Lính bắn tỉa: Nỗi kinh hoàng của Thế Chiến 2
Từ những chiến thuật sơ khai trong Thế Chiến I, lực lượng bắn tỉa đã phát huy cao độ uy lực và hiệu quả của mình trên các chiến trường trong Thế Chiến II.
Trong Kỳ I, chúng ta đã biết rằng chiến thuật bắn tỉa đã có từ thế kỷ 18, và có những người lính bắn tỉa đã xoay chuyển cục diện trận chiến chỉ bằng một phát bắn. Chiến thuật bắn tỉa bắt đầu được hình thành một cách có hệ thống trong quân đội các nước trong cuộc Thế Chiến I, tuy nhiên sau khi cuộc chiến tranh này kết thúc, lực lượng bắn tỉa không được chú trọng đúng mức trong thời bình, thậm chí có nhiều nước còn giải tán lực lượng bắn tỉa chuyên nghiệp của mình.
Tuy nhiên khi Thế chiến II nổ ra, lính bắn tỉa lại một lần nữa chứng tỏ mình là một lực lượng không thể thiếu trên chiến trường. Trong các chiến dịch tấn công của Đức năm 1940, chỉ riêng những người lính bắn tỉa của Pháp và Anh đã có thể ghìm chân quân Đức để tạo lợi thế về thời gian. Chẳng hạn như trong trận truy kích Dunkirk, lính bắn tỉa Anh đã trì hoãn đáng kể tốc độ tiến quân của bộ binh Đức.
Lính bắn tỉa Anh đã gây nhiều tổn thất cho quân Đức trên đường tiến quân
Vì lẽ đó, quân đội Anh lại một lần nữa tăng cường huấn luyện các đơn vị bắn tỉa chuyên nghiệp. Lính bắn tỉa Anh không chỉ được huấn luyện kỹ năng xạ kích mà còn được đào tạo về khả năng ngụy trang bằng các loại quần áo ngụy trang đặc biệt. Tuy nhiên vì quân đội Anh chỉ huấn luyện bắn tỉa cho các sĩ quan nên hiệu quả của lực lượng bắn tỉa trên chiến trường bị giảm đi đáng kể.
Một trong những trận đánh nổi tiếng nhất của những người lính bắn tỉa, và cũng là trận đánh khiến người Đức phải xem xét lại việc huấn luyện bắn tỉa của mình là trận Stalingrad. Những người lính bắn tỉa Liên Xô ẩn nấp trong các tòa nhà ở thành phố Stalingrad đã gây ra thiệt hại nặng nề cho quân Đức.
Do đặc điểm tác chiến trong đô thị nên những người lính bắn tỉa Liên Xô này rất khó phát hiện, và họ đã làm suy giảm đáng kể tinh thần của quân Đức. Người lính bắn tỉa Hồng Quân đã tỏa sáng trong trận chiến này với những chiến công hiển hách là Vasily Zaytsev, người tạo cảm hứng cho bộ phim Enemy At the Gates (Kẻ thù trước cổng) sau này.
Một tổ bắn tỉa của Hồng Quân Liên Xô trên mặt trận Stalingrad
Trong trận chiến này, lính bắn tỉa Đức được trang bị súng Cacbin 98 và súng trường Gewehr 43, tuy nhiên số lượng thường không đủ, và một số lính bắn tỉa Đức phải sử dụng những khẩu Mosin-Nagant 1891/30, SVT hoặc Mauser của Séc.
Sau thất bại tại trận chiến này, quân Đức tái lập trường huấn luyện bắn tỉa vào năm 1942 và tăng đáng kể số lượng lính bắn tỉa cho mỗi đơn vị bằng cách thành lập thêm 31 đại đội huấn luyện bắn tỉa vào năm 1944. Đức cũng là nước duy nhất trên thế giới vào thời gian đó trang bị cho lính bắn tỉa của mình loại đạn bắn tỉa chuyên dụng sS có nhiều thuốc phóng hơn và đầu đạn nặng hơn.
Lính bắn tỉa Đức sử dụng kính ngắm Zeiss Zielvier 4x có hệ thống bù độ rơi cho đạn ở các khoảng cách khác nhau với tầm bắn lên tới 1000 hoặc 1200 mét. Vào tháng 2/1945, lính bắn tỉa Đức được trang bị kính ngắm hồng ngoại chủ động Zielgerat 1229 để có thể bắn đêm bằng súng trường StG 44.
Lính bắn tỉa Đức sử dụng súng Karabiner 98k trang bị kính ngắm Zeiss Zielvier 4x
Về phía Hồng Quân, họ đã huấn luyện cho 428.335 người về chiến thuật bắn tỉa, trong đó có 9.534 người được qua các khóa huấn luyện bắn tỉa nâng cao. Những khóa huấn luyện bắn tỉa ngắn hạn được tổ chức vào năm 1942 đã đào tạo cho gần 55.000 nữ xạ thủ bắn tỉa Hồng Quân. Trong quân đội Liên Xô trung bình cứ một trung đội bộ binh lại có ít nhất một lính bắn tỉa. Một số lính bắn tỉa Hồng Quân sử dụng súng trường chống tăng PTRD với kính ngắm đặc biệt để phá hủy các phương tiện chiến đấu của đối phương.
Trong quân đội Mỹ, thời kỳ này lính bắn tỉa chỉ được huấn luyện cơ bản và chú trọng vào khả năng bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách xa. Lính bắn tỉa được yêu cầu bắn trúng thân địch ở cự ly 400 mét và bắn trúng đầu ở cự ly 200 mét. Hồi đó quân đội Mỹ hoàn toàn không quan tâm đến khả năng ngụy trang của lính bắn tỉa. Nguyên nhân là trước khi tham chiến vào Thế chiến II, quân đội Mỹ chủ yếu chỉ được triển khai ở Bắc Phi và Ý, nơi những trận chiến diễn ra trong khu vực rừng núi khô cằn, hạn chế khả năng ẩn nấp và hoàn toàn trái ngược với địa hình ở Tây Âu và Trung Âu.
Chính điều này đã gây nên thảm họa cho quân Mỹ trong trận chiến Normandy và chiến dịch ở Tây Âu, nơi họ phải đụng độ với những tay súng bắn tỉa được huấn luyện kỹ càng của Đức. Trong trận Normandy, lính bắn tỉa Đức ẩn nấp trong những khu rừng rậm rạp đã bao vây các đơn vị Mỹ và hạ gục từng người một từ mọi hướng.
Nhiều lính Mỹ thiệt mạng vì trúng đạn bắn tỉa của quân Đức trên chiến trường Normandy
Quân Mỹ và Anh đã rất ngạc nhiên khi chứng kiến khả năng tiếp cận ở cự ly gần cũng như khả năng tiêu diệt mục tiêu ở cự ly tới 1000 mét của lính bắn tỉa Đức. Một sai lầm khủng khiếp của lính Mỹ là nằm rạp xuống đất và chờ đợi, để rồi trở thành những mục tiêu “ngon lành” cho lính bắn tỉa Đức. Lính bắn tỉa Đức thường xâm nhập sâu vào phòng tuyến của phe Đồng minh và có những khi bị mất chiến tuyến, họ vẫn chiến đấu từ vị trí của mình mà không chịu đầu hàng cho đến khi hết đạn.
Chiến thuật bắn tỉa táo bạo này là kết quả những thay đổi trong chính sách quân dịch của Đức. Sau những thiệt hại nặng nề trên mặt trận phía đông, quân đội Đức buộc phải chú trọng hơn vào việc tuyển những người lính thanh niên trẻ tuổi. Vì không được huấn luyện đầy đủ về các chiến thuật chiến đấu phân đội phức tạp nên những người lính trẻ này thường trở thành những lính bắn tỉa hoạt động đơn độc.
Trong khi những lính bắn tỉa dày dạn kinh nghiệm thường chỉ bắn vài phát tiêu diệt mục tiêu rồi rút về vị trí an toàn thì những người lính trẻ bất chấp cả tính mạng nhưng lại thiếu kinh nghiệm chiến thuật này lại thích trụ lại và chiến đấu cho đến viên đạn cuối cùng hoặc bị đối phương hạ gục.
Mặc dù chiến thuật này thường dẫn tới cái kết bi thảm cho xạ thủ bắn tỉa nhưng nó cũng gây thiệt hại nặng nề về nhân mạng cho đối phương. Bởi vậy những người lính bắn tỉa có biệt danh “Thanh niên Tự sát” này là một vấn đề nhức nhối cho quân Đồng minh trên đường tiến quân.
Một xạ thủ bắn tỉa cảm tử của Đức
Sau khi Thế chiến II kết thúc, rất nhiều phương pháp huấn luyện và học thuyết bắn tỉa của Đức đã được quân đội các nước trên thế giới sao chép và học hỏi.
Còn ở chiến trường Thái Bình Dương, quân đội Nhật cũng huấn luyện những người lính bắn tỉa, và họ thực sự trở thành mối đe dọa khôn lường cho quân Mỹ, Anh, Canada và Úc trong những khu rừng rậm ở châu Á và các hòn đảo trên Thái Bình Dương.
Lính bắn tỉa Nhật Bản mặc quần áo ngụy trang kiểu cây cỏ và đào những công sự được ngụy trang vô cùng khéo léo kết nối với những chiến hào nhỏ. Khi chiến đấu trong rừng rậm, họ không cần độ chính xác ở tầm xa bởi những trận chiến thường chỉ diễn ra ở cự ly vài trăm mét. Lính bắn tỉa Nhật nổi tiếng với sự kiên nhẫn và khả năng ẩn nấp trong một thời gian dài. Họ hầu như không bao giờ rời khỏi nơi ẩn nấp được ngụy trang kỹ càng.
Tuy nhiên điều đó lại đồng nghĩa với việc vị trí của người lính bắn tỉa này có thể bị phát hiện chỉ sau vài phát bắn. Để chống lại lính bắn tỉa của Nhật Bản, Thủy quân lục chiến Mỹ cũng huy động những người lính bắn tỉa của mình sử dụng súng trường Springfield M1903 ở mặt trận Thái Bình Dương.
________________
Đón đọc bài Lính bắn tỉa: Những phát bắn không tưởng vào 19h30 ngày 26/1/2014.