LHQ: Triều Tiên có nhiều chiêu né cấm vận
LHQ cho rằng Triều Tiên có nhiều kỹ thuật tinh vi để né lệnh cấm vận của quốc tế.
Ngày 11/3, trong một báo cáo nộp cho Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nhiều chuyên gia cho rằng các cuộc thanh sát và bắt giữ hàng hóa bị cấm gần đây cho thấy Triều Tiên đang sử dụng những kỹ thuật “ngụy trang” và đánh lạc hướng ngày càng tinh vi hơn để né lệnh cấm vận của cộng đồng quốc tế.
Sau khi Triều Tiên thực hiện một loạt các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa trong 10 năm qua, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã ra nghị quyết kêu gọi các nước áp dụng lệnh cấm vận chặt chẽ hơn nữa nhằm hạn chế khả năng tài chính và kỹ thuật của Triều Tiên trong việc chế tạo vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Tàu chở vũ khí Chong Chon Gang của Triều Tiên bị Panama bắt giữ
Trong báo cáo thường niên về Triều Tiên mới được công bố hôm qua trên website của Liên Hợp Quốc, một nhóm 8 chuyên gia đến từ nhiều nước khác nhau cho rằng Triều Tiên vẫn tìm cách chống lại nghị quyết này không chỉ với việc tiếp tục chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của mình mà còn khuyến khích việc buôn bán vũ khí bất hợp pháp.
Ủy ban 8 chuyên gia này cho biết: “Triều Tiên rất thuần thục trong việc né cấm vận. Họ đang tăng cường sử dụng nhiều kỹ thuật đánh lạc hướng nhiều tầng nhiều lớp.”
Ủy ban này cho rằng vụ tàu chở hàng Chong Chon Gang của Triều Tiên bị Panama bắt vì chở vũ khí cho thấy một vài kỹ thuật đánh lạc hướng của nước này. Con tàu này đã bị nhà chức trách Panama giữ lại sau khi phát hiện nhiều vũ khí không khai báo được ngụy trang bên dưới 10.000 tấn đường từ Cuba.
Một cuộc điều tra được tiến hành sau đó cho thấy các thủy thủ Triều Tiên đã sử dụng mật mã để liên lạc, làm giả nhật ký tàu và tắt thiết bị điện tử cung cấp thông tin theo thời gian thực về vị trí của con tàu cho nhà chức trách hàng hải quốc tế. Ủy ban này cũng nghi ngờ đại sứ quán Triều Tiên ở Cuba và Singapore đã hỗ trợ thu xếp cho chuyến tàu chở vũ khí này.
Trong khoang chở hàng của con tàu này giấu 6 hệ thống tên lửa phòng không và 25 container chứa các bộ phận tháo rời của 2 máy bay MIG-21, 15 động cơ MIG-21 cùng các bộ phận tên lửa khác. Cuba cho biết họ đã gửi số vũ khí này tới Triều Tiên để sửa chữa.
Theo ủy ban trên, vụ việc tàu Chong Chon Gang đã phần nào xác nhận thông tin rằng một trong những nguồn lợi nhuận lớn nhất của Triều Tiên vẫn là xuất khẩu vũ khí cũng như hoạt động hỗ trợ công nghệ nhằm sản xuất và tân trang các loại vũ khí được chế tạo từ thời Liên Xô.