Liên tiếp các vụ mất tiền khủng khi gửi ngân hàng: Ai phải bồi thường?

Sự kiện: Tin nóng

Hàng loạt vụ khách hàng mất tiền tỷ khi gửi tiền tại ngân hàng xảy ra gần đây khiến không ít người hoang mang. Theo các chuyên gia pháp lý, phía ngân hàng phải có trách nhiệm bồi thường...

Gửi tiền ngân hàng, bỗng dưng mất tiền tỷ

Mới đây, bà Hồ Thị Thùy Dương (ở TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) phát hiện tài khoản mở tại Ngân hàng S.acombank Chi nhánh Khánh Hòa bị mất tiền nên đề nghị ngân hàng trích lục sao kê. Kết quả, có tổng cộng 12 giao dịch (9 giao dịch rút tiền mặt và 3 giao dịch chuyển khoản) diễn ra từ 04/5/2022 đến 14/6/2022, với số tiền 46,9 tỉ đồng.

Theo kết quả xác minh ban đầu, Nguyễn Thị Thanh Hà (Phó Phòng Giao dịch Sacombank Cam Ranh, đã bị khởi tố về tội “Tham ô tài sản”) cùng các cấp dưới đã chiếm đoạt 46,9 tỉ đồng từ tài khoản của bà Dương.

Trước đó, bà Trần Thị Thanh X, Giám đốc Công ty Q.H có trụ sở ở huyện Củ Chi, TP. HCM đã có đơn phản ánh về việc tháng 3/2015, công ty bà có mở tài khoản tại V. để phục vụ công việc kinh doanh.

Toàn bộ số tiền khách hàng mua bán nông sản với công ty đã giao dịch qua tài khoản là 26 tỷ đồng. Chỉ đến khi bà X đến ngân hàng rút tiền mới biết toàn bộ tiền trong tài khoản đã biến mất, chỉ còn vài trăm nghìn đồng. Hiện vụ việc đang được xác minh làm rõ.

Nhiều khách hàng đã gửi tiết kiệm hàng tỷ đồng tại các ngân hàng (ảnh minh hoạ)

Nhiều khách hàng đã gửi tiết kiệm hàng tỷ đồng tại các ngân hàng (ảnh minh hoạ)

Tương tự, cách đây không lâu, bà Ngô Phương A (Đà Lạt) đã gửi đơn tố cáo ông Phạm Thế L - nguyên Giám đốc một phòng giao dịch của BIDV lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt 32 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm của bà cũng từng khiến dư luận xôn xao.

Sau những vụ việc trên, điều được nhiều người dân quan tâm là, theo quy định, trách nhiệm của các ngân hàng ra sao?

Khách hàng có quyền khởi kiện

Dưới góc độ pháp lý, theo luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội), việc người dân bị mất tiền gửi tại các ngân hàng cho thấy lỗ hổng và khoảng trống lớn trong việc quản lý tiền gửi của khách hàng, sự xuống cấp về đạo đức của một bộ phận cán bộ ngân hàng.

Khi khách hàng gửi tiền vào ngân hàng, giữa khách hàng và ngân hàng đã xác lập một hợp đồng gửi giữ tài sản. Theo Điều 559 BLDS 2015, hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, còn bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công.

Bên giữ tài sản có nghĩa vụ bảo quản tài sản như đã thoả thuận, trả lại tài sản cho bên gửi theo đúng tình trạng như khi nhận giữ; Chỉ được thay đổi cách bảo quản tài sản, nếu việc thay đổi là cần thiết nhằm bảo quản tốt hơn tài sản đó nhưng phải báo ngay cho bên gửi biết về việc thay đổi;

Báo kịp thời bằng văn bản cho bên gửi biết về nguy cơ hư hỏng, tiêu hủy tài sản do tính chất của tài sản đó và yêu cầu bên gửi cho biết cách giải quyết trong một thời hạn;

Nếu hết thời hạn đó mà bên gửi không trả lời thì bên giữ có quyền thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo quản và yêu cầu bên gửi thanh toán chi phí; Phải bồi thường thiệt hại, nếu làm mất mát, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.

Cũng theo Luật sư Thu, Điều 10 Luật Các tổ chức tín dụng nêu rõ, để bảo vệ quyền lợi của khách hàng các tổ chức tín dụng phải có trách nhiệm như: Tham gia tổ chức bảo toàn, bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật và công bố công khai việc tham gia tổ chức bảo toàn, bảo hiểm tiền gửi tại trụ sở chính và chi nhánh; Tạo thuận lợi cho khách hàng gửi và rút tiền, bảo đảm thanh toán đủ, đúng hạn gốc và lãi của các khoản tiền gửi…

Ngoài ra, theo Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-NHNN, chủ tài khoản có các nghĩa vụ kịp thời thông báo cho tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán nơi mở tài khoản khi phát hiện thấy có sai sót, nhầm lẫn trên tài khoản của mình hoặc nghi ngờ tài khoản của mình bị lợi dụng…

Như vậy, trong thời gian phía khách hàng và ngân hàng đang thực hiện hợp đồng gửi giữ tài sản, nhưng phía ngân hàng để mất tiền của khách hàng thì phía ngân hàng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm, phải bồi thường cho khách hàng một cách kịp thời tránh ảnh hưởng tới uy tín.

Trường hợp nhân viên ngân hàng là người chiếm đoạt tiền gửi của khách thì ngân hàng phải có trách nhiệm trình báo, phối hợp cùng cơ quan công an làm rõ vụ việc vì phía ngân hàng là bên quản lý tài sản, khi đó ngân hàng là bị hại trong vụ án hình sự.

Nếu ngân hàng cố tình không nhận trách nhiệm, không bồi thường cho khách hàng thì khách hàng hoàn toàn có quyền khởi kiện vụ án dân sự yêu cầu ngân hàng phải bồi thường toàn bộ thiệt hại - Luật sư Thu nhấn mạnh.

Nguồn: [Link nguồn]

Vụ khách hàng tố bị 'bốc hơi' gần 47 tỉ trong tài khoản: Thông tin bất ngờ từ phía ngân hàng

Liên quan đến vụ việc một người dân ở TP. Cam Ranh (tỉnh Khánh Hoà) tố bị “bốc hơi” gần 47 tỉ đồng, phía Ngân hàng Sacombank này bất ngờ cho người liên hệ với người...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo H.L ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN