Li kì cuộc chiến bảo vệ “cụ sưa” 200 tuổi trong ngôi đền cổ

Sự kiện: Thời sự Bắc Ninh

Từng bị kẻ gian cưa trộm nhưng không thành nên người dân thành lập một đội trật tự ngày đêm canh chừng gốc sưa 200 tuổi, đại gia trả hàng chục tỉ nhưng không bán.

Li kì cuộc chiến bảo vệ “cụ sưa” 200 tuổi trong ngôi đền cổ - 1

 Cây sưa quý ở đền Chóa nằm ngay cạnh hồ bán nguyệt, đường kính gần 1 mét và cao khoảng 20 mét.

“Cây vàng bạc” trong ngồi đền cổ

Nằm ven con sông Cầu, đền Chóa (thôn Chân Lạc, xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong, Bắc Ninh) được xem là 1 trong 4 nơi linh thiêng nhất trong tỉnh. Đền nằm trên khu đất cao và ở vị thế cực kỳ phong thủy: trước đền là hồ bán nguyệt rộng vài ha, xung quanh đền là cây cổ thụ chen chúc, tỏa bóng mát.

Ông Nguyễn Hữu Thuấn (59 tuổi) – ông đám (người trông coi đền) cho biết, đền Chóa đã có từ hàng trăm năm nay. Trước đây, quanh đền từng có rất nhiều cây cổ thụ nhưng hiện tại chỉ còn cây sưa là có giá trị.

Li kì cuộc chiến bảo vệ “cụ sưa” 200 tuổi trong ngôi đền cổ - 2

 Ông Nguyễn Hữu Thuấn, người trông coi đền Chóa chỉ vị trí cành sưa từng bị kẻ gian đột nhập nhưng không thành.

Theo quan sát của phóng viên, cây sưa nằm ngay trước cửa đền, ở ven hồ bán nguyệt. Cây có đường kính gần 1 mét, một người ôm không xuể. Thân cây cao chừng hơn 20 mét. Rễ cây nổi vồng lên trên mặt đất với nhiều hình thù kì dị.

Về tuổi của cây sưa, ông Thuấn nhận định: “Chưa ai biết tuổi chính xác của cây sưa nhưng hiện cụ cao tuổi nhất trong làng là 105 tuổi kể lại, từ khi cụ lớn lên đã thấy cây sưa to như bây giờ. Vì thế, tôi đoán cây không dưới 200 tuổi”.

“Mỗi độ tháng 3 về, cây sưa lại nở hoa trắng muốt. Những chùm hoa trắng li ti khiến cây nổi bật lên”, ông Thuấn cho biết thêm.

Theo ông Thuấn, những năm 2009-2010 khi gỗ sưa đang “sốt”, nhiều đại gia về làng đánh tiếng hỏi mua cây sưa. Người trả vài tỉ, có người trả đến hàng chục tỉ. Ở thời điểm đó, số tiền ấy là một tài sản khổng lồ đủ để làm mới toàn bộ khu di tích đang bị xuống cấp trầm trọng. Tuy nhiên, các cụ cao niên trong làng không bán.

“Hồi đó, không ai biết giá trị thực của cây sưa, cũng không ai biết người ta mua về với mục đích gì. Có người đồn đoán bên Trung Quốc mua về để ướp xác; có người lại đồn người ta mua về để nghiền bột pha lẫn vào heroin… Nhưng dù với mục đích gì thì các cụ vẫn không bán vì coi cây như vật linh thiêng gắn bó với lịch sử của đền”, ông Thuấn nói.

Thành lập đội trật tự, ngày đêm canh “cụ” sưa

Ông Thuấn kể tiếp, một đêm tháng Chạp năm 2010, khi mọi người đang chìm trong giấc ngủ thì có một tiếng động lớn phát ra từ phía hồ. Hai người trông giữ đền khi đó là ông Nguyễn Đình Quỳ và Nguyễn Văn Hồng soi đèn thì phát hiện một cành sưa lớn, đường kính khoảng 20cm, dài khoảng 5 mét vừa bị kẻ trộm cưa rơi xuống hồ nhưng chưa kịp tẩu tán.

Li kì cuộc chiến bảo vệ “cụ sưa” 200 tuổi trong ngôi đền cổ - 3

 Cành cây bị cưa trộm ở vị trí thấp nhất và có đường kính khoảng 20cm.

Sau sự cố ấy, dân làng đã thành lập một đội trật tự gồm 8 người để cùng 2 ông đám bảo vệ cây sưa.

“Ban ngày, dân làng thường lui tới đền đông nên kẻ gian không dám hoạt động. Tối đến thì đội trật tự chia làm 2 ca thay phiên nhau trông đến sáng. Đợt cao điểm, đội trật tự phải trải chiếu ngủ ngay gần gốc cây để canh chừng”, ông Thuấn nói.

Ông Thuấn cho biết thêm, thời điểm hiện tại, tình trạng sưa tặc đã hạ nhiệt, đội tự vệ vẫn được duy trì nhưng không còn phải ngày đêm canh gác cây sưa. Chỉ còn 2 ông đám là ông Thuấn và ông Nguyễn Văn Định vừa trông đền vừa để mắt tới cây, khi có động tĩnh gì lập tức liên lạc với đội trật tự đến ứng cứu.

Li kì cuộc chiến bảo vệ “cụ sưa” 200 tuổi trong ngôi đền cổ - 4

 Rễ cây sưa nổi vồng lên mặt đất và lan tỏa đi nhiều hướng để tìm dinh dưỡng nuôi cây.

Khi được hỏi, có sợ nếu kẻ gian đột nhập vào và làm hại để trộm cây, ông Thuấn nói: “Kể ra, ở đây đêm đến ít người qua lại, vắng vẻ. Nếu kẻ gian đột nhập làm hại thì cũng không biết đường nào mà lần. Nhưng đã được dân làng tín nhiệm, cắt cử ra đây trông coi thì chúng tôi phải làm hết trách nhiệm. Vì thế, cứ tối đến là chúng tôi cửa đóng then cài, nếu không phải người quen thì dứt khoát không mở cửa để đảm bảo an toàn”.

Cận cảnh “cụ” sưa 400 tuổi được đại gia gỗ săn đón ở Bắc Ninh

Ngoài cây sưa 200 tuổi vừa được bán được 26 tỷ đồng, đình làng Đông Cốc còn có một cây sưa 400 tuổi và rất nhiều...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN