Lì xì ngày Tết: Món quà tinh thần hay dịp để kiếm chác, đút lót?
Người phát lì xì cho trẻ em vì tin rằng, trẻ nhỏ có tâm hồn vô tư trong sạch, không xung khắc với ai nên thường đem đến nhiều may mắn trong ngày đầu năm.
Tục lì xì ngày Tết đang biến tướng và mất dần đi ý nghĩa ban đầu. Ảnh minh họa.
Theo chuyên gia văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ – nguyên Giảng viên khoa Ngữ Văn (Đại học khoa học xã hội và nhân văn), lì xì âm Hán Việt là "lợi thị" có nghĩa là tiền lãi do buôn may bán đắt mà có. Vì "lộc bất hưởng tận" nên người ta thường dành tiền lãi san sẻ cho những người khác để cùng chung vui và cầu may hơn nữa.
Từ “lì xì” sau 1975 mới phổ biến ở phía Bắc. Trước đó, người ta gọi tiền đó là tiền "mở hàng", "phát vốn" hoặc là "mừng tuổi". "Mở hàng” hay "phát vốn cũng gắn với việc buôn bán.
Người phát cho trẻ em vì tin rằng, trẻ nhỏ có tâm hồn vô tư trong sạch, không xung khắc với ai nên thường đem đến nhiều may mắn trong ngày đầu năm. Người ra đường gặp trẻ nhỏ đầu tiên cũng tin rằng công việc sẽ suôn sẻ. Lì xì là dành cho trẻ con, còn với người lớn là mừng lão, mừng thọ...
Ông Vĩ lên án việc người lớn “hối lộ” nhau thông qua việc lì xì qua trẻ con trong xã hội ngày nay. Tục lì xì biến thành tệ đút lót, cầu lợi thì đó không còn là lì xì nữa.
Giáo sư Kiều Thu Hoạch - Nghiên cứu viên cao cấp của Viện nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam cho biết thêm, ngày xưa, người lớn thường mừng tuổi trẻ nhỏ bằng những đồng xu một vài hào để lấy may ngày Tết. Nó giống như một món quà tinh thần. Tuy nhiên, ngày nay, việc lì xì ít nhiều biến tướng, với không ít bậc cha mẹ lì xì ngày Tết là một cơ hội để “biếu xén” hoặc “kiếm chác”.
“Trẻ nhỏ ngày nay cũng đang bị ảnh hưởng chung của xã hội vụ lợi và từ chính các bậc phụ huynh. Những hành động làm biến dạng phong tục mừng tuổi chủ yếu là do người lớn gây ra nhưng lại vô tình tác động, ảnh hưởng không tốt đến tâm hồn con trẻ.
Nhiều trẻ chỉ xem việc được người lớn mừng tuổi trong ngày Tết là dịp để “thu hoạch”. Thậm chí, một số em còn đánh giá người lớn keo kiệt hay thoáng, tốt bụng qua tỷ lệ số tiền mà họ mừng tuổi…”, GS Hoạch chia sẻ.
TS Trần Hữu Sơn – nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam thì cho rằng, nguyên tắc lì xì là cha mẹ mừng tuổi con cái, cháu chắt. Con cái trưởng thành mới được mừng tuổi bố mẹ; người chưa làm ra tiền không được mừng tuổi người khác…
Thế nhưng ngày nay, lì xì ít mang lại ý nghĩa vốn có, bắt nguồn từ tác động của kinh tế thị trường nên khó tránh khỏi chuyện trẻ em coi trọng mệnh giá tiền lì xì. Có khi phong tục lì xì biến thành món hàng hóa trao đổi. Người lớn lì xì con trẻ thật nhiều tiền để lấy lòng bố, mẹ; tục lì xì thành văn hóa “phong bì”, cấp dưới mượn cớ để đút lót cho cấp trên...
Để tục lì xì trở lại với ý nghĩa vốn có ban đầu, theo TS Sơn, cần tuyên truyền, vận động để các bậc cha mẹ hiểu được ý nghĩa tốt đẹp của phong tục này. Cha mẹ, người lớn cần phải dạy trẻ cách nhận lì xì sao cho lễ phép, không được so đo nhiều ít, đòi lì xì hay bóc phong bao trước mặt khách…
Kinh tế eo hẹp nên chuyện lì xì ngày Tết cũng khiến nhiều người đau đầu.
Nguồn: [Link nguồn]