Lèn Cờ: Hai năm sau vụ sập mỏ đá
Với sự chung tay của cộng đồng, nỗi đau vụ sập mỏ đá Lèn Cờ hồi tháng 4/2011 khiến 18 người tử nạn, 7 người bị thương cũng đã phần nào lắng dịu.
Chúng tôi trở lại Lèn Cờ (xã Nam Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) trong tâm trạng se sắt của người từng chứng kiến những ngày cứu nạn. Phía trước lèn (dãy núi đá thấp), một cái hào rộng chạy dài. Trên bờ hào một hàng rào tre bao quanh chân lèn ngăn không cho người, xe vào chở những tảng đá đang nằm ngổn ngang.
Nguôi ngoai nỗi đau
Hướng ra cánh đồng, chúng tôi rẽ vào nhà anh Nguyễn Sĩ Cường, 39 tuổi, ở cuối xóm Đăng Lưu. Nét mặt gầy gò của anh vẫn đượm vẻ buồn. Điều ngạc nhiên đầu tiên là ngôi nhà ngói mới. Anh bảo: “Hồi vợ chồng cưới nhau cho đến ngày vợ lâm nạn chúng tôi ở nhờ nhà chị gái. Giờ vợ mất, tôi và con trai 6 tuổi lại đơn côi trong ngôi nhà mới này. Cái cảm giác về nhà mới cứ khiến tôi xót thương người vợ trẻ không yên”.
Ngôi nhà mới và bàn thờ cũng mới. Trên bàn thờ dựng khung ảnh người vợ Nguyễn Thị Quyền, 27 tuổi, lồng tấm chứng minh nhân dân vướng bụi tàn hương. Anh cho biết: “Cha con tôi được bà con hảo tâm khắp cả nước hỗ trợ 200 triệu đồng, làm nhà hết 160 triệu đồng, còn lại vừa đủ trả nợ vì hồi mới cưới tôi đi làm phụ hồ trong Nam, vợ đi “làm lèn” nên khi có công chuyện thì phải vay. Giờ tôi không đi làm xa nữa, chỉ phụ hồ quanh quẩn trong xã để nuôi con ăn học”.
Sau tai nạn thảm khốc, mỏ đá Lèn Cờ đã bị cấm khai thác
Khác cảnh ngộ anh Cường, chị Thái Thị Sinh ở xóm Lâm Thành vừa mang tang chồng vừa nuôi bảy đứa con, lại đang nợ ngân hàng 70 triệu đồng. Chị dắt con bò vào gốc cây rơm rồi đứng nhìn ngôi nhà ngói mới, rớm nước mắt: “Trước vụ tai nạn Lèn Cờ vợ chồng tôi ở chung với bà nội. Ngày chồng “đi”, tôi suy sụp hẳn vì bấy nhiêu năm gánh nặng cuộc sống đè lên vai chồng, giờ một nách dìu bảy đứa con sao trụ nổi. Cũng may được hỗ trợ nên ngoài cái nhà này, tôi đã trả nợ được 40 triệu đồng”.
Chị Sinh gạt nước mắt, thắp nén nhang lên bàn thờ, vái lạy trước tấm ảnh của chồng rồi quay lại nói chuyện về bảy đứa con: “Hôm chồng tôi mất, con trai đầu đang học năm thứ hai Trường đại học Kinh tế Huế, đứa con gái học lớp 10 trường làng. Cả hai anh em bàn nhau nghỉ học để giúp mẹ thay cha, nhưng khi biết chuyện tôi kiên quyết ngăn lại. Cũng may, có một tập đoàn kinh tế phụ cấp từng tháng cho đến khi bảy anh em học xong đại học. Giờ con đầu sắp ra trường, con thứ hai sang năm thi đại học. Nghĩ tủi phận chồng, một đời lầm lũi với xe công nông chở đá kiếm từng đồng nuôi con, nay không được thấy con mình đang trưởng thành”.
Không để trẻ mồ côi thất học
Nói đến chuyện học, chúng tôi tìm đến nhà ba anh em Nguyễn Văn Đạo, Nguyễn Văn Cương, Nguyễn Thị Thương ở xóm Sơn Thành. Ba anh em vừa mất cha chưa đầy năm thì mẹ bị đá Lèn Cờ vùi lấp. Trong ngôi nhà vắng, Đạo dẫn chúng tôi đến bàn thờ làm tạm bằng hai chiếc bàn mộc đặt phía góc nhà rồi thắp hương cho mẹ là chị Trần Thị Sáu, bị nạn lúc 49 tuổi. Vì bàn thờ thấp nên Đạo quỳ gối xuống nền nhà, chắp tay nói trước vong linh mẹ: “Con làm bàn thờ tạm để thờ mẹ. Chờ hết khó mới đưa mẹ lên thờ chung với cha trên bàn thờ chính của nhà ta”.
Đạo kể: “Khi mẹ mất tôi đang học năm thứ hai Trường cao đẳng nghề Việt Bắc ở Đắk Nông, em trai chuẩn bị thi liên thông lên Trường đại học Giao thông vận tải TP.HCM, em gái vừa tốt nghiệp lớp 12. Nghĩ không còn ai thay thế được cha mẹ nên tôi quyết định nghỉ học để làm điểm tựa cho hai em. Giờ em trai đang học đại học, em gái học năm thứ hai Trường cao đẳng Kinh tế xây dựng TP.HCM”. Chỉ vào chiếc xe công nông đang phủ bạt trước sân nhà, Đạo bảo: “Bố tôi rời quân ngũ về nhà làm thợ rèn kiêm thợ sửa xe đạp. Khi chưa sập Lèn Cờ, thi thoảng tôi cũng đi chở đá kiếm thêm tiền giúp cha mẹ. Giờ Lèn Cờ bị cấm khai thác nên chỉ cần lắp thêm bánh lồng vào chiếc xe này là xuống ruộng bừa đất được rồi. Ngoài hai sào ruộng nhà, tôi tranh thủ bừa thêm ruộng cho bà con để mỗi tháng góp 1 triệu đồng gửi phụ giúp hai anh em trong đó”.
Căn nhà của chị Thái Thị Sinh được xây dựng với sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm
Ông Phan Thế Trung - chủ tịch UBND xã Nam Thành - mở cuốn sổ ghi danh sách nhà hảo tâm đã đến địa phương hỗ trợ các gia đình nạn nhân Lèn Cờ nói: “Hiện đã có 250 tổ chức, cơ quan và cá nhân (có cả Việt kiều quê Yên Thành và quê hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh ở Nga, Đức, Úc...), trong đó có bạn đọc báo Tuổi Trẻ, hỗ trợ tổng số tiền 7,5 tỉ đồng. Hai nhà mới của anh Cường, chị Sinh được làm từ nguồn hỗ trợ này. Ngân hàng Công thương VN tài trợ dài hạn cho các cháu đến 18 tuổi, mỗi tháng 500.000 đồng. Đặc biệt hơn, Tập đoàn C.T Group tặng “gói” tài trợ bằng cách chu cấp cho các cháu học xong đại học. Cụ thể, các cháu mầm non được hưởng 500.000 đồng/tháng, học sinh tiểu học 600.000 đồng/tháng, học sinh THCS 700.000 đồng/tháng, học sinh THPT 800.000 đồng/tháng; sinh viên đại học, cao đẳng, trung cấp 1,5 triệu đồng/tháng. Tập đoàn này cũng sẽ nhận tất cả các cháu tốt nghiệp đại học vào làm việc”.
Tấm lòng cưu mang của cộng đồng đã giúp 52 đứa con côi cút dưới dãy Lèn Cờ không bị thất học. Hiện ngoài bốn sinh viên đại học còn có bảy sinh viên cao đẳng, trung cấp. Điều này khiến chúng tôi nhớ tới tâm sự trong nước mắt của chị Sinh: “Thật biết ơn những tấm lòng thơm thảo khắp đó đây đã tiếp sức cho gia đình các nạn nhân Lèn Cờ trong đó có gia đình tôi, nếu không nỗi đau từ Lèn Cờ còn dai dẳng mãi”.
Bốn lần hoãn phiên tòa |