Liên Hợp Quốc ủng hộ cuộc chiến chống IS của Obama
LHQ ra nghị quyết ủng hộ cuộc chiến chống IS do Mỹ khởi xướng bằng những biện pháp quyết liệt.
Ngày 24/9, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã nhất trí thông qua một nghị quyết do Tổng thống Mỹ Barack Obama đề xuất nhằm ngăn chặn tình trạng chiến binh nước ngoài lũ lượt đổ về Trung Đông tham gia các tổ chức cực đoan.
Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết theo đề xuất của ông Obama
13 nhà lãnh đạo thế giới đã tham gia bỏ phiếu, và chỉ có 2 thành viên Hội đồng Bảo an là Nga và Trung Quốc không cử người đứng đầu chính phủ tham gia mà chỉ cho bộ trưởng ngoại giao làm đại diện. Đây là lần thứ 6 kể từ năm 1946 đến nay các nguyên thủ quốc gia mới tề tựu đông đủ như vậy trong một phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Nghị quyết mang tính ràng buộc của Liên Hợp Quốc yêu cầu các quốc gia ngăn chặn công dân của mình ra người ngoài với mục đích hoạt động khủng bố. Động thái này đã mở ra một mặt trận mới trong cuộc chiến không biên giới chống lại phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) hiện đang lộng hành ở Iraq và Syria.
Tuy nhiên, ông Obama cũng cảnh báo rằng nghị quyết này là chưa đủ để tiêu diệt IS, và lãnh đạo các nước cần phải tiếp tục cụ thể hóa nó bằng các quy định luật pháp trong nước cụ thể.
Tên lửa Tomahawk của Mỹ khai hỏa tấn công IS ở Syria
Hầu hết nguyên thủ các nước đều bày tỏ sự ủng hộ với các biện pháp chống khủng bố mới và cho rằng cộng đồng quốc tế phải có hành động quyết liệt ngay trong mỗi nước để ngăn chặn các chiến binh nước ngoài làm trầm trọng hơn cuộc xung đột. Hơn 100 quốc gia đã ký vào nghị quyết với tư cách là nước đồng bảo trợ.
Theo ước tính của Mỹ, khoảng 15.000 chiến binh từ khắp thế giới đã tới Syria và Iraq để tham gia thánh chiến, gây ra nỗi quan ngại về an ninh ngày càng lớn vì họ có thể làm trầm trọng thêm cuộc xung đột hiện nay ở khu vực này, và sau đó trở về nước để thực hiện những vụ tấn công khủng bố kinh hoàng.
Nghị quyết trên được Liên Hợp Quốc thông qua chỉ vài giờ sau khi phiến quân Algeria có quan hệ với IS chặt đầu một con tin người Pháp. Ngoài việc đưa ra các biện pháp hạn chế đi lại mới, nghị quyết còn kêu gọi các nước tăng cường chia sẻ tình báo để kịp thời ngăn chặn bất cứ đối tượng nào bị nghi ngờ ra nước ngoài vì mục đích khủng bố.
Ngày càng có nhiều người nước ngoài, kể cả phụ nữ, tham gia thánh chiến cùng IS
Liên Hợp Quốc hiện vẫn duy trì danh sách đen những kẻ khủng bố trên toàn cầu được tạo ra kèm theo nghị quyết số 1267. Trong danh sách đen này là hàng trăm cá nhân bị các quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an liệt vào danh sách khủng bố và nằm trong diện bị cấm đi lại.
Hiện một số quốc gia trên thế giới như Úc và Canada đã áp dụng các biện pháp hạn chế công dân đi lại để đề phòng khủng bố, trong đó biện pháp phổ biến nhất là tịch thu hoặc hủy bỏ giá trị hộ chiếu và giấy thông hành của những đối tượng nằm trong danh sách đen.