Liệt sĩ trở về sau 25 năm báo tử: Cuộc hội ngộ đẫm nước mắt
Sự trở về của ông Phạm Văn Bình, người được công nhận là liệt sĩ hi sinh tại chiến trường ở Campuchia sau 25 năm nhận giấy báo tử đã khiến nhiều người bất ngờ. Nhưng đằng sau sự trở về là bao nỗi đau xót, chua cay.
“Ngày đi tôi hứa con sẽ trở về”
41 năm về trước, ông Bình lên đường nhập ngũ, tham gia làm nhiệm vụ quốc tế ở chiến trường Campuchia. Năm ấy chàng trai Bình mới tròn 23 tuổi, là một trong hàng ngàn thanh niên ở Hà Tĩnh lên đường tham gia chiến trường vào năm 1977.
Ông Bình cùng vợ và con sinh sống trong ngôi nhà sàn tại Campuchia.
Ông Bình sinh ra trong gia đình nghèo khó có hai anh em trai ở xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Bố mất từ thủa ông còn nhỏ, ông lớn lên dưới sự đùm bọc của người mẹ và anh trai cả. Dù chiến tranh đã làm mất đi một phần ký ức, nhưng ông vẫn nhớ như in ngày rời xa quê hương lên đường nhập ngũ. Dịp ấy vào cuối tháng 9 năm Đinh Tỵ.
“Ngày ấy nhà tôi nghèo, bố mất sớm nên rất khổ đến ngày lên đường nhập ngũ không có dép đi nên chị dâu đã nhường cho tôi đôi của chị ấy. Hôm ấy ai cũng ôm và dặn dò tôi rất nhiều, biết trong chiến đấu có sinh có tử, nhưng tôi vẫn hứa với mọi người con sẽ trở về”, ông Bình nhớ lại.
Tham gia chiến trường, ông Bình được phân vào công tác tại đơn vị trung đoàn 8, người lính ấy luôn tự nhủ phải cố gắng cống hiến sức mình. Sau hai năm chiến đấu, một ngày đầu năm 1979, ông Bình được đơn vị giao nhiệm vụ đi lấy tin tức từ quân đoàn.
Nhận được giấy báo tử, gia đình ông Bình đã lập bàn thờ để thờ cúng suốt 39 năm.
Trên đường đi liên lạc, ông bị bị địch tấn công, bắn trúng đầu trọng thương nằm bất tỉnh trong rừng sâu. May mắn lúc này một người dân tộc Chăm ở Campuchia đi đánh cá phát hiện và đưa về cứu chữa, cưu mang.
Bị chấn thương, ông Bình mất đi một phần trí nhớ nên lúc tỉnh lúc mơ. Để có thể sống sót được ở vùng đất xứ người, ông Bình đã làm thuê đủ nghề từ phụ hồ, bốc vác đến cạo mủ cao su.
“Tôi làm đủ nghề để sống qua ngày. Lúc mới chữa trị xong, tiền không có, giấy tờ nhân thân cũng không nên đi đâu cũng bị đuổi. Có ngày phải đi xin ăn, xin làm thuê để có tiền trang trải cuộc sống ”, ông Bình nói trong buồn tủi.
Ngày trở về đẫm nước mắt
Một mình bươn chải nơi xứ người. Trong một lần làm thuê ở công ty cao su, ông Bình đã gặp và đem lòng yêu mến một cô gái người dân tộc Chăm ở huyện Baray, thuộc tỉnh Kampong Thom (Campuchia). Sau nhiều năm tìm hiểu, năm 2005 ông đã kết hôn với cô gái dân tộc này. Một đám cưới diễn ra bình thường, giản dị chỉ có hai con gà, 1 đầu heo cúng bái tổ tiên rồi nên duyên vợ chồng.
Ông Bình đau xót khi ngày trở về mẹ và vợ chồng anh chị những người thân cận đã mất.
“Vợ tôi kém tôi 12 tuổi, giờ chúng tôi đã có một cô con gái 10 tuổi. Ở bên đấy tập tục đang cổ hủ, đám cưới chỉ tổ chức cúng bái, không làm ăn uống lớn, còn người chết đem đốt lấy tro chứ không chôn cất. Thời gian sống bên đấy rất khổ, không có điện, chỉ đi bằng đường rừng. Nhiều đêm không ngủ được, tôi chỉ mong một ngày có thể tìm về với quê hương để gặp mẹ và anh chị. Bởi vì trước đó tôi đã hứa với họ tôi sẽ về”, ông Bình tâm sự.
Trí nhớ kém, giấy tờ lại mất, tiền không có nên ông Bình không có cách gì liên lạc tìm đường về nhà. Rồi đến một ngày khi đang làm thuê trong công ty cao su, ông gặp anh Nhật Dũng (một GĐ công ty cao su tại Campuchia) là người gốc Việt. Lúc này ông Bình đã trình bày mình bị mất liên lạc với gia đình trong chiến tranh nên không thể trở về quê.
Đồng đội vui mừng khi ông Bình trở về quê nhà sau nhiều năm lưu lạc.
Biết thông tin về ông Bình, anh Dũng đã đăng tải hình ảnh kèm nội dung tìm người thân lên mạng xã hội. Từ Facebook, người thân của gia đình ông Bình đã liên hệ để xác minh tìm kiếm tung tích.
“Vợ tôi cũng biết hoàn cảnh như vậy nên hiểu và bảo tôi cố gắng liên hệ để về nhà. Khi hai cháu sang đưa tôi về, biết tin mẹ, anh trai cùng chị dâu đã mất tôi khóc rất nhiều. Vì mong muốn hàng chục năm nay là về để báo hiếu cho mẹ, chăm anh trai. Nhưng ngày trở về quê chẳng còn ai nữa”, ông Bình nói trong nước mắt.
Cầm nén nhang trên tay, ông Bình bày tỏ, ngày trở về quê nhà là ngày giỗ tròn 1 năm của chị dâu. Hiện tại bố mẹ và vợ chồng anh trai đã mất nên chỉ còn lại 3 người cháu (con anh trai) người thân duy nhất của ông ở quê nhà.
Theo giấy báo tử ghi rõ, ông Phạm Văn Bình (SN 1954, trú tại xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) cấp bậc hạ sĩ, chức vụ chiến sĩ. Tháng 9/1977, ông Bình nhập ngũ công tác tại đơn vị đoàn 8, chiến trường Campuchia. Sau một thời gian chiến đấu, ngày 21/2/1979, ông bình đã hi sinh trong trường hợp chiến đấu mất tích. Đến năm 1993, ông Bình được công nhận liệt sĩ hi sinh tại chiến trường Campuchia. |
Sau 25 năm gia đình nhận giấy báo tử, một liệt sĩ được xác định hi sinh tại chiến trường Campuchia bất ngờ trở về...