Lễ Vu lan: "Đốt vàng mã không là cách hiếu kính duy nhất"

"Dịp lễ Vu lan đốt vàng mã không phải là cách duy nhất để bày tỏ hiếu kính, việc đốt vàng mã là suy nghĩ, cách bày tỏ riêng của mỗi người, nhưng thực chất là lãng phí", Phó ban thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam bày tỏ.

Ai còn cha mẹ, xin đừng thờ ơ

Hòa thượng Thích Thiện Tâm, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam cho biết, rằm tháng 7 âm lịch - ngày lễ Vu lan là dịp con cháu thể hiện tinh thần báo ơn cha mẹ ông bà.

Lễ Vu lan bắt nguồn từ sự tích tấm gương hiếu hạnh cứu mẹ của Mục Kiền Liên - người từng cùng đức Phật đi giảng đạo. Do vậy, đây là dịp “nhắc nhở” các thế hệ con cháu nhớ tới công ơn dưỡng dục sinh thành của cha mẹ, ông bà, tổ tiên.

Theo Hòa thượng Thích Thiện Tâm, đạo Phật luôn đề cao ơn nghĩa, ơn tình người khác tạo cho mình. Trong bốn cái trọng ơn, người phật tử luôn nhớ ơn và báo ơn tổ tiên cha mẹ hàng đầu. Trụ trì chùa Phổ Minh - Hòa thượng Thích Thiện Tâm cũng  nhấn mạnh, hãy biết báo ơn, quan tâm khi cha mẹ còn sống.

Trong kinh phật dạy rằng trên đời có hai hạng người gồm người biết ơn và người biết tìm cách đền ơn. Sống trong cuộc đời, hãy nghĩ đến ai đã làm gì cho mình, mình nên làm gì để đáp lại.

Hòa thượng Thích Đức Thiện, Phó ban thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng nói rằng, mùa Vu lan báo hiếu là sự báo hiếu với cha mẹ, tưởng nhớ ông bà tổ tiên, những người đã khuất.

Báo hiếu hiện nay không còn chỉ là dành tình cảm tưởng niệm đến những người đã mất mà còn phải nghĩ đến trách nhiệm của người con báo hiếu cha mẹ khi cha mẹ còn đang sống. Cho dù cuộc sống này vất vả thế nào cũng là thời điểm chúng ta dành thời gian về thăm cha mẹ, thắp nén hương tưởng nhớ tới ông bà tổ tiên, dòng họ...

Lễ Vu lan: "Đốt vàng mã không là cách hiếu kính duy nhất" - 1

Mùa Vu lan báo hiếu là sự báo hiếu với cha mẹ, tưởng nhớ ông bà tổ tiên, những người đã khuất.

“Với đạo Phật, tưởng nhớ ngay hiện tại rất quan trọng. Khi cha mẹ còn sống không chăm lo, báo hiếu mà để lúc cha mẹ mất đi mới báo hiếu thì đã quá muộn màng. Cuộc sống càng hiện đại, thời gian càng ít thì càng phải có thời gian nghĩ về cha mẹ mình, hãy lấy ngày Vu lan là mốc để nhớ về cha mẹ”, Hòa thượng Thích Đức Thiện nói.

"Hạnh phúc thay cho những ai còn cha còn mẹ trên đời. Hãy trân trọng điều ấy với bông hồng đỏ thắm, màu của sự thương yêu, tự hào với niềm hạnh phúc vô biên còn cha còn mẹ."

Tại chùa vào ngày Vu lan diễn ra nghi thức bông hồng cài áo. Người mất mẹ thì cài lên ngực mình bông hồng trắng, người còn mẹ cài bông hồng đỏ. Những bông hoa nhắc nhở con người ta về giá trị chữ hiếu cũng như ơn nghĩa đấng sinh thành.

Báo hiếu bằng vàng mã là lãng phí

Vào dịp lễ Vu lan, nhà nhà lại sắm sửa tiền vàng lễ vật gửi xuống cõi âm cho tổ tiên. Các nơi bán đồ vàng mã mỗi năm lại xuất hiện những món đồ mới hiện đại. Với quan niệm “trần sao, âm vậy”, nhà nào cũng ra sức sắm sửa mong người nhà ở thế giới bên kia có cuộc sống tiện nghi nhất.

Với người còn cha mẹ, như báo chí đăng tải thời gian qua, có những người con thể hiện tình cảm với cha mẹ bằng đồ xa xỉ, có người tặng bất động sản “suất đất ở nghĩa trang”...

Hòa thượng Thích Đức Thiện cho rằng, xã hội ngày càng phát triển, việc tổ chức ngày lễ Vu lan có phần trở nên phô trương và mang tính trào lưu.

Dưới góc nhìn bao dung của đạo Phật, việc báo hiếu bằng vật chất không phải là điều xấu. Tuy nhiên trong xã hội hiện nay, càng ngày càng có nhiều người sử dụng vật chất thái quá, cúng lễ lạt cho tổ tiên nhưng mang tính chất đổi chác, cầu mong tư lợi.

“Đốt vàng mã không phải là cách duy nhất bày tỏ hiếu kính. Việc đốt vàng mã là suy nghĩ, cách bày tỏ riêng của mỗi người nhưng thực chất là lãng phí”, Hòa thượng Thích Đức Thiện bày tỏ.

Ngoài ra, Hòa thượng chia sẻ thêm, việc báo hiếu bắt đầu ngay từ chính con người mình. Bản thân sống tốt, sống có ý nghĩa thì cha mẹ sẽ được hưởng an lạc. Chính vì vậy con người phải tự điều chỉnh hành vi, phải biết cống hiến phụng sự cho cha mẹ cả về vật chất lẫn tình cảm.

Theo Hòa thượng, ngày lễ Vu lan, tùy theo từng hoàn cảnh mà tổ chức. Quan trọng là nghĩ về công cha nghĩa mẹ. Có thể đơn giản chỉ là bữa cơm ấm cúng, thắp hương tổ tiên, thăm nom cha mẹ, món quà tấm bánh cho cha mẹ, thể hiện tình cảm... cũng là báo hiếu.

 Nguồn gốc lễ Vu Lan

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ: Tín ngưỡng “Vu Lan bồn” có từ văn hóa cổ xưa của Ấn Độ, trước cả khi Phật giáo ra đời. Khi đã vào Kinh tạng của Phật giáo, nó thường được kể theo truyền thuyết Mục Kiền Liên cứu mẫu.

Mục Liên là đệ tử bậc nhất của đức Phật, người đã từng cùng đức Phật đi giảng đạo, ông tu hành đạt đến Đại A la hán. Mục Liên dùng thiên nhãn của mình thấy được mẹ bị đầy xuống cõi Diêm phù làm kiếp Ngạ quỉ, đau khổ, đói khát. Thương mẹ, ông đưa thức ăn nhưng đến miệng lại hóa ra lửa. Ông cầu đức Phật bày cho cách cứu mẹ. Đức Phật dạy đến rằm tháng bảy, mùa chư tăng tự tứ (hết hạ) thì làm năm trăm mâm cỗ cung dưỡng mười phương.

Ông làm vậy và mẹ ông, bà Thanh Đề, xả hết mười tội bà mắc khi tại thế để lên được cõi trời Đâu Suất. Từ đó mà có pháp hội Vu lan bồn. Vì bà Thanh Đề có hai tư cách: làm Mẹ và làm Ngạ quỉ nên cứu mẹ cũng là cứu Ngạ quỉ, điều này là quan trọng khi hiểu chữ Hiếu trong đạo Phật nói chung.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yên Chi - Diệu Thu ([Tên nguồn])
Lễ Vu lan báo hiếu Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN