Vì sao CSGT liên tiếp bị chống đối khi đang làm nhiệm vụ?
Để phòng, chống những kẻ chống người thi hành công vụ một cách hiệu quả, góp phần tuyên truyền pháp luật, răn đe và phòng ngừa chung, cần áp dụng thủ tục rút gọn, xét xử nhanh chóng, kịp thời
Ngày 19-11, Cơ quan CSĐT Công an huyện Bình Chánh, TP HCM cho biết đang tiếp tục đấu tranh, lấy lời khai và củng cố chứng cứ để xử lý Kiên Đại Vĩ và Thạch Hồng Hải (cùng 17 tuổi, quê Trà Vinh) về hành vi chống người thi hành công vụ.
Tông xe vào CSGT
Trước đó, trưa 16-11, Vĩ chở Hải bằng xe máy từ Trà Vinh lên TP HCM. Khi đang lưu thông trên đường Nguyễn Văn Linh, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP HCM thì gặp Tổ CSGT Đa Phước thuộc Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt, Công an TP HCM đang làm nhiệm vụ.
Do cả hai điều khiển xe máy chạy trên làn hỗn hợp, vi phạm lỗi "chạy quá tốc độ" (70 km/giờ, tốc độ cho phép là 50 km/giờ) nên CSGT ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra, xử lý theo quy định. Tuy nhiên, người điều khiển xe máy không chấp hành, tông xe vào tổ công tác khiến trung tá Phạm Tân Nhân ngã xuống đường bất tỉnh. Tổ công tác đã khống chế và bàn giao 2 đối tượng cho Công an xã Bình Hưng xử lý.
Hiện trường vụ Kiên Đại Vĩ và Thạch Hồng Hải tông xe vào CSGT
Trung tá Phạm Tân Nhân bị gãy tay phải, gãy cẳng chân phải và nứt xương bánh chè, hiện được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Tại cơ quan điều tra, Vĩ và Hải khai nhận đã vượt 3 chốt giao thông trước khi tông tổ công tác CSGT.
Cũng liên quan đến việc chống người thi hành công vụ, Công an huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai đang tạm giữ Y Jen Niê (SN 1987), Y Faih Niê (SN 1992) và Y Viết Niê (SN 1986, cùng ngụ Đồng Nai).Chiều 15-11, sau khi uống rượu, Y Faih Niê điều khiển xe máy chở Y Jen Niê; còn Y Viết Niê bế con nhỏ về nhà. Khi lưu thông trên đường, xe máy này bị tổ tuần tra CSGT Công an huyện Vĩnh Cửu ra hiệu lệnh dừng để kiểm tra, xử lý do có người không đội mũ bảo hiểm, Y Fail Niê có nồng độ cồn.
Khi tổ tuần tra đưa xe máy lên xe tải để về tạm giữ, năn nỉ không được, Y Jen Niê, Y Fail Niê đến ngăn cản. Cùng lúc, Y Viết Niê xông đến dùng mũ bảo hiểm tấn công trung úy Nguyễn Quốc Phong và lấy xe tháo chạy. Trung úy Nguyễn Quốc Phong bị xây xát vùng mặt.
Cần xem xét tội "Giết người"
Luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP HCM) nhìn nhận thời gian qua, trên địa bàn cả nước đã xảy ra một số trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông cố tình cho xe tông, đụng trực diện vào lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ khi bị yêu cầu dừng lại kiểm tra vi phạm. Hành vi này hết sức nghiêm trọng, xâm phạm trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của lực lượng đang làm nhiệm vụ.
Theo luật sư Nguyễn Văn Đức, cần phải xác định khi người điều khiển tham gia giao thông tông, đụng vào lực lượng làm nhiệm vụ, về ý thức chủ quan, họ biết rõ hành vi đó là cố ý trực tiếp xâm phạm đến tính mạng người thi hành công vụ. Vì vậy, những trường hợp này cần phải khởi tố, xét xử về tội "Giết người" với tình tiết định khung tăng nặng tại điểm d, khoản 1, điều 123 là "Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân".
"Trước đây, có nhiều trường hợp, các cơ quan tố tụng khởi tố, xét xử về tội "Chống người thi hành công vụ" là chưa bảo đảm tính răn đe và chưa đúng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm. Để phòng chống tội phạm đối với nhóm tội này hiệu quả, góp phần tuyên truyền pháp luật, răn đe và phòng ngừa chung, tôi đề nghị áp dụng thủ tục rút gọn, xét xử nhanh chóng, kịp thời. Bởi lẽ, những vụ việc này, hầu hết thuộc trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ, tài liệu rõ ràng" - luật sư Nguyễn Văn Đức nói.
Trong khi đó, bà Vũ Thị Xuân Nhuệ - Trưởng Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự VKSND TP HCM - lưu ý trong các vụ việc người tham gia lưu thông tông CSGT, cần phải xem xét việc dừng xe của người thi hành công vụ đã đúng quy định của pháp luật hay chưa. Bà Nhuệ cho rằng việc người tham gia giao thông đang chạy xe với tốc độ cao nhưng CSGT không giữ khoảng cách sẽ rất nguy hiểm cho bản thân và cho cả người vi phạm.
Bà Vũ Thị Xuân Nhuệ nhìn nhận: "Việc xử lý người vi phạm giao thông cần tuân thủ theo các quy định của pháp luật, cần giữ an toàn cho bản thân và cả người vi phạm. Do đó, nếu nhận thấy người vi phạm hành chính manh động thì cần đề phòng, có thể ghi hình để áp dụng hình thức phạt nguội. Bên cạnh đó, nếu người điều khiển xe chạy tốc độ cao thì có thể thông báo cho cán bộ, chiến sĩ CSGT trạm gần nhất để đón lõng, xử lý. Trong những trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông bỏ chạy để lại hậu quả nghiêm trọng như chống đối CSGT, gây tai nạn cho người đi đường thì cần phải xử lý nghiêm khắc với mức án thật nặng để răn đe, phòng ngừa chung".
Tông chết CSGT, lãnh án chung thân Tối 31-12-2019, Tổ công tác 363 tuần tra trên nhiều tuyến đường ở huyện Hóc Môn, TP HCM thì phát hiện một nhóm thanh thiếu niên đi môtô lưu thông thành đoàn với tốc độ cao, rú ga, nẹt pô gây mất an ninh trật tự. Khi tổ công tác yêu cầu dừng phương tiện để kiểm tra, xử lý, Nguyễn Thành Long (SN 1998) đã lao thẳng xe vào trung úy Nguyễn Phạm Thành Nhân (cán bộ Đội CSGT - Trật tự Công an huyện Hóc Môn) khiến anh té ngã, bất tỉnh và tử vong sau đó do chấn thương sọ não. Trong vụ án này, Nguyễn Thành Long đã bị tuyên phạt tù chung thân về tội "Giết người". |
Nguồn: [Link nguồn]
Những vụ đâm CSGT tương tự sẽ xử theo tội “giết người”, thay vì tội “chống người thi hành công vụ” như trước.