Liberia thất bại ngăn ngừa virus Ebola lây lan
Cơ quan chức năng Liberia ngày 22/8 thông báo, tại tỉnh Sinoe, thành lũy duy nhất chưa bị “thần chết” Ebola ghé thăm, cuối cùng đã có 2 người tử vong vì dịch bệnh này, nâng số ca tử vong tại Liberia lên 624 trường hợp.
Bắt đầu bùng phát từ tháng 3 virus Ebola đã nhanh chóng lan rộng từ Guinea tới Liberia, Sierra Leone và Nigeria, cho tới nay đã có 1.427 người thiệt mạng vì dịch bệnh này. Ông George Williams, người đứng đầu Hiệp hội Nhân viên Y tế của Liberia cho biết: “Sinoe là khu vực cuối cùng tại Liberia bị ảnh hưởng bởi Ebola.”
Trong những ngày gần đây, quốc gia này đã chứng kiến tình cảnh hỗn loạn sau khi có sự gia tăng đột biến số lượng người tử vong vì Ebola. Nhân viên cứu trợ cho biết các lò hỏa táng tại thủ đô Monrovia đã rơi vào tình trạng quá tải, khi họ phải rất vất vả để giải quyết những thi thể được đưa tới đây mỗi ngày. Trong khi đó vào đầu tuần này, bạo lực đã xảy ra tại một khu vực cách ly bệnh nhân Ebola sau khi cảnh sát nổ súng vào đám đông người biểu tình.
Đã có 1.427 người thiệt mạng vì Ebola
Trong nỗ lực nhằm tình trạng căng thẳng của cuộc khủng hoảng Ebola, các bác sĩ của tổ chức từ thiện Bác sĩ không biên giới (MSF) đã nỗ lực làm việc hết công suất, gấp 3-4 lần bình thường tại các trung tâm Ebola tại Monrovia.
Bác sĩ Henry Gray của MSF cho biết: “Hiện chúng tôi có khoảng 60 bệnh nhân với sức chứa 120 giường bệnh. Chúng tôi đang nỗ lực hết mình. Trong vòng 10 ngày tới, tôi hy vọng chúng tôi sẽ có một nơi có thể chứa 400 bệnh nhân.’
Trong khi đó, tại quốc gia láng giềng Nigeria, trong thông báo mới nhất, các quan chức nước này cho biết đã có thêm 2 người được xét nghiêm dương tính với Ebola, nâng tổng số người bị nhiễm bệnh lên 14 người trong đó có 5 trường hợp tử vong.
Trước diễn biến phức tạp của Ebola, phát biểu trong cuộc họp báo tại Monrovia, Tiến sĩ Keiji Fukuda, Thư ký Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, nỗ lực để đánh bại dịch bệnh này sẽ phải mất một thời gian.
Ông Keiji Fukuda nói: “Đây không phải là điều gì đó để chúng ta có thể thay đổi chỉ trong một đêm, nó không hề dễ dàng, hy vọng sau nhiều tháng nỗ lực, chúng ta có thể đẩy lui dịch bệnh này.”
Người dân tại Liberia được tuyên truyền về dịch bệnh Ebola
Sự thất bại của các quốc gia Tây Phi nhằm đưa dịch Ebola vào tầm kiểm soát đã khiến các quốc gia láng giếng và cả thế giới rơi vào tình trạng lo lắng, cảnh giác cao độ. Trong tuần qua, Senegal đã đóng cửa biên giới với Guinea, quốc gia đã có 396 người thiệt mạng vì nhiễm Ebola, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Còn tại Gabon, các chuyến bay và chuyến tàu biển tới từ những nước bị ảnh hưởng bởi Ebola bị cấm nhập cảnh vào quốc gia này. Cơ quan chức năng tại đây cho biết, sẽ cung cấp visa cho các du khách tới từ vùng có nhiễm Ebola “dựa trên cơ sở từng trường hợp cụ thể”.
Trong một nỗ lực khẩn cấp để ngăn chặn dịch bệnh, Quốc hội Sierra Leone đã thông qua đạo luật nhằm thi hành mức án tù lên tới hai năm cho bất cứ ai che giấu bệnh nhân nhiễm Ebola khi mà đã có 374 ca tử vong tại đây.
Trong khi đó, lo ngại dịch bệnh tiếp tục lây lan ra khắp châu Phi, Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi dịch Ebola đầu tiên được phát hiện vào năm 1976, cho biết một căn bệnh sốt không rõ nguyên nhân đã khiến 13 người thiệt mạng tại vùng tây bắc nước này kể từ ngày 11/8. Tuy nhiên một quan chức của WHO và MSF, cho biết còn quá sớm để khẳng định những bệnh nhân này chết do sốt xuất huyết. Hiện những người đã tiếp xúc với bệnh nhân đang được cách ly để theo dõi.