Liên tiếp vỡ ống nước, Vinaconex bị truy cứu hình sự?
Ngày 14/7, trả lời Tiền Phong về trách nhiệm liên quan đến chất lượng đường ống nước sông Đà (liên tục vỡ đến lần thứ 9), nhiều ý kiến cho rằng, cần phải làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư là Tổng Cty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) và các cá nhân liên quan.
Ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), nói, việc phân định trách nhiệm của các đơn vị liên quan đến sự cố liên tục xảy ra vỡ đường ống dẫn nước sạch sông Đà về Hà Nội phải căn cứ vào nguyên nhân sự cố và các quy định của pháp luật.
“Trên cơ sở kết quả kiểm tra, quan trắc, đo đạc phân tích, tính toán của đơn vị kiểm định, nguyên nhân gây vỡ tuyến ống truyền tải nước sông Đà được xác định. Chúng tôi đã có đánh giá, phân định ban đầu về trách nhiệm và sẽ tiếp tục xác định cụ thể hơn”, ông Hải nhấn mạnh.
Công trình đưa vào sử dụng từ năm 2008, với nhiệm vụ “giải tỏa cơn khát” cho người dân Thủ đô, nhưng đến nay công trình đạt “Cúp vàng chất lượng xây dựng Việt Nam” (năm 2010) với số vốn đầu tư lên tới 1.500 tỷ đồng lại trở thành “cơn ác mộng” trong đời sống sinh hoạt của hơn 70.000 hộ dân. Điều đáng nói, mỗi lần sự cố xảy ra, phía chủ đầu tư công trình là Vinaconex, chỉ biết cố gắng khắc phục sự cố, còn những khó khăn vì mất nước sinh hoạt người dân không cá nhân nào đứng ra nhận trách nhiệm.
Đường nước sông Đà liên tục bị vỡ
Trong thông báo mới đây, Bộ Xây dựng cũng chỉ rõ Vinaconex sẽ phải chịu trách nhiệm cao nhất về công tác quản lý chất lượng trong toàn bộ quá trình thi công đường nước sông Đà, và khẳng định tiếp tục tìm hiểu để phân định trách nhiệm cụ thể. Trong khi dư luận đang chờ Bộ Xây dựng làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan thì đường ống sông Đà lại vỡ. Đặc biệt, trong 3 ngày 10 – 12/7, ống nước sông Đà liên tiếp vỡ 2 lần. Sự cố lần thứ 9 xảy ra chỉ một ngày sau khi khắc phục xong sự cố lần thứ 8.
Đánh giá về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng thừa nhận, việc công trình nghìn tỷ thường xuyên gặp sự cố có phần trách nhiệm của TP khi chưa phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư để kiểm tra, giám sát về thiết kế, thi công dự án, nhất là tuyến đường ống.
Theo ông Lê Văn Dục - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, trong cuộc họp cuối tuần qua, lãnh đạo TP đã huy động tất cả các đơn vị có năng lực, tổ chức thi công tuyến ống độc lập từ Hòa Lạc về vành đai III Hà Nội nhằm giảm áp cho tuyến ống sông Đà hiện nay. Phương án là vừa thiết kế, vừa thi công, vừa hoàn thiện trong thời gian 70 ngày song phải bảo đảm chất lượng, an toàn tuyệt đối.
“Hà Nội cam kết, sẽ giám sát chặt chẽ mọi khâu, từ thiết kế tới thi công, nghiệm thu tuyến ống số 2 này, đảm bảo chất lượng và an toàn trong quá trình vận hành sau này, không để tái diễn tình trạng lo vỡ, bục ống như tuyến số 1 hiện nay”, lãnh đạo Sở Xây dựng nhấn mạnh.
Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự
“Trách nhiệm ở đây chắc không chỉ dừng ở trách nhiệm kinh tế hay hành chính nữa, mà có thể làm rõ nếu đủ cơ sở có thể truy cứu trách nhiệm hình sự của cá nhân liên quan”. Bà Bùi Thị An |
Trao đổi với PV, đại biểu Quốc hội Bùi Thị An cho rằng, một công trình trọng điểm đã vinh dự nhận cúp Vàng chất lượng xây dựng nhưng lại để xảy ra sự cố thì cũng cần phải sòng phẳng và phải làm rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan.
Theo bà An, để đường ống nước sông Đà bị vỡ tới lần thứ 9 là điều không thể chấp nhận được. Điều này cũng thể hiện thái độ thiếu trách nhiệm của các bên có liên quan tới dự án này. “Không thể để cuộc sống của hàng vạn hộ dân bị ảnh hưởng thiếu nước trong những ngày nắng nóng như thế. Tôi cho rằng, chính UBND TP Hà Nội và Bộ Xây dựng phải vào cuộc, chỉ rõ trách nhiệm của chủ đầu tư là Vinaconex cụ thể hơn, trong đó phải làm rõ trách nhiệm cá nhân liên quan”, bà An nói.
Theo bà An, vừa qua Bộ Xây dựng đã kết luận ban đầu tình trạng đường ống nước liên tục bị vỡ có liên quan đến việc thiết kế, thi công, quản lý, kể cả chất lượng ống. Vì thế trách nhiệm này trước hết thuộc về phía chủ đầu tư Vinaconex và Bộ chủ quản. Khi làm rõ trách nhiệm, phải có biện pháp xử lý đến nơi đến chốn người có liên quan, có như vậy mới đủ sức răn đe. Trách nhiệm ở đây chắc không chỉ dừng ở trách nhiệm kinh tế hay hành chính nữa, mà có thể làm rõ nếu đủ cơ sở có thể truy cứu trách nhiệm hình sự của cá nhân liên quan.
Đến bây giờ dư luận có quyền đặt câu hỏi, sau tới 9 lần vỡ và có thể sẽ còn vỡ nữa, tại sao các cơ quan chủ quản, cấp trên vẫn chỉ im lặng và không đưa ra bất cứ một hình thức xử lý kỷ luật nào? Đây là một điều rất khó hiểu và càng không thể chấp nhận được.
Với một công trình lớn, rất quan trọng, tiêu tốn lên đến hàng ngàn tỷ đồng của dân, liên quan trực tiếp đến 70 nghìn hộ dân mà chỉ giao duy nhất một đơn vị vừa thiết kế, vừa thi công, giám sát như vậy là điều rất bất thường. Có phải vì anh “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, cho nên khi xảy ra sự cố lại không thể quy trách nhiệm cụ thể được.