Lễ Vu Lan: “Ganh đua, khoe khoang thì lễ lạt làm gì”

Một số nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, hiện nay, nhiều người ứng xử sai lầm trong dịp lễ Vu Lan.

Tưởng nhớ người đã mất

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ngô Đức Thịnh, rằm tháng 7 là ngày lễ Vu Lan, cũng là dịp con cái báo hiếu bố mẹ và tổ tiên. Rằm tháng 7 cũng là ngày “xá tội vong nhân” cúng cô hồn.

Dịp đó, ở gia mỗi gia đình, ngoài cúng tổ tiên, người ta còn làm một mâm lễ cúng cô hồn đặt trước cửa nhà. Dân gian quan niệm rằng, làm vậy sẽ thỏa lòng từ bi, bác ái của con người. Đấy cũng là ngày “xá tội vong nhân”.

Lễ Vu Lan: “Ganh đua, khoe khoang thì lễ lạt làm gì” - 1

Giáo sư Ngô Đức Thịnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hoá tín ngưỡng Việt Nam.

Giáo sư Ngô Đức Thịnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hoá tín ngưỡng Việt Nam - giải thích, rằm tháng 7 có nhiều tên như vậy vì dân gian quan niệm, ngày này người chết có thể phá ngục, thoát khỏi vòng tội lỗi. Theo quan niệm của Phật giáo, người nào lúc còn sống có tội lỗi, khi chết đi sẽ bị hình phạt, người nào sống tốt sẽ được giải thoát.

Giáo sư Ngô Đức Thịnh cho rằng, cúng lễ hướng về người chết là quan niệm rất tốt đẹp. Lễ Vu Lan hướng về khía cạnh báo hiếu cha mẹ, nếu đến chùa ngày rằm tháng 7 sẽ thấy rất nhiều hình ảnh cảm động từ lễ Hoa hồng cài áo.

Lễ Vu Lan và xá tội vong nhân là nét văn hóa của người phương Đông. Đó là tín ngưỡng bản địa của người dân, tư tưởng từ bi bác ái, tư tưởng về chữ hiếu... Chính vì lẽ đó mà phong tục này lâu bền, giúp con người hướng thiện.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ - Giảng viên Khoa Văn học - Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH QGHN) - nói về chữ “hiếu” trong ngày Vu Lan rằng: “Chữ hiếu nhà Phật sâu sắc và quảng đại”.

Ông cho rằng, chữ "hiếu" trong Phật giáo là hiếu thuận với cha mẹ mở rộng đến hiếu sinh cho muôn vật trong vũ trụ. Người ta phóng sinh, thực hành kiêng kị trong mùa Vu Lan là để khỏi xâm phạm chúng sinh.

Để báo hiếu cha mẹ, người ta thực hành 2 loại hiếu theo lời Phật dạy là "hiếu thế gian" và "hiếu xuất thế gian". Hiếu thế gian là cung dưỡng cha mẹ cơm ăn, nước uống, chỗ ở, nơi nằm, chữa bệnh thuốc thang, tiện nghi sử dụng...

"Hiếu xuất thế gian" là đưa cha mẹ vào lễ nghi giáo hóa, đi chùa đi chiền, bỏ điều ác, làm điều thiện để khi chết được siêu sinh tịnh độ.

Lễ Vu Lan: “Ganh đua, khoe khoang thì lễ lạt làm gì” - 2

Rằm tháng 7 là ngày lễ Vu Lan, cũng là dịp con cái báo hiếu cha mẹ.

Quà nào tặng mẹ?

Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, những người con thường tỏ lòng biết ơn, sự hiếu thảo bằng những món quà tặng cha mẹ vào dịp lễ Vu Lan. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ cho rằng, hãy tặng cha mẹ bằng sự cố gắng và sống tử tế với tất cả mọi người, cả thế gian và thiên nhiên.

“Rất tiếc, trong thời buổi hiện nay, một bộ phận không nhỏ người dân, từ nghi lễ đến tu hành đều vướng vào lầm lỗi. Chiếm biển nước người, ganh đua tăng trưởng, khoe khoang tiện nghi,... thì lễ lạt làm gì”, ông Vỹ bày tỏ.

Giáo sư Ngô Đức Thịnh cho rằng, lễ Vu Lan là dịp nghĩ về người đã khuất để con người sống tốt hơn, hướng thiện hơn, từ đó điểu chỉnh hành vi giữa con cái, cha mẹ.

“Đây là dịp con người nghĩ đến cha mẹ. Khi bố mẹ còn sống không được đối đãi tử tế thì đây là ngày để con cái nghĩ lại. Có giọt nước mắt hối hận, có giọt nước mắt nhớ thương.”, Giáo sư Thịnh nói.

Trong ngày này, tưởng nhớ kẻ lang thang, vong hồn đã khuất và cúng tổ tiên, ông bà... con người sẽ cảm thấy bình an, ấm lòng hơn.

Tuy nhiên, trong xã hội cũng có những biến tướng, người ta cho rằng, cúng lễ càng nhiều thì càng được việc. Nhưng thực ra, trong quan niệm truyền thống không có cúng lễ nhiều như vậy mà chỉ cần lòng thành.

Tất cả các tôn giáo, tín ngưỡng đều hướng thiện, chỉ có con người làm biến tướng thành những điều khác đi, biến điều nhân bản thành hủ tục.

Nguồn gốc lễ Vu Lan

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ: Tín ngưỡng “Vu Lan bồn” có từ văn hóa cổ xưa của Ấn Độ, trước cả khi Phật giáo ra đời. Khi đã vào Kinh tạng của Phật giáo, nó thường được kể theo truyền thuyết Mục Kiền Liên cứu mẫu.

Mục Liên là đệ tử bậc nhất của đức Phật, người đã từng cùng đức Phật đi giảng đạo, ông tu hành đạt đến Đại A la hán. Mục Liên dùng thiên nhãn của mình thấy được mẹ bị đày xuống cõi Diêm phù làm kiếp Ngạ quỷ, đau khổ, đói khát.

Thương mẹ, ông đưa thức ăn nhưng khi thức ăn đến miệng mẹ lại hóa ra lửa. Ông cầu đức Phật bày cách cứu mẹ. Đức Phật dạy đến rằm tháng 7, mùa chư tăng tự tứ (hết hạ) thì làm năm trăm mâm cỗ cung dưỡng 10 phương.

Ông làm vậy và mẹ ông, bà Thanh Đề, xả hết 10 tội bà mắc khi tại thế để lên được cõi trời. Từ đó mà có pháp hội "Vu Lan bồn".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu - M.Quân ([Tên nguồn])
Lễ Vu lan báo hiếu Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN