LHQ bỏ phiếu đưa Triều Tiên ra tòa án quốc tế
Đa số các nước trong Đại hội đồng Liên hợp quốc ủng hộ đưa Triều Tiên ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế.
Ngày 18/11, Ủy ban Nhân quyền của Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bỏ phiếu yêu cầu Hội đồng Bảo an xem xét đưa tình hình vi phạm nhân quyền ở Triều Tiên ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC).
Một cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc
Với đa số áp đảo, các quốc gia trong Đại hội đồng đã nhất trí thông qua dự thảo nghị quyết gia tăng sức ép buộc lãnh đạo Triều Tiên phải nhận trách nhiệm trước tình trạng “vi phạm nhân quyền nghiêm trọng” ở nước này.
Bản dự thảo nghị quyết do Liên minh châu Âu và Nhật Bản soạn thảo được đưa ra dựa trên kết quả điều tra của một báo cáo viên đặc biệt do Tổng Thư ký LHQ bổ nhiệm về tình hình nhân quyền của Triều Tiên cũng như báo cáo của Uỷ ban Điều tra.
Bản báo cáo với lời khai của hơn 80 nạn nhân và nhân chứng này đã mô tả tình hình vi phạm nhân quyền “phổ biến và có hệ thống” ở Triều Tiên như tra tấn, giam giữ tùy tiện, thủ tiêu, hành hình và đối xử vô nhân đạo.
Trước khi cuộc bỏ phiếu này diễn ra, Bình Nhưỡng đã tích cực vận động hành lang nhằm rút điều khoản đưa ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế trong bản dự thảo nghị quyết nhưng không thành công. Một điều khoản sửa đổi do Cuba đề xuất cắt bỏ đoạn đưa Triều Tiên ra trước ICC trong dự thảo nghị quyết cũng bị Ủy ban Nhân quyền LHQ bác bỏ.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un
Ông Choe Myong-nam, Phó Tổng Thư ký phái bộ Triều Tiên tại LHQ cho rằng bản dự thảo nghị quyết trên là sản phẩm của một âm mưu chống lại chính phủ Triều Tiên. Theo ông Choe, bản báo cáo của Ủy ban Điều tra đầy những “lời khai dối tra” từ những kẻ đào tẩu “tội phạm”.
Ông này cũng cáo buộc Mỹ và đồng minh đang đứng đằng sau chiến dịch chống lại Bình Nhưỡng, và có vẻ như ông đã lên giọng đe dọa rằng Triều Tiên sẽ tiếp tục thử hạt nhân nếu bị cộng đồng quốc tế gây sức ép.
Quan chức Triều Tiên này phát biểu: “Chiến dịch nhân quyền phi lý và lố bịch do Mỹ và chư hầu dàn dựng chống lại hệ thống xã hội và nhà nước Triều Tiên khiến chúng tôi cảm thấy không cần phải kiềm chế trong hoạt động thử hạt nhân”.
Dự thảo nghị quyết này đã nhận được sự ủng hộ của 111 quốc gia, tuy nhiên cũng có một số quốc gia bỏ phiếu trắng, trong đó gần một nửa là các nước châu Phi vốn không mấy tin tưởng vào ICC.
Chỉ có 19 quốc gia bỏ phiếu chống dự thảo nghị quyết đòi đưa Triều Tiên ra trước tòa án quốc tế này. Trung Quốc và Nga cũng bỏ phiếu phản đối bản dự thảo nghị quyết, và khi nó được trình ra trước Hội đồng Bảo an, nhiều khả năng biện pháp này sẽ bị hai nước trên phủ quyết.
Sau khi được Đại hội đồng thông qua, bản dự thảo nghị quyết này sẽ được đưa ra xem xét chính thức trước Hội đồng Bảo an vào tháng 12 tới đây.