'Lên đời' cho thực phẩm bẩn: Nhặt rác về bán, chế biến món ăn
Hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm tập thể gây hậu quả nghiêm trọng thời gian qua khiến cộng đồng bất an. Điều tra của phóng viên Tiền Phong về những mánh khóe “lên đời” thực phẩm nhằm bóc tách một phần mảng tối của tảng băng chìm.
Hàng ngày, số rau củ, quả hư hỏng tại chợ đầu mối nông sản (ĐMNS) Thủ Đức được các chủ sạp đổ bỏ thành đống tại đường A và đường B (lối di chuyển ra - vào ở 2 bên hông và lối đi tiếp giáp với bãi đậu xe container) để nhân viên vệ sinh thu gom chuyển đi. Tuy nhiên, đường đi của loại rác này không đến nơi tiêu hủy...
Nhặt rác về… ăn
Khoảng 7 giờ ngày 27/7, gần 10 người tranh nhau nhặt những củ khoai tây sậm màu, nhầy nhụa được đổ tràn ra đường B tại khu nhà lồng chợ B. Toàn bộ đống rác rau phế phẩm này có chiều dài hơn 3m và chiều ngang hơn 2m. Đây là số khoai tây bị hư hỏng, dính đầy nước, mềm nhũn… không thể bán cho khách hàng nên chủ sạp mang đi đổ.
Kế bên là đống lá bắp cải úa vàng, hàng chục xốp lưới trắng bọc rau củ nằm vương vãi khắp nơi. Ít phút sau, hai thanh niên dùng xe kéo hàng đẩy tiếp các sọt tre chứa khoảng 30kg khoai tây bị hư hỏng ra đổ bỏ thì những người này xúm lại, nhặt lia lịa bỏ vào bao.
Những người nhặt khoai tây trong đống rác ở chợ ĐMNS Thủ Đức vào sáng 27/7. Ảnh: Thuận Nhàn
Một người đàn ông hơn 50 tuổi cho biết, hàng ngày ông đều chạy xe máy từ nhà ở phường Lái Thiêu (thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương) lên chợ ĐMNS Thủ Đức với quãng đường khoảng 6km để nhặt rau củ hư hỏng đem về sử dụng và cho hàng xóm.
Nhặt được khoảng 5kg khoai tây cho vào túi nylon, người đàn ông này chất lên xe máy để chở về. Trước đó, ông này cũng đã nhặt khoảng 2kg chanh bị hỏng và các tiểu thương đã vứt đi. “Ngày nào tôi cũng đi nhặt. Ăn không nhiều nhưng tôi cho người ta”, người đàn ông này nói.
Sáng 28/7, nhiều người phụ nữ cầm theo túi ngồi nhặt các loại rau phế phẩm được vứt bỏ dọc theo đường B. Tại đống lá cải bẹ xanh, người phụ nữ lớn tuổi ngồi xổm và dùng hai tay xốc lên để tìm lá cải còn tươi rồi cho vào túi đặt kế bên.
Chợ ĐMNS Thủ Đức (phường Tam Bình, thành phố Thủ Đức, TPHCM) là một trong ba chợ đầu mối lớn nhất TPHCM với lượng trái cây, rau củ quả nhập về lên tới hàng nghìn tấn mỗi đêm.
Khi được hỏi lý do nhặt cải bẹ xanh, bà này nói mang về làm dưa muối, nếu ăn không được thì sẽ cho heo.
Khi thấy chúng tôi cũng nhặt đem về, người này liền chỉ vào khu nhà lồng chợ B và nói vào đó mua với giá 5 nghìn đồng/kg.
Sáng 8/8, chúng tôi thấy hai người phụ nữ đang lúi húi nhặt nhạnh ớt sừng và củ hành tím tại đống rác nằm khuất trong khu nhà lồng chợ A nên đến “xin” nhặt cùng. Một người phụ nữ nói cứ thoải mái nhặt vì số lượng ớt bỏ đi rất nhiều và còn ngon.
“Ớt ngon không à. Lượm đi, ăn được mà. Tôi lượm về ăn, cho mấy bà chị và lối xóm”, người này vừa nói vừa dốc ngược túi nylon đổ hàng chục quả ớt ẩm ướt nằm xen kẽ với vỏ hành tím ra đống rác để lựa.
Cạnh đó, một người đàn ông trung niên khác cho biết, số ớt này nhặt về để trong tủ lạnh ăn dần và nửa tháng vẫn không bị hỏng.
“Càng nhặt càng mê”
Sau nhiều ngày thâm nhập tại chợ ĐMNS Thủ Đức, nhóm phóng viên Tiền Phong ghi nhận một người phụ nữ tên M. (khoảng 50 tuổi) đi xe tay ga màu xanh, biển số 18L1 - 206.XX thường xuyên có mặt tại đây từ khoảng 7 giờ đến 9 giờ để nhặt các loại rau phế phẩm.
Sáng 30/7, bà M. dựng xe tay ga chất lỉnh kỉnh các rau củ ở gần khu vực bãi đậu xe container rồi đi bộ đến khu vực đổ rau phế phẩm ở nhà lồng chợ B. Sau một hồi quan sát, bà M. bắt đầu ngồi nhặt những củ hành tây bị vứt bỏ và dùng dao gọt bỏ đi phần hư hỏng rồi cho vào túi nylon đặt kế bên. “Các củ hành này sẽ bán được “khối tiền”.
Vào sạp mua 2 củ hành thì giá 10 nghìn đồng, còn mình bán 4 - 5 củ này (củ hành sau khi cắt bỏ phần hư hỏng - PV) với giá 10 nghìn đồng thì người ta mua hết. Nó cũng ngon nhưng các củ hành này bị vào nước (ngấm nước - PV) rồi nên để lâu không được”, bà M. nói.
Thấy các củ khoai tây bị hư hỏng nằm xen kẽ trong đống củ hành tây, bà M. bèn nhặt lên gọt bỏ phần hư rồi cho vào túi nylon và chỉ cho phóng viên cách phân biệt khoai tây trong nước, khoai tây nhập khẩu.
“Càng nhặt càng mê, không lấy thì tiếc. Từng này cũng được mấy chục nghìn”, người phụ nữ vừa nói vừa chỉ vào túi nylon chứa hơn 20 củ hành vừa nhặt được.
Khoai lang trong đống rác được nhiều người tìm bới
Khi chúng tôi hỏi về số đậu đũa trong túi nylon, người này cho biết cũng vừa nhặt được tại chợ ĐMNS Thủ Đức và đưa tay chỉ về phía xe máy chất đầy rau củ, trái cây phế phẩm dựng cách đó khoảng 20m.
“Ngày nào chị cũng đi lượm. Một xe ngoài kia kìa. Xe chị chở không hết. Nào là bơ, nào là đủ loại hết”, bà M. nói và chia sẻ thêm, hàng ngày, bà đi bỏ mối rau ở Hóc Môn xong thì ghé vào chợ ĐMNS Thủ Đức nhặt trái cây, rau phế phẩm mang về bán lại để kiếm tiền.
Đến khoảng 8 giờ, bà M. vội vàng ôm 5 túi nylon chứa rau củ vừa nhặt được mang chất lên chiếc xe tay ga khi thấy nhóm công nhân thu gom rác xuất hiện. Sau đó, bà M. tiếp tục đi sang các đống rau phế phẩm khác để nhặt. Gần một giờ sau, người này chất các túi rau củ lên xe, cao gần quá đầu rồi chạy về hướng tỉnh Bình Dương.
Bám theo khoảng 12km, nhóm phóng viên ghi nhận bà M. chở số rau củ trên vào căn nhà trong con hẻm trên đường Trương Văn Vĩnh (phường Tân Bình, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương).
Chiều cùng ngày, bà M. tiếp tục chở số rau củ nhặt được tại chợ ĐMNS Thủ Đức đến căn nhà mặt tiền nằm trên đường Thủ Khoa Huân (phường Bình Chuẩn, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương) cách đó khoảng 5km rồi bày bán công khai cho người dân.
(Còn tiếp)
Nguồn: [Link nguồn]
Sau hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm, Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương làm việc với các khu công nghiệp, khu chế xuất để kiên quyết không ký hợp đồng với các cơ sở không bảo đảm an toàn thực phẩm