong quân đội các nước phương Tây.

Chiến thuật bắn tỉa đầu tiên được ghi nhận xảy ra vào ngày 19/9/1777 trong trận chiến Saratoga, Mỹ, nơi những người lính phe Thuộc địa nấp trên cây và sử dụng những khẩu súng trường thô sơ để bắn hạ các sĩ quan Anh. Trong đó nổi tiếng nhất là người lính Timothy Murphy khi anh này nổ súng và tiêu diệt tướng Simon Fraser vào ngày 7/10/1777 từ khoảng cách hơn 365m.

Trong cuộc chiến tranh giành độc lập của nước Mỹ này, George Washington cũng suýt thiệt mạng dưới nòng súng của một tay bắn tỉa. Trong trận chiến ở Brandywine, đại úy Patrick Ferguson đã đưa một viên sĩ quan Mỹ cao lớn vào tầm ngắm, thế nhưng ông không nổ súng vì khi đó viên sĩ quan này đang quay lưng về phía ông. Sau này ông mới nhận ra rằng viên sĩ quan đó chính là George Washington, người đã lãnh đạo quân đội Mỹ đánh bại thực dân Anh và trở thành Tổng thống của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

Trong cuộc nội chiến Nam-Bắc ở Mỹ, cả hai phe đều sử dụng các tay súng bắn tỉa, trong đó nổi tiếng nhất là trận chiến Spotsylvania vào ngày 9/5/1864, khi tướng John Sedgwick bị một tay súng bắn tỉa bắn hạ từ khoảng cách 910 mét sau khi nói rằng đối phương “không thể bắn trúng một con voi từ khoảng cách này”.

Trong Thế chiến I, các tay súng bắn tỉa đã phát huy được sức mạnh của mình từ các chiến hào. Trong thời gian đầu cuộc chiến, chỉ có quân đội Đức mới được trang bị súng trường bắn tỉa có kính ngắm. Với những chiếc kính ngắm này, lính bắn tỉa Đức dễ dàng bắn hạ quân lính của đối phương thò đầu ra khỏi chiến hào. Ban đầu quân Anh và Pháp cho rằng những cú bắn đó là do “ăn may”, cho đến khi họ bắt được những khẩu súng bắn tỉa có kính ngắm.

Trong suốt Thế chiến I, quân đội Đức nổi tiếng với lực lượng bắn tỉa hiệu quả nhất, một phần là nhờ những kính ngắm chất lượng cao do người Đức sản xuất ra.

Lính bắn tỉa: Tử thần giấu mặt trên chiến trường - 4

Lính bắn tỉa Đức là nỗi kinh hoàng của phe Đồng minh trong Thế chiến II

Sau đó quân Anh cũng bắt đầu huấn luyện các xạ thủ bắn tỉa của mình trong các trường bắn tỉa chuyên dụng. Thiếu tá Hesketh Prichard đã thành lập Trường Bắn tỉa Số Một ở Pháp vào năm 1916 và phát triển những kỹ thuật bắn tỉa, sử dụng kính ngắm và hoạt động theo cặp.

Ở Mặt trận phía Đông, quân Nga không có những người lính bắn tỉa chuyên nghiệp, tạo điều kiện cho lính bắn tỉa Đức thoải mái ngắm bắn mục tiêu mà không phải lo lắng gì về lực lượng chống bắn tỉa.

Trong thời kỳ này, quân Anh đã sử dụng các hình nộm mặc đồ lính để thu hút hỏa lực bắn tỉa của đối phương. Dựa vào vết đạn bắn tỉa trên những hình nộm này, quân Anh có thể tính toán vị trí của lính bắn tỉa đối phương rồi gọi pháo dập xuống tiêu diệt.

Trong Thế chiến I, những khẩu súng bắn tỉa được sử dụng phổ biến nhất là khẩu Mauser Gewehr 98 của Đức, khẩu Enfield 1914 và Lee-Enfield SMLE Mk III của Anh, khẩu Ross Rifle của Canada, khẩu M1903 Springfield của Mỹ và khẩu Mosin-Nagant M1891 của Nga.

________________

Mời độc giả đón đọc bài Lính bắn tỉa: Nỗi kinh hoàng của Thế Chiến 2 vào tối 25/1/2014.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bảo Thành (Tổng hợp) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN