LHQ lên tiếng về giàn khoan TQ trên Biển Đông
Liên Hợp Quốc sẵn sàng đóng vai trò trung gian để giải quyết các "tranh chấp hiện nay trên Biển Đông".
Ngày 11/6, Liên Hợp Quốc đã chính thức lên tiếng sau khi nhận được tuyên cáo của Trung Quốc trắng trợn vu vạ Việt Nam xung quanh hoạt động phi pháp của giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Người phát ngôn Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric cho biết Tổng Thư ký Ban Ki-moon nói rằng Liên Hợp Quốc sẵn sàng đứng ra đảm nhận "vai trò trung gian cho vấn đề tranh chấp lãnh thổ" nếu các bên liên quan có yêu cầu.
Người phát ngôn Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric
Đài NHK của Nhật Bản dẫn lời ông Dujarric nói rằng ông Ban đã bày tỏ hy vọng rằng vấn đề "tranh chấp trên Biển Đông" sẽ được giải quyết một cách hòa bình theo luật pháp quốc tế.
Tuyên bố này của Liên Hợp Quốc được đưa ra sau khi đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Wang Min đưa ra tuyên cáo vu vạ rằng tàu Việt Nam đã “đâm tàu Trung Quốc hơn 1.400 lần” xung quanh khu vực giàn khoan 981 mà Trung Quốc ngang nhiên kéo vào vùng biển của Việt Nam bất chấp luật pháp quốc tế.
Những hành động hung hăng, ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông
Trung Quốc cũng tuyên bố rằng họ có chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông, nhưng những gì mà họ đưa ra để chứng minh cho tuyên bố đầy phi lý này chỉ là một tấm bản đồ từ giữa thế kỷ 20 thể hiện một đường chín đoạn đầy mơ hồ mà họ gọi là “biên giới quốc gia trên biển” cùng những tuyên bố lịch sử không rõ ràng từ hơn 1000 năm trước đây.
Các chuyên gia pháp lý quốc tế cho rằng những “chứng cứ” mà Trung Quốc đưa ra không hề có giá trị về mặt pháp lý theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan 981 và đội tàu hộ tống ra khỏi vùng biển Việt Nam
Ngay bản thân Trung Quốc cũng thừa nhận mình đuối lý khi ngang ngược tuyên bố rằng đường chín đoạn này của họ không nằm trong phạm vi điều chỉnh của UNCLOS, mặc dù Trung Quốc là quốc gia ký kết công ước này.
Phản ứng trước việc vu cáo trắng trợn của Trung Quốc, Việt Nam cũng đã đệ trình hồ sơ chứng minh chủ quyền không thể chối cãi của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan 981 và các tàu hộ tống ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.