Lễ Vu Lan báo hiếu cha mẹ có nguồn gốc, ý nghĩa thế nào?

Lễ Vu Lan từ lâu trở thành ngày lễ để con cháu tưởng nhớ công ơn cha mẹ trở thành một nét đẹp trong văn hóa của người Việt Nam.

Lễ Vu Lan là dịp để con cháu thể hiện tình cảm, lòng biết ơn công sinh dưỡng của cha mẹ. Ảnh minh họa

Lễ Vu Lan là dịp để con cháu thể hiện tình cảm, lòng biết ơn công sinh dưỡng của cha mẹ. Ảnh minh họa

Theo Ban Tôn giáo Chính phủ, lễ Vu Lan báo hiếu xuất phát từ một điển tích của Phật giáo. Điển tích này nhắc tới tôn giả Mục Kiền Liên - 1 trong 10 đệ tử lớn của Đức Phật và quá trình xin cho vong mẫu của ông được thoát khỏi chốn khổ đau.

Kinh “Vu Lan Bồn” có ghi lại: Ngày xưa, khi tôn giả Mục Kiền Liên tu thành chánh quả, tưởng nhớ mẫu thân, Ngài dùng mắt thần tìm kiếm khắp nơi trong trời đất, thấy mẹ mình đang ở trong loài ngạ quỷ (quỷ đói), bị đói khát hành hạ rất khổ sở.  

Thương mẹ, Ngài đã xuống cõi ngạ quỷ dâng bát cơm đầy cho mẹ. Thế nhưng khi mẹ Ngài bốc cơm đưa vào miệng thì cơm biến thành lửa. Tôn giả Mục Kiền Liên không có cách nào cứu được mẹ nên Ngài quay về hỏi Đức Phật.

Đức Phật mới nói với tôn giả Mục Kiền Liên rằng, bà Thanh Đề - mẹ Ngài khi còn sống đã mắc tội keo kiệt, bủn xỉn.

Theo di chúc của ông Phó tướng Trưởng giả - cha của tôn giả Mục Kiền Liên, khi ông mất, gia sản chia làm 3 phần: 1 phần cho bà Thanh Đề dưỡng lão, 1 phần cúng các chư tăng, 1 phần cho La Bốc (tên tục của tôn giả Mục Kiền Liên) ăn học.

Cha mất, La Bốc lấy 1 phần tài sản ăn học, khi trở về bà Thanh Đề nói dối với La Bốc rằng đã mời các chư tăng tới nhà cúng giàn cho cha ông và bố thí cho người nghèo.

Thế nhưng, thực tế các tăng ni tới đều bị bà Thanh Đề đuổi đi. Người nghèo khổ, đói rách tới xin bà cũng đuổi đi, nên khi chết đi vong hồn bà bị đoạ vào chốn khổ đau.

Biết mẹ đã nói dối mình nhưng vì thương mẹ, tôn giả Mục Kiền Liên xin Đức Phật chỉ lối cho cách để vong hồn mẹ được siêu thoát.

Đức Phật nói, tháng 7 là ngày mãn hạ 3 tháng an cư, các chư tăng, ni có rất nhiều năng lượng, hãy tới nhờ họ chú nguyện cho vong hồn mẹ.

Tôn giả Mục Kiền Liên làm theo lời Đức Phật, cung thỉnh chư tăng, ni khắp nơi, sắm sửa lễ cúng vào ngày 15/7 âm lịch. Sau đó, vong hồn mẹ của Ngài được giải thoát. Từ đó, ngày lễ Vu Lan ra đời như để nhắc nhở bổn phận làm con phải hiếu nghĩa nhằm thể hiện tình cảm và lòng biết ơn công sinh dưỡng của cha mẹ.

Lễ Vu Lan cũng trùng hợp với ngày Rằm tháng 7 Xá tội vong nhân theo phong tục Á Đông, tuy nhiên đây là 2 ngày lễ khác nhau.

Theo tín ngưỡng dân gian, ngày Xá tội vong nhân là ngày mở cửa ngục, ân xá cho vong nhân nên có lễ cúng cô hồn cho các vong linh không nhà cửa, không nơi nương tựa, không có thân nhân trên dương thế; đây cũng là ngày mọi tù nhân ở Địa ngục có cơ hội được xá tội, thoát sanh.

Vì thế, ngoài mâm cúng ông bà, tổ tiên trong nhà thì vào lễ Vu Lan mọi người còn cúng thêm mâm ngoài trời gọi là cúng chúng sinh dành cho những cô hồn, ma đói không nơi nương tựa.

Nhiều người rơi nước mắt cài bông hồng trắng dịp lễ Vu Lan

Hàng nghìn người đã đổ về chùa Kim Sơn – Lạc Hồng (Hòa Bình) để tham dự đại lễ Vu Lan báo hiếu và thả hoa đăng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Giang ([Tên nguồn])
Lễ Vu lan báo hiếu Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN