Lì xì đầu năm thế nào cho đúng?

Các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, chuyện lì xì ngày nay nhiều khi biến đổi thành hàng hóa, lì xì trẻ nhiều tiền để lấy lòng người lớn.

Lì xì đầu năm: Hiểu cho đúng

Dịp Tết Nguyên đán, người lớn trao cho trẻ em chiếc phong bao nhỏ màu sắc rực rỡ, bên trong có tiền. Đó là tục lệ lì xì đầu năm hay còn gọi làm mừng tuổi.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ (ĐH KHXH&NV - ĐHQG Hà Nội) lý giải hai chữ lì xì là đọc âm Quảng Đông (Trung Quốc) - âm Hán Việt hay dùng là "lợi thị", có nghĩa là "lãi chợ", tiền lãi do chợ búa mà ra. Cũng có thể giải thích là kỳ vọng được lãi trong chợ búa buôn bán.

Lì xì đầu năm thế nào cho đúng? - 1
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Trần Hữu Sơn, tiền lì xì thường là số lẻ để biểu trưng cho sự sinh sôi nảy nở

 

Ở Bắc Bộ và khu 4 trước đây, người ta gọi đó là tiền "phát vốn" hoặc tiền "mở hàng". Nghĩa chung của "lì xì" "phát vốn","mở hàng" là đều gắn với chợ búa.

“Theo tín ngưỡng chung, nếu mình rộng rãi sẽ được kết quả rộng rãi trong làm ăn. Cho nên, vào ngày đầu năm, người ta mở lòng phát cho trẻ em để mong trong năm làm ăn, buôn bán có lãi”, ông Vỹ lý giải.

"Trẻ em trong trắng như thiên thần. Vậy nên, ngày Tết, giao thiệp với trẻ em là lành nhất, trẻ trở thành đối tượng được lì xì. Tuy nhiên, hành động này cũng thể hiện tình yêu, sự gia phúc cho con trẻ để thoả cái thiện tâm của con người", ông Vỹ nói.

Không chỉ trẻ nhỏ mà người già cả cũng được nhận “phong bao đỏ” từ con cháu, gọi là "mừng tuổi" vì người già mong muốn trường thọ.

 

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Trần Hữu Sơn, phong tục mừng tuổi mang ý nghĩa chúc phúc cho đứa trẻ. Trong phong bao lì xì chỉ là tiền có mệnh giá nhỏ.

Các nhà văn hóa cũng cho rằng, lì xì là người trên giúp người dưới có cơ may, tạo cho người dưới có vốn làm ăn. Tiền lì xì thường là số lẻ để biểu trưng cho sự sinh sôi nảy nở. “Vốn” ở đây mang tính tượng trưng nên không quan trọng mệnh giá tiền trong phong bao lì xì.

Thế nào là lì xì đúng cách?

Trước ý kiến cho rằng, ngày nay nhiều trẻ nhỏ rất coi trọng mệnh giá tiền trong phong bao lì xì, ông Vỹ bày tỏ: “Chuyện trẻ con thích nhiều tiền thì thời nào cũng vậy”.

Nếu không vậy đâu có chuyện tranh ăn ở nhà trẻ, đâu có chuyện giành nhau khúc mía, củ khoai. Lên  bốn, năm tuổi trẻ đã biết phân biệt mệnh giá cao thấp.

Lì xì bao nhiêu tuỳ tâm và tuỳ tiền lẻ trong túi người lớn. Có đứa trẻ dại, thấy tiền ít thì vùng vằng hoặc phát ngôn dại dột. Lúc đó người lớn phải ứng xử tế nhị. Sau đó có cách dạy trẻ cho hiệu quả.  

Ông Vỹ dẫn chứng: “Có bà mẹ thấy con như vậy lại suốt ngày bô lô: "Cháu nó cực siêu! Ông A lì xì 10 ngàn nó không thèm nhận!", nói rồi ha hả cười khen con mình. Thế là mẹ hỏng chứ con chưa hỏng đâu”.

Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Hữu Sơn cho rằng, ngày nay bắt nguồn từ tác động của kinh tế thị trường, khó tránh khỏi chuyện trẻ em coi trọng mệnh giá tiền lì xì. Có khi phong tục lì xì biến thành món hàng hóa trao đổi. Người lớn lì xì con trẻ thật nhiều tiền cho con sếp để lấy lòng bố, mẹ; tục lì xì thành văn hóa “phong bì”... Đó là sự biến đổi mang tính tiêu cực.

Theo tiến sỹ Trần Hữu Sơn, để tránh “sự biến đổi tiêu cực” trên, chỉ có cách tuyên truyền, vận động. Đến thời điểm nào đó, con người sẽ nhận thức được rằng, đó là tiêu cực và trở lại đúng ý nghĩa ban đầu của tục mừng tuổi đầu năm.

Ông nhấn mạnh rằng, phong tục lì xì ngày tết mang ý nghĩa chúc phúc, nên không quan trọng ở mệnh giá tiền trong phong bao. Quan trọng là thái độ ân cần, vui vẻ, niềm nở của người mừng tuổi và trẻ em có có thái độ trân trọng, mừng rỡ biết nói lời cảm ơn và chúc Tết.

“Cũng chính bởi thế mà hành động này không gọi là trao quà mà là mừng tuổi”, ông  Sơn cho hay.

Nguồn gốc tục lì xì

Sự tích kể rằng, phong tục lì xì ngày Tết Nguyên đán bắt nguồn từ Trung Quốc. Theo truyền thuyết, có một con yêu quái thường xuất hiện vào đêm giao thừa, thích xoa đầu trẻ con đang ngủ ngon giấc khiến chúng giật mình khóc thét lên. Hôm sau, trẻ đau đầu, sốt cao. Vì vậy các bậc cha mẹ không dám ngủ để canh phòng.

Có một cặp vợ chồng ngoài 50 tuổi mới sinh được mụn con trai. Tết năm ấy, có 8 vị tiên dạo qua nhà, biết trước cậu bé này sẽ gặp tai họa với yêu quái liền hóa thành 8 đồng tiền, ngày đêm túc trực bên bé.

Sau khi chú bé ngủ say, hai vợ chồng lấy giấy đỏ gói những đồng tiền này lại, đặt lên gối con rồi đi ngủ. Nửa đêm, con yêu quái xuất hiện, vừa giơ tay định xoa đầu đứa trẻ thì từ bên chiếc gối lóe lên những tia vàng sáng rực khiến nó sợ hãi bỏ chạy.

Việc lấy giấy đỏ gói tiền được kể lại cho bà con làng xóm. Mọi người vui mừng, bắt chước làm theo và dần dần trở thành phong tục mừng tuổi đầu năm.
 

 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Công Thọ ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN