Liệt sĩ trở về sau 33 năm: Xúc động những lá thư từ chiến trường
“Khi đọc thư của thằng Sáu từ chiến trường gửi về, tôi không nén được cảm xúc òa khóc, khóc vì mẹ nhớ con, thương cháu phải xa cha, vợ nhớ chồng. Từ khi nhận giấy báo tử, họ nói con tôi đã hy sinh, tôi như người mất hồn. Những lúc nhớ con tôi lại lần giở những lá thư của nó ra xem”, người mẹ của ông Chóng nghẹn ngào chia sẻ.
Ông Chóng thắp nén hương trước bàn thờ cha ngày trở về.
Lá thư của con là một kỷ vật
Bà Nía lấy cho phóng viên xem 4 lá thư viết ngày 1/3/1983, 1/7/1983, 10/10/1983, 12/1/1984 từ phum Tà Rong, tỉnh Battambang, Campuchia đã vàng ố, cũ kỹ. Trên đó là những dòng chữ nguệch ngoạc, phai màu được giữ cẩn thận. Đây là những lá thư mà năm xưa ông Chóng nhờ bạn viết vội nơi chiến trường để gửi về quê nhà vì ông không biết chữ.
Trong thư có đoạn: “Thưa ba má, từ ngày con lên đường nhận nhiệm vụ đến nay, con nhớ gia đình nhiều lắm. Có những lúc con ngồi khóc một mình vì xa gia đình và tất cả những người thân thương. Nhớ nhất là những ngày ở gần ba má cùng anh chị em con”, đó là đoạn thư được viết vào ngày 1/3/1983 từ chiến trường Campuchia.
Những lá thư của ông Chóng gửi về cho gia đình luôn được bà Nía giữ gìn cẩn thận trong chiếc tủ gỗ đặt ở một góc cuối của căn nhà. Mỗi khi nhớ con, bà lại đem ra đọc đi đọc lại. Mặc dù tuổi đã cao, những dòng chữ trong thư đã úa màu theo thời gian nhưng bà Nía vẫn đọc rõ vanh vách từng câu một, như thể nó đã đi sâu vào tâm trí bà trong suốt 33 năm qua.
Bốn lá thư của ông Chóng gửi về từ chiến trường đạn bom ác liệt gồm: một lá gửi cho ba mẹ; anh, chị, em và một lá ông gửi cho người vợ trẻ.
Ông Chóng cho biết, bản thân ông vốn không biết chữ. Khi hay tin đồng đội viết thư gửi về quê là ngay lập tức ông nhờ bạn viết giùm đôi dòng rồi nhờ gửi về giúp.
Một trong những lá thư khiến bà Nía rơi nước mắt mỗi lần đọc, có đoạn: “Ba má, mỗi lần con nhớ đến gia đình mình thì con rơi nước mắt. Ba má à, con nhận được hàng của ba má gửi và thư của ba má…Ba má à, ba má đừng gửi tiền qua cho con, nhà mình nghèo, anh em con lại đông. Ba má coi con như cây cỏ đi…”. Đó là một đoạn thư mà ông Chóng gửi vào ngày 10/10/1983 từ phum Tà Rong, tỉnh Battambang, Campuchia.
Bà Nía kể: “Hồi đó, đường sá đi lại khó khăn. Từ nhà lên chợ huyện phải đi bằng xuồng hoặc đi xe đạp mất mấy tiếng đồng hồ. Khi hay tin có thư thằng Sáu gửi về tôi và thằng Hai lật đật chống xuồng đi ra đó. Nhận được lá thư là hết nửa ngày”.
Đầu năm 1984, gia đình bà Nía vẫn còn nhận được một lá thư của ông Chóng từ Campuchia. Đó cũng là lá thư cuối cùng mà gia đình nhận được. Mãi cho đến năm 1991, nhìn thấy những người lính đi chiến trường Campuchia về đoàn tụ gia đình, bà Nía chết lặng khi nhận được giấy báo tử của ông Chóng.
Lá thư của ông Chóng gửi vợ con ngày 1/7/1983, trong thư ông luôn trấn an rằng mình vẫn ổn, đồng thời cầu chúc những điều tốt đẹp và ông luôn mong mỏi ngày gia đình đoàn tụ.
Sau 33 năm trở về, hiện tại ông Chóng vẫn chưa gặp lại người vợ khi xưa, ông Chóng bùi ngùi: “Bây giờ có gặp bà ấy, chắc tôi cũng không nhận ra. Giờ bà ấy cũng đã có gia đình, tôi cảm thấy áy náy. Đứa con trai của chúng tôi cũng đã 38 tuổi. Cái tên Nam là khi xưa chính tôi đã đặt cho nó. Ngày trở về hay tin tôi, nó từ thành phố Hồ Chí Minh về ngay. Vừa gặp, nó ôm lấy tôi và gọi tiếng cha đầu tiên”.
Sớm giải quyết chế độ cho ông Chóng
Ông Trần Văn Chính - Phó trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Thới Lai cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin từ UBND xã Định Môn về việc ông Trương Văn Chóng trở về, Phòng LĐ-TB&XH huyện Thới Lai cùng các đơn vị có liên quan đã nhanh chóng xác minh và có báo cáo về cấp trên để có hướng giải quyết.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Trần Thanh Lam - Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP. Cần Thơ cho biết, vừa qua Sở có báo cáo gửi về Cục Người có công để xin ý kiến chỉ đạo. Hiện Cục Người có công đã báo cáo về Bộ LĐ-BT&XH để xem xét giải quyết.
Cũng theo ông Lam, sau khi có báo cáo cụ thể sẽ làm việc với các bên liên quan, đặc biệt là cơ quan quân đội nơi cấp giấy báo tử cho ông Chóng. Từ đó, xem xét xử lý các chế độ trợ cấp cho hợp lý.
Đối với ông Chóng, được trở về quê hương là niềm vui quá lớn. Ông nói: “Tôi mong muốn Nhà nước xem xét giải quyết trường hợp của tôi. Bây giờ, muốn thu lại bằng Tổ quốc ghi công, hay các chế độ mà gia đình được hưởng từ trước tới nay thì thu. Tôi chỉ mong được cấp lại giấy tờ tuỳ thân để trở thành một công dân hợp pháp”.
Ông Chóng kết hôn với một Việt Kiều tại Campuchia và có 3 con. Khoảng 8 năm nay, ông cùng gia đình về Tây Ninh sống.