LHQ: Cấm vận Triều Tiên đã có tác dụng
Các biện pháp trừng phạt tài chính, cấm vận vũ khí và nhiều hạn chế thương mại quốc tế ngày càng nghiêm khắc đối với Triều Tiên đã có tác dụng làm chậm đáng kể sự mở rộng chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, theo báo cáo của ủy ban thuộc Liên Hợp Quốc.
Báo cáo hàng năm mới nhất do nhóm giám sát cấm vận của Liên Hợp Quốc được đưa ra trong bối cảnh Mỹ nỗ lực thuyết phục Trung Quốc rằng các biện pháp cấm vận và trừng phạt kinh tế đối với nước hàng xóm là cần thiết để chấm dứt chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
“Các biện pháp trừng phạt chưa chấm dứt được chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân, nhưng đã làm chậm đáng kể chương trình của Triều Tiên thông qua các biện pháp trừng phạt tài chính và cấm vận vũ khí nhờ việc cắt đứt nguồn tài chính rót cho các hoạt động bị cấm”, báo cáo dài 52 trang cho biết.
Bản báo cáo đánh giá quá trình tính đến cuối tháng trước, nên các nhà ngoại giao cho biết vẫn còn quá sớm để đánh giá hiệu quả của gói biện pháp trừng phạt mới nhất của Liên Hợp Quốc áp dụng từ tháng 3.
Trong báo cáo gửi đến Ủy ban cấm vận Triều Tiên thuộc Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, ban chuyên gia đề xuất cấm vận 3 tổ chức và 12 cá nhân ở Triều Tiên. Báo cáo này sẽ được gửi lên hội đồng gồm 15 quốc gia hay không phụ thuộc vào các đề xuất.
Bức ảnh do hãng thông tấn KCNA đăng tải gần đây nói rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un họp với các tướng lĩnh để lên kế hoạch tấn công Mỹ
3 tổ chức bị đề xuất đưa vào danh sách đen là Bộ Công nghiệp năng lượng nguyên tử, Bộ Công nghiệp đạn dược thuộc Ủy ban trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, và Cục phát triển hàng không quốc gia.
Trong số các cá nhân bị đề xuất trừng phạt gồm bộ trưởng công nghiệp năng lượng nguyên tử, và 4 quan chức cao cấp thuộc Sở công nghiệp đạn dược.
Báo cáo cũng đề xuất cấm một người Kazakhstan là Aleksandr Viktorovich Zykov, 2 người Ukraine gồm Iurii Lunov và Igor Karev-Popov vì dính líu tới các thương vụ buôn bán vũ khí liên quan tới Triều Tiên.
Bình Nhưỡng đang chịu lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc, Mỹ, Liên minh châu Âu, trong đó có lệnh cấm buôn bán mọi loại vũ khí do Liên Hợp Quốc áp đặt để hạn chế chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Báo cáo nói rằng Triều Tiên tiếp tục vi phạm lệnh cấm mua hàng xa xỉ. Từ tháng 5/2012, Nhật Bản báo cáo phát hiện 9 trường hợp nghi vấn vi phạm lệnh cấm buôn bán rượu, thuốc lá, các mặt hàng điện tử, ô-tô và mỹ phẩm.
Các nhà ngoại giao Liên Hợp Quốc nói rằng Trung Quốc, đồng minh và đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, tiếp tục đóng vai trò chủ chốt trong hiệu quả của các biện pháp cấm vận đối với Triều Tiên, cho dù điều này không được đề cập công khai trong báo cáo.
Bắc Kinh đã cam kết sẽ chấp hành đầy đủ gói biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc áp dụng từ tháng 3, dù chưa rõ Trung Quốc sẽ thực hiện đến mức nào.
Gần đây, Ngân hàng Trung Quốc đã đóng tài khoản của Ngân hàng Ngoại thương Triều Tiên sau khi tổ chức tài chính này bị Washington cáo buộc rót tiền cho chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Washington vẫn thúc giục Bắc Kinh áp dụng biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại Triều Tiên để giúp chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân và Bắc Kinh công khai phản đối.
Trong khi đó, Hàn Quốc hôm nay nói rằng Nhật Bản cử phái đoàn sang Triều Tiên mà không báo cho Seoul hay Washington. “Chuyến thăm bất thường” của một cố vấn của Thủ tướng Shinzo Abe tới Triều Tiên khiến Seoul lo ngại chuyến đi có thể làm hỏng nỗ lực phối hợp đối phó với Bình Nhưỡng.
Báo chí Triều Tiên xác nhận phái đoàn của Nhật do ông Isao Iijima flew bay tới Bình Nhưỡng từ hôm qua, nhưng không nói mục đích hay chi tiết chuyến đi.